Một khoa học liên ngành
Việt Nam học là một ngành khoa học cơ bản, liên ngành, nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam trong tính tổng thể và hệ thống, nhằm tìm ra những đặc điểm nổi trội, những giá trị đặc thù, qua đó ngày càng đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Một trong những mục tiêu trọng tâm của ngành Việt Nam học là đào tạo các chuyên gia có kiến thức rộng về đất nước, con người Việt Nam, có khả năng làm việc trong môi trường liên ngành và sử dụng thành thạo các kỹ năng nghiên cứu đa ngành, liên ngành, có khả năng phát hiện các đặc trưng của từng không gian văn hóa – xã hội cụ thể phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa Việt Nam.
TS. Bùi Văn Tuấn – Phó Viện trưởng, Giám đốc Chương trình Việt Nam học, Viện Hà Nội học và Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho hay, cho đến nay, lịch sử đã ghi nhận những đóng góp và vai trò hết sức to lớn của nhiều nhà bác học lỗi lạc với những nghiên cứu về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam. Quá trình tiến triển của ngành Việt Nam học gắn liền với những bước phát triển của Việt Nam, với sự khẳng định uy tín, vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Việt Nam ngày càng được cộng đồng khoa học thế giới chú ý nghiên cứu nhiều hơn. Ngược lại, nhiều nhà khoa học đã nổi danh khắp thế giới với tư cách là chuyên gia về Việt Nam học. Cộng đồng Việt Nam học trong nước và quốc tế là nhịp cầu trí tuệ, nhịp cầu văn hóa kết nối Việt Nam với thế giới. Nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam đã trở thành nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển, hội nhập của Việt Nam và quá trình đầu tư, hợp tác của các nước và các tổ chức quốc tế với Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngày nay, Việt Nam học đã phát triển tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trên thế giới, hiện có hàng trăm cơ sở nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam tại các trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế. Có những cơ sở với bề dày trên một trăm năm, liên tục đào tạo nhiều thế hệ nhà Việt Nam học, cũng có những cơ sở vừa mới được thành lập và đi vào hoạt động.
“Tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, sinh viên theo học ngành Việt Nam học tại nhà trường không chỉ được cung cấp những kiến thức chuyên sâu về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam mà còn được đào tạo các phương pháp, kỹ năng cần thiết. Điều này giúp sinh viên có cái nhìn đa chiều về những vấn đề, điều kiện đang có ở Việt Nam.
Để giúp sinh viên có cơ hội được tiếp cận với những kiến thức thực tế, chúng tôi thường xuyên mời các chuyên gia hàng đầu về Việt Nam học, Địa phương học, Hà Nội học,… trong nước và quốc tế đến trao đổi về các vấn đề nổi bật của Việt Nam học trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay” – TS. Bùi Văn Tuấn – Phó Viện trưởng, Giám đốc Chương trình Việt Nam học, Viện Hà Nội học và Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
![]() |
TS. Bùi Văn Tuấn – Phó Viện trưởng, Giám đốc Chương trình Việt Nam học, Viện Hà Nội học và Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội và sinh viên ngành Việt Nam học |
Cầu nối văn hóa Việt Nam với thế giới
Ngành Việt Nam học có sứ mạng cao cả trong việc truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, làm cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và bạn bè thế giới, đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước trong bối cảnh đương đại.
Đặc biệt hiện nay, các cơ sở đào tạo ngành Việt Nam học chưa nhiều, nguồn cung còn thiếu so với nhu cầu xã hội, trong khi đó, một số ngành đào tạo khác đang đứng trước xu thế “bão hòa”. Đây chính là một trong những lợi thế cho sinh viên theo đuổi ngành Việt Nam học. Trong những năm qua, nhà trường không ngừng đẩy mạnh hợp tác với các quỹ học bổng, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để mang lại nhiều suất học bổng cho sinh viên với mục tiêu không chỉ mang đến những điều kiện học tập tốt nhất mà còn tạo động lực phấn đấu cho các bạn sinh viên trong suốt quãng thời gian học tập tại trường, như: Học bổng Nguyễn Trường Tộ, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup, Quỹ thiện nguyện VNHelp, Quỹ Khuyến học Việt Nam, học bổng trường Đại học Hoa Văn – Côn Minh và rất nhiều học bổng đến từ các trường đại học quốc tế có ký kết hợp tác với Đại học Thủ đô Hà Nội,…
Trước đây, khi nhắc tới ngành Việt Nam học, nhiều người thường sẽ có suy nghĩ rằng sinh viên học các ngành khoa học cơ bản sẽ chỉ có thể làm việc tại các cơ quan thuộc khối nhà nước, các bảo tàng lịch sử, các viện nghiên cứu… Điều này là đúng nhưng không còn là đủ với thế hệ sinh viên và ngành Việt Nam học hiện nay.
Với phông kiến thức đào tạo tổng hợp, toàn diện, sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp không chỉ làm việc trong các tổ chức công và cơ quan quản lý nhà nước mà còn làm việc cho các tổ chức quốc tế có hợp tác, trao đổi với Việt Nam. Ngoài ra, với xu thế toàn cầu hoá và hội nhập, các bạn là những nhân tố nòng cốt có cơ hội được tuyển vào bộ phận chuyên về quan hệ Việt Nam trong các cơ quan kinh tế, ngoại giao, giáo dục, truyền thông của nước ngoài.
![]() |
Hiện nay, đất nước chúng ta có gần 6 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc và đầu tư phát triển ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đây cũng là môi trường công việc lớn cho các tân cử nhân ngành Việt Nam học về giảng dạy tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho con em kiều bào ở nước ngoài.
Với các kiến thức tổng hợp, liên ngành và các kỹ năng được trang bị, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tự tin khởi nghiệp sau khi sở hữu tấm bằng cử nhân Việt Nam học của trường Đại học Thủ đô Hà Nội theo đuổi những ước mơ của mình, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.