Đại diện nhiều trường đại học cho rằng hầu hết các ngành ở đợt xét tuyển bổ sung đều không hấp dẫn thí sinh nên nhiều trường công, tư không thu được kết quả tốt thậm chí rất èo uột..
Trường công, trường tư đều gặp khó
Sau khi kết thúc đợt xét tuyển và nhập học, nhiều trường ĐH đã thông báo xét tuyển bổ sung với hàng ngàn chỉ tiêu.
Trường ĐH Công nghiệp TP HCM không xét tuyển bổ sung ở cơ sở chính nhưng thông báo xét tuyển bổ sung 205 chỉ tiêu cho 6 ngành (quản trị kinh doanh, kế toán, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật điện – điện tử) tại phân hiệu Quảng Ngãi. Kết thúc đợt xét tuyển bổ sung, trường chỉ tuyển được khoảng 20 em.
Trường ĐH Mở TP HCM cũng xét tuyển 150 chỉ tiêu ở 6 ngành đào tạo do trường cấp bằng. TS Lê Xuân Trường, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết với mức điểm nhận hồ sơ là 16 đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường nhận được chưa tới 100 hồ sơ dự tuyển. Với quy định điểm trúng tuyển đợt bổ sung không thấp hơn đợt xét tuyển chính thì kết quả xét tuyển cuối cùng khả năng còn thấp hơn.
Trường ĐH Hoa Sen xét tuyển bổ sung 1.500 chỉ tiêu cho tất cả các ngành đào tạo; Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành không nêu số lượng nhưng cho biết xét tuyển bổ sung vào tất cả các ngành đào tạo theo nhiều phương thức xét tuyển; Trường ĐH Hùng Vương TP HCM tuyển bổ sung 500 chỉ tiêu cho 10 ngành đào tạo. Đại điện nhiều trường ĐH tư thục tại TP HCM có xét tuyển bổ sung đều cho biết lượng thí sinh tham gia xét tuyển bổ sung thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cần tuyển. Các trường nhận định có lẽ nguồn tuyển không còn nhiều.
Thí sinh đi đâu?
Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH năm 2024 là 733.652.Trong đó, số thí sinh trúng tuyển trên hệ thống là 673.586, số thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống là 551.479.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết trường đã lường được kết quả này nhưng vẫn không hiểu thí sinh đi đâu? Phải chăng những ngành học ở đợt xét tuyển bổ sung không hấp dẫn thí sinh… Trong khi đó, TS Lê Xuân Trường cho rằng nguồn tuyển thật sự không còn nhiều. Những thí sinh có sự xác định rõ ràng và nghiêm túc hầu hết đã trúng tuyển ở đợt xét tuyển chính thức. Có thể chỉ một bộ phận thí sinh trúng tuyển đợt 1 nhưng không phải là ngành yêu thích thì không xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà tìm cơ hội khác ở đợt xét tuyển bổ sung. Đa số thí sinh đăng ký xét tuyển nhưng không trúng tuyển có thể đã tìm cơ hội học tập ở bậc học khác.
PGS-TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II, cho rằng thị trường lao động đang rất cần nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, đặc biệt là nhóm ngành kỹ thuật và dịch vụ. Qua tìm hiểu thí sinh xét tuyển vào trường, cho thấy phần lớn người học đã tìm hiểu kỹ về nhu cầu, xu hướng việc làm nên ngay từ đầu đã quyết định chọn học cao đẳng. Cũng có một bộ phận học sinh tốt nghiệp THPT chủ động tham gia các khóa học nghề, học tiếng để đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… Học phí là một trong những mối bận tâm hàng đầu đối với gia đình và bản thân người học. Trong khi hầu hết các trường ĐH đã thực hiện tự chủ có mức học phí cao thì học phí ở bậc cao đẳng dễ chịu hơn và cơ hội học lên ĐH bằng con đường liên thông cũng hoàn toàn rộng mở. Đây là những lý do tác động đến việc dè dặt bước vào trường ĐH của thí sinh năm nay.
XEM THÊM>>Nguyên nhân nào hơn 120.000 thí sinh đỗ đại học nhưng bỏ nhập học?
Nhiều trường tiếp tục thông báo tuyển
Tính đến ngày 10-9, có ít nhất 25 trường ĐH đã công bố điểm xét bổ sung từ 15 – 28,25. Điểm chuẩn bổ sung của hầu hết trường ở mức 15 – 23, bằng với đợt đầu, riêng Trường ĐH Quy Nhơn tăng đến 9,5 điểm.
Cụ thể, theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, 16 ngành tuyển bổ sung của trường có điểm đầu vào cao hơn đợt đầu 2 – 9,5 điểm.Trong đó, tăng cao nhất là ngành quản lý đất đai và quản lý môi trường, với 24,5 và 22,5 điểm, tăng 7,5 – 9,5 điểm. Với phương thức xét điểm học bạ, hầu hết ngành tăng 2 – 8,75 điểm, cao nhất là ngành kế toán chất lượng cao với 28,25 điểm.
Trường ĐH Phenikaa là một trong số ít trường có điểm chuẩn tăng ở phía Bắc. Ngành khoa học máy tính lấy 23 điểm cho tổ hợp 3 môn thi tốt nghiệp; 27 điểm nếu xét học bạ, tăng 2 điểm so với đợt 1.
Học viện Hàng không Việt Nam cũng công bố điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển bổ sung với phương thức xét học bạ THPT, điểm chuẩn từ 18 – 23 điểm. Ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn từ 18 – 20.
Còn khoảng 90 trường ĐH khác vẫn tuyển bổ sung đến giữa hoặc cuối tháng 9, trong đó nhiều trường xét tuyển bổ sung ngành sư phạm như Trường ĐH Hồng Đức, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế, Trường ĐH Quảng Nam, Trường ĐH Phạm Văn Đồng…
Trường ĐH Quảng Bình thông báo xét tuyển bổ sung năm 2024 với 13 ngành đào tạo xét theo học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, trong đó, trường xét tuyển 8 chỉ tiêu ngành sư phạm khoa học tự nhiên; 7 chỉ tiêu ngành sư phạm lịch sử – địa lý. Điểm sàn xét tuyển 2 ngành này dao động 23,24 – 26,5 điểm. Các thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 hoặc đã trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học có thể đăng ký xét tuyển bổ sung trong đợt này.