Một trường đại học (ĐH) tại TP.HCM thông báo giảng viên bắt buộc phải đi học tiến sĩ. Hết năm thứ 3 chưa thực hiện, giảng viên bị đánh giá lại việc sử dụng viên chức, thạc sĩ dạy không đúng chuyên ngành phải học lại thạc sĩ…
Thạc sĩ dạy không đúng chuyên ngành phải học lại thạc sĩ
Hôm nay (30.9), Trường ĐH Công thương TP.HCM ban hành thông báo rà soát và đăng ký giảng viên đi học nâng cao trình độ.
“Nếu năm thứ nhất không đăng ký học, đánh giá kết quả công việc năm học đó chỉ hoàn thành nhiệm vụ. Nếu năm thứ 2 chưa đăng ký, đánh giá kết quả công việc năm học đó không hoàn thành nhiệm vụ. Hết hết năm thứ 3 chưa nộp bằng thạc sĩ về nhà trường, tiếp tục đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và thực hiện đánh giá lại việc sử dụng viên chức vì 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ“, thông báo của trường nêu rõ hướng xử lý với giảng viên không thực hiện việc học tập theo quy định.
Cũng trong thông báo này, Trường ĐH Công thương TP.HCM yêu cầu giảng viên nữ dưới 45 tuổi, nam dưới 50 tuổi đã có bằng thạc sĩ bắt buộc phải đi học tiến sĩ. Giảng viên thực hiện đăng ký tham gia dự tuyển trình độ tiến sĩ trong thời hạn 3 năm kể từ ngày ra thông báo.
Với trường hợp năm thứ nhất không đăng ký học tiến sĩ theo yêu cầu, giảng viên bị đánh giá kết quả công việc năm học đó chỉ hoàn thành nhiệm vụ. Hết năm thứ 2 chưa đăng ký, giảng viên bị đánh giá kết quả công việc năm học đó không hoàn thành nhiệm vụ. Hết năm thứ 3 chưa đăng ký, giảng viên tiếp tục đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và thực hiện đánh giá lại việc sử dụng viên chức vì 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ.
“Khi đăng ký, giảng viên phải dự kiến tiến độ học tập, thời gian dự kiến hoàn thành khóa học và nhận bằng tốt nghiệp. Thời gian học nghiên cứu sinh không quá 6 năm“, thông báo trường nêu rõ.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy cả nước hiện có khoảng 85.000 giảng viên ĐH và CĐ sư phạm. Tuy nhiên, chỉ có 26.800 giảng viên có trình độ tiến sĩ (chiếm 32%).
XEM THÊM>>Nữ sinh chuyên Văn giành học bổng tiến sĩ Đại học Harvard
Vì sao trường đặt ra yêu cầu giảng viên phải học tiến sĩ?
Theo đại diện trường ĐH Công thương TP.HCM , mục đích của việc rà soát này nhằm nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác quản lý, giảng dạy của đội ngũ giảng viên; đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn của cơ sở giáo dục ĐH theo thông tư quy định. Hiện nay tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên của trường đạt khoảng 38% trên tổng số giảng viên toàn trường.
Theo Thông tư 01 ban hành chuẩn cơ sở giáo dục ĐH của Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ tháng 3.2024, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục ĐH không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ.
Đối với cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo tiến sĩ không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50%. Đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ, không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15%.
Trường không yêu cầu thì cũng học
Trước thông báo này của trường, thạc sĩ H.T.T (giảng viên khoa Quản trị kinh doanh), cho biết: “Trường không yêu cầu thì mình cũng dự định học tiếp tiến sĩ. Khi xác định theo ngạch giảng viên, việc học nâng cao trình độ phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu là cần thiết. Ngược lại, giảng viên đã có năng lực giảng dạy và nghiên cứu việc tiếp tục học lên cao không khó”.
Trước đó, hồi cuối tháng 6, Trường ĐH Hà Tĩnh ra quyết định về việc xếp loại viên chức và lao động hợp đồng theo năm học. Không ký cam kết đi học tiến sĩ theo yêu cầu của Trường ĐH Hà Tĩnh, nhiều giảng viên bị đánh giá “không hoàn thành nhiệm vụ“.