Ông Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng Khí tượng Thủy văn, cho biết lúc 6-7h, có hơn 3.500 tia sét trên bầu trời Hà Nội, trong đó hơn 2.300 tia đánh xuống đất. Khoảng 7-8h, hơn 4.000 tia sét hình thành thì gần 2.900 tia dội xuống đất. 8-9h có hơn 2.600 tia sét thì hơn 1.800 dội xuống mặt đất.
Trong đó khung 7h40 đến 8h50 sét đánh mạnh nhất. Khu vực Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa xuất hiện sấm, sét dày đặc. “Không phải tất cả hơn 7.000 tia sét đều ảnh hưởng lớn đến mặt đất mà tùy thuộc vào cường độ sẽ gây ảnh hưởng khác nhau đến cơ sở hạ tầng, lưới điện, con người”, ông Cường nói.
Mưa giông, sấm sét khiến người phụ nữ 30 tuổi, ở huyện Thanh Trì đang cắt rau ngoài đồng bị thương, được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp. Hiện bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở, tiên lượng nguy kịch.
Theo Tổng cục trưởng Khí tượng Thủy văn, Việt Nam nằm ở tâm giông châu Á – một trong ba tâm giông trên thế giới, có hoạt động giông sét mạnh. Số ngày giông trung bình của Việt Nam là 100, số giờ trung bình là 250 giờ mỗi năm. Cả nước mỗi năm hứng chịu tới 2 triệu cú sét. Tần suất sét lớn hơn ở vùng núi, vùng trung du phía Bắc và đồng bằng Nam Bộ.
Giông sét thường xuất hiện vào tháng 5-6 ở miền Bắc. Hiện Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng rãnh áp thấp trục 23-25 độ vĩ bắc nên từ sáng qua đến nay xuất hiện mưa giông, nhiều tỉnh mưa trên 200 mm. Một số quận ở Hà Nội mưa trên 100 mm như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm.
Dự báo hôm nay và ngày mai, miền Bắc tiếp tục mưa giông diện rộng. Người dân cần đề phòng sét, mưa đá, lũ quét và sạt lở đất. Từ ngày 7/6, mưa giông giảm dần, chỉ còn cục bộ ở một số nơi.