Tha thứ không có nghĩa là quên đi tất cả
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng sự tha thứ không có nghĩa là bạn chấp nhận hành vi của đối phương đúng. Một nghiên cứu đăng trên tờ Spirituality in Clinical Practice chỉ ra, tha thứ không có nghĩa là bạn quên đi những gì đã xảy ra, cũng không có nghĩa là làm lành với người đã làm tổn thương bạn hay giả vờ rằng người đó không làm tổn thương bạn.
Tha thứ không có nghĩa là bạn yếu đuối, mà ngược lại, làm bạn mạnh mẽ hơn. Sự thật về tha thứ chính là khả năng buông bỏ sự oán giận mà vẫn thực thi những ranh giới lành mạnh hoặc không còn quan hệ với người đó nữa.
Giữ hận thù chỉ làm bạn đau
Đức Phật từng nói “Giữ lửa giận giống như uống thuốc độc và chết dần mòn“.
Có thể bạn nghĩ rằng “Anh đã làm điều này với tôi, bây giờ tôi phải căm ghét, phải trả thù anh”, tuy nhiên khi bạn để sự tức giận sống trong cơ thể và tâm trí mình, cảm giác bên trong bạn không hề dễ chịu. Trong khi đó, kẻ bạn ghét bỏ thực ra không phải chịu bất cứ điều gì, ngược lại cuộc sống của bạn trở nên rất khó khăn.
Do đó, trước hết bạn nên buông bỏ oán giận cuộc sống của bạn sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều.
Tha thứ giúp bạn tử tế hơn
Các nhà khoa học đã phát triển một thang đo về sự tha thứ và phát hiện ra rằng sự oán giận có hai thành phần chính. Đầu tiên là mong muốn trả thù. Nói cách khác, bạn muốn trả đũa lại người đã làm tổn thương bạn, hoặc ước họ sẽ bị tổn thương. Điều thứ hai là trốn tránh. Điều này có thể bao gồm việc từ bỏ mọi hoạt động có sự góp mặt của đối phương, với hy vọng không đối diện.
Muốn tránh tiếp xúc với người đã làm tổn thương bạn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, bạn có muốn để người đó khiến bạn phải thay đổi lối sống của mình?
Khi bạn tha thứ và đón nhận sự thanh thản bạn có thể chuyển sang con đường tử tế hơn, con đường của tình yêu thương và lòng trắc ẩn và thể hiện phiên bản tốt nhất của con người bạn.
XEM THÊM>>Bài học từ cao nhân
Bạn lấy lại quyền kiểm soát hạnh phúc của mình
Khi bạn trút bỏ được sự oán giận, bạn không còn muốn trả thù và bạn cũng không còn trốn tránh người đó nữa. Nhà nghiên cứu về sự tha thứ, tiến sĩ Bob Enright (Mỹ), chuyên gia tâm lý giáo dục nói rằng sự tha thứ thực sự có nghĩa là cung cấp điều gì đó tích cực, bao gồm sự đồng cảm, lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu đối với người đã làm tổn thương bạn.
Một nhà tâm lý học khác giải thích điều này là xóa nợ. Khi ai đó làm điều sai trái với bạn, bạn cảm thấy như thể họ đã lấy đi thứ gì đó thuộc về bạn như sự bình yên, niềm vui, hạnh phúc, họ “mắc nợ” bạn. Do đó, việc tha thứ cho họ, chỉ đơn giản là giải phóng món nợ, đồng nghĩa với việc nói bạn không còn nợ tôi bất cứ điều gì. Điều này rất tốt cho sự chữa lành của bạn bởi bạn không còn chờ đợi người khác “trả nợ” để lấy lại tâm trạng vui vẻ. Bạn lấy lại hạnh phúc vào tay chính mình.
Tha thứ giúp bạn hạnh phúc hơn
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, sự tha thứ giúp mang đến cho bạn những mối quan hệ hạnh phúc hơn, giảm trầm cảm và lo lắng, giúp tăng lòng tự trọng, cung cấp cho bạn sức mạnh tinh thần lớn hơn và sự lạc quan, đồng thời làm cho bạn bớt khó chịu bởi căng thẳng cuộc sống.
Tha thứ giúp bạn cải thiện sức khỏe
Tha thứ thực sự giúp bạn giảm căng thẳng và giảm nồng độ hormone gây căng thẳng cortisol. Ngoài ra nó còn có những lợi ích tuyệt vời đối với tim như hạ huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Nghiên cứu của Mỹ cho thấy tha thứ thực sự làm giảm đau lưng mãn tính, giúp bạn vượt qua cơn nghiện, giảm hành vi thù địch và có thể tăng chức năng miễn dịch của cơ thể.
Tha thứ giúp bạn sống cho hiện tại
Không phải ai khác, người khó để tha thứ nhất có thể là chính bạn. Tuy nhiên, bạn cần phải nhớ rằng sai lầm của quá khứ không định nghĩa con người bạn. Sự vật lộn của bạn cho thấy bạn đang muốn trở thành một con người tốt hơn. Sự tha thứ sẽ chỉ giúp bạn điều đó, vì nó khiến bạn có nhiều khả năng đưa ra quyết định sáng suốt hơn trong tương lai, thay vì lặp lại sai lầm tương tự.