Cõng bạn đi tìm con chữ 

Với người dân xã Châu Hạnh (huyện Quỳ Châu), hình ảnh một cậu bé có dáng người mảnh khảnh hơn 10 năm qua không quản ngại nắng, mưa cõng bạn trên lưng đến trường đã quá đỗi quen thuộc. Em là Vi Tuấn Khanh (SN 2006, học sinh lớp 12C3, Trường THPT Quỳ Châu, Nghệ An).

Vi Tuấn Khanh sinh ra một một gia đình đồng bào dân tộc Thái nghèo ở bản Định Tiến (xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu). Không được may mắn như Khanh, người bạn cùng bản, cùng tuổi là Vi Nhật Cảnh bị căn bệnh bại não hành hạ từ bé, khiến tay chân Cảnh bị co quắp, đi lại hết sức khó khăn.

Nam sinh xứ Nghệ 10 năm cõng bạn bị bại não đến trường

Hình ảnh em Vi Tuấn Khanh hàng ngày cõng bạn tới trường. Ảnh: Việt Hòa

“Khi học mầm non và lớp 1, Cảnh được bố mẹ đưa tới trường nhưng vào lớp 2, bệnh tình của bạn bị nặng hơn, bố lại cũng đã bỏ đi nên gia đình có ý định cho nghỉ học.

Đi học qua nhà Cảnh, thấy bạn bò ra cửa và nói muốn đến trường, về nhà em đã nói ý định sẽ cõng bạn đến trường với bố mẹ và được đồng ý. Bố em cũng là người mù chữ nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Từ suy nghĩ đó, em đã nghĩ tới bạn mình, nếu Cảnh không thể đến trường sẽ không có tương lai”, Khanh chia sẻ.

Theo bà Vi Thị Hòa (mẹ Cảnh): “Tôi bị bệnh, khi Cảnh vào lớp 1, chồng tôi cũng bỏ đi khiến hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, việc đưa con đến trường bị gián đoạn. Con trai tôi lúc này đã 7 tuổi nếu không tiếp tục đến trường sẽ rất tội. May lúc đó, Khanh đã sang nhà động viên và hứa sẽ đưa bạn đến trường”.

Cũng từ ngày đó, hình ảnh cậu bé gầy gò hàng ngày không quản ngại nắng, mưa cõng bạn đến trường đã làm nhiều người xúc động.

Nam sinh xứ Nghệ 10 năm cõng bạn bị bại não đến trường

Mỗi khi về nhà, Khanh đều chăm chỉ, phụ giúp giúp bố mẹ việc gia đình. Ảnh: Việt Hòa

“Điểm trường cấp 1 cách nhà khoảng 2km. Con đường đất lúc đó đi lại rất khó khăn, có đôi lúc em cõng bạn, bị ngã ngay giữa đường. Khi mệt quá, chúng em ngồi xuống nghỉ ngơi một chút rồi mới có thể đi tiếp”, em Khanh chia sẻ.

Cứ như thế suốt thời gian học cấp 1, Khanh đều đặn hàng ngày cõng bạn đến trường. Lên cấp 2, thương cảnh tình của đôi bạn, người chú đã mua cho Khanh chiếc xe đạp để chở bạn đến trường được thuận lợi.

“Mỗi ngày, Khanh đều đặn đến nhà cõng em ra cổng để ngồi lên xe đạp. Khi đến trường, bạn cõng em vào lớp, ra về cũng như thế. Em rất thương bạn nhưng vốn bị tàn tật nên không còn lựa chọn nào khác”, em Cảnh xúc động.

XEM THÊM>>Nữ sinh lớp 9 được vinh danh Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu

Tiếp tục đồng hành nếu cùng vào đại học

Lên THPT, địa điểm trường học cách nhà các em hơn 5km. Quãng đường đến trường xa hơn, chiếc xe đạp không còn phù hợp để Khanh và Cảnh đi học, thương con, bố mẹ Khanh đã phải bán bò để mua xe máy (xe máy dưới 50cc dành cho lứa tuổi học sinh – PV), để cho con tiếp tục chở bạn đến trường.

Nam sinh xứ Nghệ 10 năm cõng bạn bị bại não đến trường

Chị Vi Thị Sáu (mẹ em Khanh) luôn tự hào về con trai hết mình giúp bạn.

Cũng như lúc học cấp 2, Khanh đi xe đến đón bạn từ sớm, cõng bạn ra xe, lên cổng trường lại ân cần cõng bạn vào lớp học. Hành trình của các em cứ thế, mỗi ngày như nhiều ngày.

Chị Vi Thị Sáu (SN 1986, mẹ em Khanh) cho biết, thấy các con hàng ngày chở nhau bằng xe đạp mà thương lắm. Đi học xa nhà hơn nên gia đình phải bán con bò – tài sản lớn nhất trong nhà, để mua xe máy cho các con đi lại đỡ vất vả.

“Mặc dù gia đình em Khanh và Cảnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng các em đã luôn đồng hành, giúp đỡ nhau trong học tập, vươn lên trong cuộc sống. Năm lớp 10, 11, Khanh đạt học khá, năm lớp 12 là học sinh giỏi.

Tuấn Khanh là một tấm gương sáng để các bạn trẻ học tập và noi theo”, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C3, cô giáo Cầm Thị Hòa, tự hào.

Nam sinh xứ Nghệ 10 năm cõng bạn bị bại não đến trường

Tình bạn của Vi Tuấn Khanh và Vi Nhật Cảnh khiến nhiều người cảm phục. (Ảnh. Q.C)

Ông Cao Thanh Lưu, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Châu thông tin thêm, vì hoàn cảnh đặc biệt nên Vi Nhật Cảnh đã được xét đặc cách và miễn thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Năm nay, Cảnh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học ngành Công nghệ thông tin – Trường Đại học Kinh tế Nghệ An; còn Khanh đăng ký ngành Sư phạm Địa lý – Trường Đại học Vinh.

“Không biết kết quả như thế nào nhưng nếu chúng em đậu, cả hai vẫn tiếp tục đồng hành với nhau trên hành trình mới. Chúng em hi vọng sau này dù bạn ở đâu, làm gì, tình bạn vẫn mãi mãi gắn bó, thân thiết như ngày qua”, Khanh và Cảnh vui vẻ chia sẻ.