áo trắng
Chương trình Bác Sĩ Vui Vẻ
Trang chủ Học đường Thông tư về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, khó khăn hay cơ hội của cha mẹ?

Thông tư về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, khó khăn hay cơ hội của cha mẹ?

Việc các trường học phải dừng hoàn toàn dạy thêm có thu tiền buộc các gia đình phải dành nhiều thời gian hơn cho con cái.

Ảnh minh họa (Internet)

Ảnh minh họa (Internet)

Trường học chính thức dừng học thêm có thu tiền từ hôm nay

Từ đầu tuần, các trường THPT tại Hà Nội đồng loạt thông báo cho phụ huynh về việc dừng các lớp phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức, ôn thi tốt nghiệp THPT kể từ ngày 14/2.

Chỉ có một số ít trường tiếp tục ôn tập tăng cường cho học sinh khối 12 bằng việc huy động sự tình nguyện của giáo viên hoặc trích kinh phí từ nguồn chi tiêu nội bộ như trường Xuân Đỉnh, Thạch Bàn, Việt Đức, Trần Phú…

Ở khối THCS, trừ các trường đang dạy 2 buổi/ngày, số còn lại dừng hoàn toàn việc học thêm, bao gồm cả khối 9.

Ở khối tiểu học, nhiều trường thông báo dừng các câu lạc bộ toán và tiếng Việt. Phụ huynh đón con từ 15h30 hàng ngày.

Việc thực hiện Thông tư 29 được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quán triệt tới 100% trường học trên địa bàn thành phố, không có ngoại lệ.

Học sinh tiểu học trong lễ khai giảng năm học 2024-2025

Học sinh tiểu học trong lễ khai giảng năm học 2024-2025

Hiệu trưởng một trường THCS cho biết, nhà trường yêu cầu các giáo viên dừng hoàn toàn các lớp học thêm tại nhà, không được để xảy ra bất kỳ vi phạm nào nhằm tránh ảnh hưởng đến danh tiếng của nhà trường và liên lụy trực tiếp tới hiệu trưởng ở vai trò quản lý.

“Không phải cứ dạy thêm là trục lợi. Có thể sẽ có trường hợp giáo viên vẫn dạy thêm tại nhà do thương học trò đang giai đoạn ôn thi nước rút hoặc nể phụ huynh. Song tôi yêu cầu các giáo viên tuân thủ tuyệt đối quy định.

Bất kỳ hoạt động dạy thêm trái quy định nào cũng gây ra hệ lụy tới tập thể và chính cá nhân giáo viên dù mục đích là tốt đẹp.

Tôi khuyến khích giáo viên nếu có nhu cầu dạy thêm nên làm việc tại các trung tâm đã được cấp phép.

Tôi cũng khuyến khích các phụ huynh có con đang học lớp 9, nếu gia đình có điều kiện và có nhu cầu học thêm thì nên tìm đến các trung tâm uy tín để con ôn tập tăng cường, chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 công lập.

Việc phụ huynh cố gắng thuyết phục giáo viên dạy thêm cho con tại nhà là làm hại giáo viên”, vị hiệu trưởng chia sẻ.

Một hiệu trưởng khác cho biết, trường của bà bắt buộc phải dừng học thêm cả với khối 9. Thay vào đó, giáo viên gửi thêm đề cương ôn tập, đề thi để học sinh tự học, tự luyện tại nhà. Nếu không hiểu bài, học sinh có thể liên hệ riêng với giáo viên để được giải đáp, hướng dẫn.

Với khối trường ngoài công lập, do học 2 buổi/ngày ở cả ba cấp học nên Thông tư 29 không tác động nhiều. Tuy nhiên, nhiều trường cũng dừng câu lạc bộ bồi dưỡng các môn văn hóa, các lớp ôn tập tăng cường với học sinh khối 9, 12 vào cuối tuần, ngoại trừ những trường tổ chức ôn thi không thu tiền.

Ông Nguyễn Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp – cho biết, nhiều năm qua, nhà trường đã tổ chức dạy thêm theo đúng tinh thần của Thông tư 29, tức chỉ dạy thêm với 3 đối tượng: học sinh chưa đạt, học sinh giỏi cần bồi dưỡng và học sinh cuối cấp. Đồng thời, trường không thu tiền học thêm.

Tuy nhiên, vướng mắc của nhà trường nằm ở giai đoạn ôn thi tốt nghiệp THPT dành cho học sinh lớp 12 sau khi đã kết thúc năm học.

“Theo kế hoạch, năm học sẽ bế giảng vào ngày 25/5. Nhưng đến cuối tháng 6, học sinh mới thi tốt nghiệp. Như các năm trước đây, do nhu cầu từ phần lớn học sinh, phụ huynh, nhà trường tiếp tục tổ chức ôn thi thêm 3 tuần nữa và có thu tiền.

Hoạt động này phải dừng lại theo quy định của Thông tư 29.

Hiện nhà trường đang cân nhắc các phương án hợp lý nhất, trên cơ sở đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu. Có thể trường sẽ vẫn ôn thi và không thu tiền, nhưng chỉ dành cho học sinh chưa đạt.

