Sử dụng bằng giả sẽ bị xử phạt thế nào? Mua bằng giả nhưng chưa sử dụng thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không là câu hỏi nhiều người đang thắc mắc…
Thời gian gần đây, rộ lên thông tin về một số người sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để tiếp tục học lên các học vị cao hơn. Vậy nếu sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục giả mạo sẽ bị xử lý thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam – cho biết: về biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục không đúng quy định sẽ bị xử phạt theo các điều khoản của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục”.
Theo đó, tùy theo hành vi cụ thể mà người sử dụng có thể bị xử phạt vi phạm về hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ với mức phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng theo quy định tại Khoản 3, Điều 21 Nghị định 04/2021/NĐ-CP, hoặc hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung với mức phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 23 Nghị định 04/2021/NĐ-CP.
Đồng thời, còn bị tịch thu tang vật là văn bằng, chứng chỉ bị làm tẩy xóa hoặc hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ được cấp không đúng quy định.
Hành vi sử dụng bằng giả hiện nay không còn được quy định về mức phạt xử lý vi phạm hành chính, do đó các hành vi sử dụng bằng giả hiện nay đều sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017). Theo đó, pháp luật xác định cụ thể rằng hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi nào đó thì việc đó là hành vi trái pháp luật. Tùy theo mức độ nghiêm trọng mà người sử dụng tài liệu giả có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù thấp nhất 6 tháng, cao nhất là 7 năm. Khi không áp dụng hình phạt chính là phạt tiền thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều bộ Quy chế tuyển sinh và đào tạo đối với trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Quy định của các bộ quy chế đều quy định rõ trường hợp học viên có hành vi gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ (sử dụng bằng giả trong hồ sơ đăng ký) thì sẽ bị buộc thôi học, các văn bằng nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định.