áo trắng
Trang chủ Đời sống “Khuyến khích người giỏi làm nghề dạy học”

“Khuyến khích người giỏi làm nghề dạy học”

Đó là nguyên văn một câu trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa VII, Nghị quyết đầu tiên của Đảng khẳng định “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Một mệnh đề ngắn gọn, giản dị nhưng toát lên giá trị cốt lõi: chất lượng của nền giáo dục phải dựa trên chất lượng người thầy. Thế nhưng, việc thu hút người giỏi làm nghề dạy học vẫn là nỗi trăn trở của ngành giáo dục

Nhiều trường đại học uy tín không phải vì thế mạnh cơ sở vật chất mà vì đội ngũ những người thầy giỏi, có chuyên môn nổi bật. Có trường phổ thông nơi làng quê heo hút nhưng luôn tự hào vì có những người thầy tài năng, luôn tận tâm với sự nghiệp trồng người. Mỗi người thầy mẫu mực là một tượng đài của ngành giáo dục, xây đắp thêm tình yêu với đất nước, quê hương! Mỗi lời nói, mỗi tình huống ứng xử của thầy là bài học để học trò mang theo suốt cuộc đời…

Cô Trà Thị Thu dạy học ở điểm trường Tắk Pổ, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: NVCC).

Cô Trà Thị Thu dạy học ở điểm trường Tắk Pổ, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, việc thu hút người giỏi làm nghề dạy học vẫn là nỗi trăn trở của ngành giáo dục. Bậc học phổ thông, mầm non đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên. Ngay cả khi được phân bổ thêm biên chế thì cũng không dễ có nguồn tuyển nhất là các môn học mới. Có tỉnh miền núi được phân bổ mấy trăm biên chế nhưng chỉ có vài hồ sơ dự tuyển. Có trường mấy chục lớp học có duy nhất một cô giáo dạy tiếng Anh… Chưa kể, một thời gian rộ lên tình trạng giáo viên một số thành phố, các khu công nghiệp xin nghỉ việc khiến ngành giáo dục lúng túng. Lương cô giáo mầm non khởi điểm chỉ 3-4 triệu đồng/tháng, thời gian làm việc trên 10 tiếng một ngày, trong khi đi làm khu công nghiệp, thời gian ít, lương cao hơn, mà lại có chế độ nghỉ mát, các phúc lợi đi kèm!

Còn nhớ, mấy năm trước, có địa phương ban hành cơ chế vượt trội thu hút giảng viên cho trường đại học của tỉnh. Mức hỗ trợ “tạo lập chỗ ở” lên tới hàng tỷ đồng cho một GS, PGS. Ngoài ra, nhà trường vẫn bố trí chỗ ở nội trú, địa phương cũng sẵn sàng tiếp nhận cả vợ/chồng của người được thu hút về làm việc. Yêu cầu duy nhất là giảng viên ký cam kết công tác ít nhất 5 năm… Thế nhưng, kết quả không như mong muốn. Số lượng giảng viên có chức danh GS, PGS, trình độ TS phù hợp các ngành cần đến ứng tuyển không nhiều. Có trường hợp nhận hỗ trợ xong chờ đủ 5 năm công tác là xin chuyển…

XEM THÊM >>>> Những lá đơn đặc biệt của giáo viên miền núi về dạy thêm học thêm

Khi điểm tuyển sinh vào các trường sư phạm tăng cao, nhiều người mừng giáo dục đã thu hút được nguồn tuyển chất lượng. Nhưng từ đầu vào tốt hơn đến có những người thầy giỏi vẫn còn khoảng cách. Mấy chục năm trước, GS.VS Vũ Đình Cự, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, đã rưng rưng xúc động khi nghe cô học trò giỏi bộc bạch: “Em chỉ mong lương đủ sống để theo thầy làm khoa học suốt đời!” Lòng yêu nghề đi theo suốt cuộc đời, những khó khăn, thậm chí thua thiệt không làm thầy cô nản chí. Năng lực chuyên môn dù rất quan trọng, nhưng còn nhiều kỹ năng nghề thầy phải qua trải nghiệm, rèn giũa, qua những vất vả làm nghề mới đúc kết được.

