Bí quyết của thủ khoa chuyên Anh trường chuyên Sư phạm
Tuấn Anh là thủ khoa đầu vào lớp Tiếng Anh của trường THPT chuyên Sư phạm, với tổng điểm 34,4/40, trong đó môn chuyên được 8,2 điểm. Biết tin khi đang đi chơi cùng cả lớp đêm 19/6, cựu học sinh lớp 9A, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, liền gọi điện báo với bố mẹ.
“Em thức đến 6h sáng hôm sau. Năm bạn phòng em đều đỗ chuyên Anh nhưng chỉ hai người được học bổng, trong đó có em”, nam sinh cho hay.
Nam sinh cho biết đề chuyên Anh của trường Sư phạm không có phần thi nghe, chỉ gồm ngữ pháp, từ vựng, đọc hiểu và viết luận, song khó hơn các năm trước. Các câu hỏi về từ vựng đậm tính học thuật và sự biến đổi của dạng từ.
Tuấn Anh có thói quen đọc qua đề một lượt trước khi làm. Nếu không có dạng bài lạ, em sẽ làm theo thứ tự câu hỏi. Câu nào quá một phút chưa tìm ra đáp án, em chuyển sang câu khác.
Tự đánh giá, nam sinh thấy mình làm chắc chắn phần đọc hiểu và viết luận, còn phân vân ở nhiều câu phần từ vựng và ngữ pháp. Trong đó, viết luận khiến em tốn nhiều thời gian nhất vì phải viết ý tưởng ra nháp và tìm cách diễn đạt phù hợp.
“Thời gian làm bài là 120 phút nhưng em chỉ mất 90 phút để hoàn thành”, Tuấn Anh kể. “Em hơi tiếc vì điểm số không như dự tính”.
Ngoài Sư phạm, nam sinh đỗ lớp chuyên Anh của trường THPT chuyên Ngoại ngữ và chuyên Toán ở trường Khoa học Tự nhiên. Khác với đề chuyên Anh, nam sinh cho hay phải chắt chiu từng giây, phút khi làm bài thi Toán. Em nhận định đề thi của trường Tự nhiên luôn khó và lạ. Học sinh phải học chắc, biết cách lập luận và tư duy, làm bài nhanh.
“Trung bình mỗi 15 phút em xong một ý. Em được 8,5 Toán vòng 1 và 7,75 điểm Toán chuyên”, Tuấn Anh kể. Tổng điểm xét tuyển của nam sinh là 24, thừa 3,75 điểm so với mức trúng tuyển.
Theo Tuấn Anh, em thi hai môn chuyên vì có thế mạnh cả hai, và cũng muốn tăng cơ hội trúng tuyển. So với Toán, em được gia đình đầu tư học tiếng Anh sớm hơn.
Chị Mai Thị Học, mẹ Tuấn Anh, cho biết thời sinh viên, chị học tốt hai kỹ năng viết và đọc nhưng nghe và nói Tiếng Anh kém. Rút kinh nghiệm, chị đầu tư cho Tuấn Anh từ nhỏ để con có thể giỏi toàn diện.
XEM THÊM>>Nam sinh xứ Nghệ 10 năm cõng bạn bị bại não đến trường
Thủ khoa chuyên Anh trường chuyên Sư phạm học thêm trung tâm từ lớp 1
Năm con vào lớp 1, chị cho con học tiếng Anh ở nhiều trung tâm. Có nơi, Tuấn Anh học đủ bốn kỹ năng, có nơi chỉ học ngữ pháp cơ bản. Khi Tuấn Anh lên lớp 6, chị tìm giáo viên giỏi ngữ pháp để con học sâu hơn. Song song đó, nam sinh học thêm môn Toán 2-3 buổi mỗi tuần.
“Muốn đạt kết quả, không thể không học nhiều”, chị nói.
Sau khi nam sinh giành giải nhì thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp thành phố năm lớp 8, chị Học cho con dừng học thêm Toán để tập trung ôn thi tiếp năm sau. Chị nhận định con có tố chất, chăm chỉ và ham học. Vì thế, dù không học thêm Toán cả năm qua, Tuấn Anh vẫn làm được bài thi chuyên và đạt kết quả tốt.
Thời điểm này, khi vốn ngoại ngữ của Tuấn Anh đã ổn, chị Học hướng con quay lại học Toán.
“Người giỏi cả Toán và Tiếng Anh chọn ngành dễ hơn, kể cả du học vẫn sẽ có lợi thế”, chị lý giải. “Kết quả Tuấn Anh đạt được có ý nghĩa lớn với gia đình, cho thấy năng lực của con và lộ trình, việc lựa chọn thầy, cô của bố mẹ là chính xác”.
Thầy Cao Văn Dũng, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, nhận xét Tuấn Anh xuất sắc về môn Toán. Nam sinh từng được chọn vào đội tuyển của cả hai môn nhưng chọn thi Tiếng Anh và giành giải nhất thành phố năm học vừa qua.
“Tuấn Anh thông minh, hiền và ít nói. Em giỏi đều các môn và có điểm trung bình lớp 9 đạt 9,7”, thầy nói thêm.
Đỗ ba trường chuyên, ở hai môn có mức độ cạnh tranh cao là Toán và Tiếng Anh, nam sinh nói kinh nghiệm là chăm chỉ, làm nhiều bài tập để vận dụng những gì đã học.
“Phải chắc kiến thức cơ bản, nếu không sẽ khó làm bài nâng cao”, Tuấn Anh cho hay.
Sau kỳ thi, em dành nhiều thời gian chơi thể thao, kết nối bạn bè và rèn các kỹ năng sống trước khi vào năm học mới. Em cũng mong tin vui từ trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, kết quả dự kiến được Sở Giáo dục và Đào tạo công bố trước ngày 2/7.