Năm 2024, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) xét tuyển đại học chính quy theo 5 phương thức, trong đó trường dành hầu hết chỉ tiêu xét tuyển kết hợp.
Chiều 5-2, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) chính thức công bố thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2024.
5 phương thức xét tuyển, 90% chỉ tiêu xét tuyển kết hợp
Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), năm 2024, các phương thức xét tuyển của nhà trường vẫn giữ ổn định, trong đó phương thức kết hợp vẫn chiếm tỉ trọng chỉ tiêu lớn nhất (lên tới 90% tổng chỉ tiêu).
Nhà trường tiếp tục triển khai và tăng cường công tác xét tuyển theo hướng tổng hợp nhiều tiêu chí nhằm tuyển đúng thí sinh giỏi, có năng lực và thái độ phù hợp với mục tiêu đào tạo của ngành/nghề.
“Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM vẫn là kỳ thi quan trọng trong công tác tuyển sinh tại trường. Chiếm lên tới 75% trọng số tiêu chí học lực ở phương thức kết hợp, điểm thi đánh giá năng lực của thí sinh càng cao thì cơ hội trúng tuyển càng lớn vào trường. Do vậy, thí sinh nên dự thi năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường”, ông Thắng khuyên.
Cũng theo ông Thắng, nhà trường quy định thí sinh có thể tham gia xét tuyển bằng một hay nhiều phương thức khác nhau.
Các phương thức xét tuyển cụ thể, gồm:
1. Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Đại học Quốc gia TP.HCM: 1-5% tổng chỉ tiêu.
2. Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM: 10-15% tổng chỉ tiêu.
3. Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài (chỉ áp dụng cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, tiên tiến): 1-5% tổng chỉ tiêu.
4. Xét tuyển thí sinh dự tính du học nước ngoài vào chương trình chuyển tiếp quốc tế (Úc, New Zealand): 1-5% tổng chỉ tiêu.
5. Xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí: kết quả thi đánh giá năng lực, kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm học THPT, năng lực khác (chứng chỉ, giải thưởng): 60-90% tổng chỉ tiêu.
Xem thêm >> Trường ĐH Sư phạm Hà Nội công bố 5 phương thức tuyển sinh
89 ngành, chuyên ngành ở 8 chương trình đào tạo
Năm nay nhà trường giữ nguyên quy mô tuyển sinh với 5.150 chỉ tiêu đại học chính quy cho 89 ngành, chuyên ngành ở 8 chương trình đào tạo, trong đó có nhiều ngành, chuyên ngành mới.
Chương trình tiêu chuẩn: 35 nhóm ngành/ngành (các ngành tuyển sinh theo nhóm ngành sẽ phân ngành từ năm thứ 2 theo kết quả học tập), dạy bằng tiếng Việt.
Chương trình tài năng: 15 nhóm ngành/ngành, dạy bằng tiếng Việt (dựa trên chương trình tiêu chuẩn với các môn cốt lõi dành cho chương trình tài năng).
Chương trình tiên tiến: 1 ngành, kỹ thuật điện – điện tử, dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Chương trình chuyển tiếp quốc tế (Úc, New Zealand): 15 ngành, dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh; 2-2,5 năm đầu – địa điểm học tại cơ sở quận 10, học phí khoảng 40 triệu đồng/học kỳ (chưa kể học kỳ Pre-English), 2-2,5 năm cuối – chuyển tiếp sang đại học đối tác Úc/New Zealand.
Chương trình kỹ sư chất lượng cao tại Việt-Pháp (PFIEV): 8 chuyên ngành đào tạo kỹ sư hợp tác với 8 trường kỹ sư danh tiếng tại Pháp, học tập bằng tiếng Việt.
Chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh: 22 ngành, dạy bằng tiếng Anh.
Chương trình định hướng Nhật Bản: 2 ngành, dạy chuyên môn theo chương trình tiêu chuẩn kết hợp đào tạo tiếng Nhật giao tiếp – chuyên ngành (1.200 giờ) và văn hóa Nhật, một số môn chuyên ngành ở năm thứ 3 và 4 do các giáo sư Nhật dạy bằng tiếng Nhật.
Chương trình chuyển tiếp quốc tế (Nhật Bản): 1 ngành, kỹ thuật điện – điện tử.
Đáng chú ý, năm nay nhà trường dự kiến mở thêm hàng loạt ngành, chuyên ngành mới: chuyên ngành thiết kế vi mạch; chuyên ngành công nghệ hóa dược, công nghệ mỹ phẩm; ngành kinh tế xây dựng; ngành địa kỹ thuật xây dựng; ngành khoa học dữ liệu…
Thông tin tuyển sinh chi tiết tại đây.