Có vị lãnh đạo ngành giáo dục chia sẻ: Ngày trước học sinh đoạt giải quốc gia chỉ có quyền tuyển thẳng vào sư phạm, còn các trường khác đều phải dự thi. Thế nên ước mơ “làm thầy” của nhiều em học sinh đã rất rõ ràng từ lúc học phổ thông. Còn bây giờ?

Dù không phải quá nhiều nhưng đã có những học sinh giỏi đạt giải quốc gia, quốc tế chọn con đường sư phạm. Có những bạn tốt nghiệp trường “hot” như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương, thậm chí cả những trường đại học danh tiếng ở nước ngoài cũng đến với nghề dạy học phổ thông, trở thành những thầy cô có tên tuổi. Nhiều người trong số họ không hề quan tâm đến biên chế hay chức vụ mà chỉ chuyên tâm nâng cao kỹ năng giảng dạy và tri thức cá nhân. Thu nhập người thầy được cải thiện, người thầy sống được và sống tốt với nghề. Mặt khác, họ quan tâm đến việc được trân trọng trong môi trường học thuật, tri thức, những giá trị do “nghề thầy” tạo ra. Đó là sự hấp dẫn tự nhiên để nhiều người trẻ có năng lực chọn nghề dạy học!

Nhìn sang nhiều nước có nền giáo dục phát triển, lương nhà giáo có thể không cao so với các mặt bằng chung, nhưng họ đều có cách làm riêng để thu hút đội ngũ giáo viên. Ở Phần Lan, ba điểm được nhấn mạnh trong thu hút đội ngũ nhà giáo là: được đào tạo chuyên sâu, được kính trọng và tự do học thuật. Ở Singapore, lương nhà giáo không hấp dẫn như một số nghề khác, nhưng bù lại họ được tiếp cận với nhiều cơ hội để có thể nắm giữ những vai trò khác ngoài cương vị một nhà giáo. Ví dụ mỗi năm, các giáo viên được hưởng 100 giờ dành cho “phát triển nghề nghiệp” và họ thực hiện điều này theo nhiều cách khác nhau để đạt hiệu quả…

XEM THÊM >>>> Xúc động thư cô hiệu trưởng gửi học sinh lớp 5 ngày chuyển cấp

Đảng, Nhà nước ta luôn dành quan tâm đặc biệt cho giáo dục. Nhiều chính sách vượt trội, hiện đại và thiết thực với tầm nhìn chiến lược đã và đang được thúc đẩy, trong đó có chính sách về nhà giáo. Cái gốc làm nên giá trị mỗi cơ sở giáo dục vẫn là nền tảng con người, là môi trường giáo dục tích cực và hiện đại, nơi “mỗi thầy cô là một tấm gương tự học và sáng tạo”. Chất lượng thuyết phục nhất là sinh viên ra trường có kỹ năng chuyên môn, thích ứng với môi trường công việc cạnh tranh, học sinh tốt nghiệp có nền tảng kiến thức, định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Kết quả ấy có công lao lớn của thầy cô, người thầm lặng đứng sau mỗi thành công. Những người thầy giỏi, người thầy mẫu mực luôn khơi nguồn năng lượng tích cực, nuôi dưỡng ý chí vươn lên cho các thế hệ học trò!

Thêm nhiều thầy cô giỏi sẽ giúp giáo dục ngày càng chất lượng. Giáo dục chất lượng là nền móng cho tương lai đất nước hùng cường!

Nguồn: Dân Trí
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ BRIGHT STAR
Điện thoại/Fax: 028.62966189
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đoàn Lê Khang
Địa chỉ: 4/6b Văn Chung, Phường 13, Q.Tân Bình, TP.HCM
LIÊN HỆ
Hotline: 0908 942 789
Email: brightstar24h@gmail.com