Nếu phải ôn tập cho 100% học sinh lớp 12, trường không có nguồn kinh phí để thực hiện do kế hoạch tài chính đã có từ đầu năm.

Nhà trường vẫn đang chờ các hướng dẫn bổ sung và hy vọng sẽ có điều chỉnh theo hướng đảm bảo quyền lợi cho học sinh”, ông Tùng nói.

“Siết” dạy thêm, học thêm, phụ huynh trăm mối tơ vò

Một tuần qua, chị Nguyễn Hà Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) phải huy động các mối quan hệ quen biết để tìm tài xế đón con sau khi trường thông báo dừng học thêm các buổi chiều. Chị cũng phải liên hệ với từng phụ huynh xem ai có nhu cầu đón con và tiện cung đường về nhà để ghép xe, giảm chi phí.

“Nhà tôi cách trường 3 cây số nhưng không tiện xe buýt. Con mới lớp 6, chưa thể cho tự đạp xe đi học với tình hình giao thông ở Hà Nội. Bố mẹ cũng không thể vượt hơn chục cây số từ chỗ làm về trường đón con vào buổi trưa. Ông bà ở xa không hỗ trợ được.

Do đó, tôi không có cách nào khác ngoài việc thuê dịch vụ, mặc dù việc này có rủi ro nhất định”, chị Phương cho hay.

Học sinh thi lớp 10 công lập tại Hà Nội năm 2024

Học sinh thi lớp 10 công lập tại Hà Nội năm 2024

Tuy nhiên, theo chị Phương, việc đưa đón con vào giờ hành chính không quá khó với phụ huynh. Điều đáng lo hơn là con sẽ làm gì khi ở nhà một mình.

Cùng tâm trạng, chị Nguyễn Việt Trang (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Phần lớn học sinh cấp 2 chưa có ý thức tự giác học tập. Ở nhà 4-5 tiếng buổi chiều, các con có thể sẽ không ngủ trưa, không làm bài, không thực hiện nhiệm vụ bố mẹ, thầy cô giao mà thay vào đó là xem tivi, chơi điện tử.

Nếu thu các thiết bị điện tử, không rõ tâm trạng buồn chán sẽ gây ra tâm lý như thế nào. Đây là điều tôi rất lo lắng.

Các con chưa được chuẩn bị tốt cho việc tự quản lý thời gian của bản thân khi chỉ có một mình”.

Chị Trang cũng cho rằng, phụ huynh và học sinh cần hỗ trợ trên diện rộng về kỹ năng tự quản lý thời gian cũng như hỗ trợ về tâm lý trong bối cảnh có hàng nghìn đứa trẻ sẽ phải ở nhà một mình sau Thông tư 29.

Với riêng phụ huynh có con đang giai đoạn ôn thi lớp 10, ôn thi tốt nghiệp THPT, nỗi lo lắng nhân lên do học sinh phải dừng đột ngột việc học thêm với thầy cô đã dạy nhiều năm.

Anh Hoàng Minh Quân (Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc: “3 năm qua, con tôi học thêm các môn toán, văn, tiếng Anh với những thầy cô giỏi, có tâm huyết, trong đó thầy dạy toán là thầy giáo của con ở trường.

Nhưng nay, theo quy định mới, các thầy cô không được phép dạy học sinh tại nhà và cũng không được dạy học sinh của mình ở lớp chính khóa. Việc học của con tôi bị gián đoạn khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là bước vào kỳ thi lớp 10.

Trung tâm dạy thêm ở Hà Nội không thiếu. Giáo viên giỏi ở Hà Nội cũng không thiếu. Cái phụ huynh chúng tôi thiếu là giáo viên hiểu con mình. Phải đổi giáo viên ở giai đoạn này với mọi học sinh là một cú sốc tâm lý”, anh Quân nêu quan điểm.

Anh Quân cũng cho rằng, thiệt thòi lớn nhất nằm ở nhóm các học sinh “chấp chới”. Nếu tiếp tục được kèm cặp bởi giáo viên đã dạy học sinh trong thời gian dài, các em có cơ hội tiến bộ và đỗ vào cấp 3 theo nguyện vọng.

Ngược lại, nếu học sinh bị đẩy ra các trung tâm với những giáo viên xa lạ, tiến trình học tập của các em sẽ bị chậm lại và cách xa mục tiêu hơn.

Thông tư 29 là cơ hội cho các bậc cha mẹ tham gia vào giáo dục con cái

ô Nguyễn Thị Hằng, giáo viên dạy ngữ văn tại Hà Nội, đánh giá, mặc dù còn nhiều bất cập, Thông tư 29 có hai tác động đặc biệt quan trọng: “Cởi trói” cho những học sinh, phụ huynh phải học thêm tự nguyện trong ép buộc và thúc đẩy cha mẹ tham gia vào giáo dục con cái thay vì phó mặc cho giáo viên, nhà trường.

“Có một thực tế không thể phủ nhận rằng, rất nhiều học sinh đang phải học thêm để không làm mất lòng giáo viên. Tình trạng này sẽ chấm dứt kể từ hôm nay.

