Đều đặn 3 buổi mỗi tuần, các cụ ông cụ bà đang sinh sống trên địa bàn TP.HCM lại háo hức đến tham gia một lớp học đặc biệt tại Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành