áo trắng
Chương trình Bác Sĩ Vui Vẻ
Trang chủ Điều bạn quan tâm Cảnh giác áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4

Cảnh giác áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4

Cơn bão số 3 vừa đi qua để lại rất nhiều đau thương cho đồng bào miền Bắc thì một cơn bão mới lại hình thành. Hiện áp thấp nhiệt đới trong hôm nay sẽ mạnh lên thành bão số 4, đang di chuyển rất nhanh, hướng vào khu vực Quảng Bình đến Đà Nẵng và có hướng di chuyển rất phức tạp. Khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to, có nơi trên 500 mm.  Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8, giật cấp 10.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự – Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP HCM đề nghị các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão để chủ động triển khai các phương án phù hợp.

Cảnh giác áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4

Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Hồi 6 giờ ngày 18-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 113,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 230 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20 km/giờ.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8, giật cấp 10.

Đến 4 giờ ngày 19-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Quảng Bình đến Đà Nẵng khoảng 340 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 8, giật cấp 10; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, 15-20 km/giờ, mạnh lên thành bão, cơn bão thứ 4 ở Biển Đông trong năm nay.

Đến 4 giờ ngày 20-9, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình đến Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, 15 km/giờ.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

XEM THÊM>>Mặt trận Tổ quốc TPHCM phát động chương trình ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

Mưa rất to ở miền Trung, lên đến 500 mm

Do tác động của áp thấp nhiệt đới/bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h), sóng biển cao 2-4 m, vùng gần tâm bão 3-5 m, biển động mạnh.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Trên đất liền, từ gần sáng và ngày 19-9, vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.

Từ ngày 18-9 đến ngày 20-9, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm. Từ ngày 18-9 đến ngày 19-9, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 150 mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự – Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP HCM vừa ra công văn khẩn

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự – Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP HCM vừa có công văn khẩn gửi đến các địa phương và đơn vị về chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó áp thấp nhiệt đới, đợt triều cường kết hợp mưa lớn giữa tháng 9-2024.

Theo đó, đề nghị các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão để chủ động triển khai các phương án, biện pháp phòng chống, ứng phó.

bão số 4

Dự báo trong những ngày tới, TP HCM có mưa lớn, gây ngập ở các vùng trũng thấp, ven sông và kênh rạch

UBND TP Thủ Đức và các quận – huyện được đề nghị chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều xung yếu và chuẩn bị vật tư (cừ tràm, vải bạt, bao tải đất, cát…) để kịp thời xử lý, gia cố bờ bao xung yếu.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự – Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP HCM nhấn mạnh không để xảy ra tình trạng bể, tràn bờ bao, sự cố cửa van cống kiểm soát triều gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam được đề nghị căn cứ vào tình hình thời tiết trên lưu vực, mực nước hồ, lưu lượng về hồ và diễn biến mực nước triều trên sông Sài Gòn và mưa lớn tại TPHCM phối hợp và đề xuất các đơn vị trong việc vận hành hồ Dầu Tiếng nhằm đảm bảo an toàn công trình và giảm ngập lụt cho hạ du, tránh tổ hợp bất lợi do triều cường, mưa lớn kết hợp xả lũ.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự – Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP HCM cũng đề nghị UBND quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, thiết bị kịp thời khắc phục sớm nhất nếu xảy ra sự cố thuộc các gói thầu của Dự án Bờ hữu ven sông Sài Gòn trên phạm vi địa bàn quản lý.

Sở GTVT, Sở Xây dựng, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi thành phố và Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước đô thị thành phố phối hợp với UBND TP Thủ Đức và các quận – huyện chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kịp thời xử lý các vị trí bờ bao, cống kiểm soát triều, kênh dẫn dòng xung yếu.

Nguồn: Tổng hợp, NLD
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ BRIGHT STAR
Điện thoại/Fax: 028.62966189
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đoàn Lê Khang
Địa chỉ: 4/6b Văn Chung, Phường 13, Q.Tân Bình, TP.HCM
LIÊN HỆ
Hotline: 0908 942 789
Email: brightstar24h@gmail.com