Một lớp học tại TPHCM

Một lớp học tại TPHCM

Bên cạnh đó, lâu nay, không ít gia đình phó thác việc dạy con cho người ngoài. Sự phát triển của con trẻ được đánh giá bằng thang đo duy nhất là điểm số.

Các cha mẹ cho rằng, chỉ cần con đạt điểm số cao, thi đỗ vào trường chuyên lớp chọn là con đang phát triển tốt. Thời gian họ dành cho con nhiều nhất là thời gian đưa đón con đi học thêm.

Do đó, khi việc học thêm bị quản lý chặt chẽ hơn, họ có đủ thứ lo lắng, từ việc con sẽ học kém đi đến việc con sẽ xoay sở thế nào khi ở nhà một mình.

Tôi cho rằng, đây chính là cơ hội để các cha mẹ tổ chức, sắp xếp lại gia đình, từ việc rèn cho con kỹ năng làm việc nhà, tự nấu ăn, tự chăm sóc bản thân, ý thức kỷ luật, tự giác, kỹ năng tự học thông qua tự đọc, kỹ năng tìm sự trợ giúp một cách chủ động trước những nội dung kiến thức còn chưa tốt…

Đây cũng là cơ hội để các cha mẹ quan tâm tới sự phát triển toàn diện của con cái về thể chất lẫn tinh thần chứ không chỉ riêng kiến thức.

Con trẻ cần được học cách giải trí lành mạnh và cần được tạo không gian giải trí lành mạnh. Nếu chỉ có 4 bức tường và chiếc tivi, điện thoại hay máy tính, chúng không xem tivi, không dùng điện thoại thì biết làm gì?”, cô Hằng phân tích.

Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Huy Hùng, một giáo viên tiểu học, nhận định: “Suy xét một cách kỹ càng, việc quản lý dạy thêm, học thêm nếu làm nghiêm túc sẽ tạo ra sự thay đổi lớn cho giáo dục phổ thông.

Chúng ta phải thẳng thắn rằng, học sinh Việt Nam đang học rất vất vả, việc học tập kiến thức chiếm nhiều thời gian trong ngày nhưng hiệu quả chưa rõ ràng. Chúng ta cũng chưa có đánh giá đa chiều nào về hiệu quả của việc học thêm. Song có thể thấy, dù học thêm rất nhiều, năng lực tự học, tự nghiên cứu của người Việt còn thấp.

Chưa kể, từ giáo viên đến cha mẹ đều đang tập trung vào việc nâng cao kiến thức thay vì nâng cao năng lực cho các con.

Chỉ khi được giảm bớt thời gian học thêm kiến thức, các con mới có thêm thời gian phát triển năng lực, từ năng lực tự học, năng lực quản trị thời gian, năng lực thẩm mỹ đến rèn luyện sức khỏe thể chất…

Theo hướng này, các nhà trường vẫn có thể cho học sinh học thêm buổi thứ 2 tại trường nhưng tập trung vào các năng lực nói trên thay vì chỉ xoay quanh việc học để cải thiện điểm số.

Tuy nhiên, để cha mẹ, thầy cô không chạy theo điểm số thì hệ thống thi cử, đánh giá phải thay đổi. Trong đó, tôi cho rằng không nên có trường điểm ở cấp THCS. Còn trường điểm thì còn học thêm ở bậc tiểu học, có cấm cũng khó khả thi”.

Nhiều nội dung của Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm chưa được làm rõ

Hôm nay, 14/2, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Song còn một số điểm trong Thông tư chưa được hướng dẫn, làm rõ.

Một là hoạt động gia sư có được xem là dạy thêm hay không và đối tượng gia sư sinh viên có bị điều chỉnh bởi Thông tư 29 hay không. Trong trường hợp hoạt động gia sư là hoạt động dạy thêm, sinh viên muốn làm gia sư cần có những điều kiện gì.

Hai là việc dạy thêm tiếng Anh ở bậc tiểu học có bị cấm hay không, trường hợp nào được dạy thêm và trường hợp nào không được dạy thêm.

Ba là việc bồi dưỡng các môn văn hóa, ôn thi vào lớp 6 trường chất lượng cao cho học sinh tiểu học bằng hình thức trực tiếp hoặc online mà các trung tâm giáo dục tư nhân đang làm lâu nay có hợp pháp hay không. Các trung tâm có đầy đủ giấy phép kinh doanh dịch vụ giáo dục này được dạy gì và không được dạy gì.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trung tâm nơi con anh học thêm đã chuyển từ học trực tiếp sang học online hơn một tuần nay. Với quy định mới trong Thông tư 29, anh Tuấn không rõ con mình có đang học thêm đúng quy định hay không.

Xem thêm >> 3 điểm mới trong kỳ thi vào lớp 10 tại TP.HCM

Nguồn: dantri
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ BRIGHT STAR
Điện thoại/Fax: 028.62966189
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đoàn Lê Khang
Địa chỉ: 4/6b Văn Chung, Phường 13, Q.Tân Bình, TP.HCM
LIÊN HỆ
Hotline: 0908 942 789
Email: brightstar24h@gmail.com