Tiến Minh, học sinh lớp 12 ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, dự định theo ngành Công nghệ thông tin ở đại học. Dù các trường chưa công bố phương án tuyển sinh năm tới, Minh đã tính sẽ nộp vào Đại học Đại Nam, Phenikaa hay FPT.
Nếu các trường ổn định cách xét tuyển như năm ngoái, Minh cần điểm học bạ 3-5 học kỳ, không bao gồm kỳ II lớp 12, biết kết quả vào khoảng tháng 4.
“Em yên tâm hơn vì sẽ biết phải làm gì tiếp theo, dù là đỗ hay trượt”, Minh nói.
Vì thế, nam sinh hụt hẫng khi nghe tin có thể năm nay việc này sẽ bị lùi lại. Tại Hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020-2024 hôm 31/10, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề xuất không cho các đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm trước ngày 31/5 – thời điểm kết thúc năm học.
“Các trường vẫn sẽ thu hồ sơ từ sớm, rồi công bố điểm chuẩn muộn, như vậy chỉ khiến chúng em thấp thỏm hơn”, Minh bày tỏ.
Ở Hòa Bình, Sa Trung Hiếu, trường THPT Mường Chiềng, huyện Đà Bắc, có cùng suy nghĩ. Hiếu định đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ vào một số trường, hy vọng đỗ sớm để giảm áp lực ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6.
“Nếu trúng tuyển sớm, em chỉ cần học vừa phải để đỗ tốt nghiệp“, nam sinh nói.
Theo khảo sát của VnExpress hôm 3/11 với gần 1.000 người, 53% muốn công bố kết quả xét tuyển sớm trước khi kết thúc năm học để giảm áp lực cho thí sinh, chỉ 23% đồng tình với Cục trưởng Quản lý chất lượng.
Các đại học hiện dùng khoảng 20 phương thức xét tuyển, hầu hết là xét tuyển sớm (xét học bạ, chứng chỉ quốc tế kết hợp học bạ, điểm thi đánh giá năng lực…). Năm 2022, khoảng 400.000 học sinh đủ điều kiện đỗ sớm. Còn năm ngoái, 375.000 em vào đại học bằng cách này, chiếm khoảng 50% tổng số đăng ký xét tuyển đại học.
Cô Đặng Thị Mai, giáo viên một trường THPT ở tỉnh Vĩnh Phúc, cho hay phần lớn học sinh lớp 12 của trường, muốn công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm trước ngày 31/5.
“Nếu các em đỗ, giáo viên cũng giảm áp lực trong dạy học“, cô nói.
Dù vậy, cô Mai cho rằng đề xuất của lãnh đạo Bộ Giáo dục không hẳn vô lý. Năm ngoái, một lớp mà cô phụ trách có đến 2/3 học sinh dùng điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, giải thưởng học sinh giỏi, điểm IELTS để đăng ký xét tuyển sớm. Thi tốt nghiệp chỉ còn là điều kiện nên các em không chú tâm ôn luyện, khiến tinh thần học tập cả lớp đi xuống. Giáo viên cũng mất động lực khi cả lớp gần như chỉ học lấy lệ.
“Những học sinh không đăng ký xét tuyển sớm vì thế không được hưởng lợi”, cô Mai nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp TP HCM, căn cứ xét tuyển sớm thường là điểm học bạ 3-5 học kỳ, không có kỳ II lớp 12 nên không phản ánh đầy đủ khả năng của học sinh. Ông cũng đồng tình rằng biết trúng tuyển sớm trước khi kết thúc năm học vài tháng, nhiều học sinh chủ quan, lơ là học tập.
XEM THÊM>>Đại học bỏ phương thức xét tuyển học bạ học sinh nói gì?
Lê Quốc Huy, học sinh trường THPT C Phủ Lý, Hà Nam, cho rằng việc công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm sau 31/5 không gây bất lợi gì cho thí sinh. Bởi thời điểm đó, học sinh đã hoàn thành chương trình ở lớp, chưa thi tốt nghiệp THPT.
“Em nghĩ điều này đảm bảo chúng em tiếp thu đầy đủ kiến thức, không lơ là học mà vẫn đỡ áp lực trước kỳ thi cuối cùng“, Huy nói.
Bùi Thanh Phương, học sinh lớp 12 ở Phú Thọ, nhìn nhận sẽ có chút hồi hộp khi phải chờ đợi nhưng không bị áp lực gì thêm.
“Em nghĩ ai cũng xác định từ sớm việc sử dụng phương thức nào và xem trước điểm chuẩn năm ngoái để chuẩn bị”, Phương nói. “Dù biết đỗ sớm hay không, em cũng đã tập trung vào các phương thức đó rồi“.
Huy và Phương cho rằng thời điểm công bố kết quả không quan trọng bằng việc các trường công bố các phương thức, tiêu chí xét tuyển sớm để các em chuẩn bị tốt nhất có thể.
Nhưng cũng có học sinh nghĩ khác, như Đặng Ngọc Tú, trường THPT Chương Mỹ A, Hà Nội. Năm nay, nữ sinh định đăng ký xét tuyển sớm vào Đại học Kinh tế Quốc dân bằng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trường này chưa khi nào công bố điểm chuẩn trước khi kết thúc năm học. Theo Tú, việc này kéo dài hơn tâm trạng lo lắng của em và các bạn. Nếu biết đỗ sớm, các em không phải dồn sức ôn thi.
“Trong thời gian đó, chúng em có thể học thêm nhiều kỹ năng khác để chuẩn bị vào đại học“, Tú nói. “Ngược lại, nếu chưa đỗ, em sẽ quyết tâm cao hơn ở kỳ thi tốt nghiệp”.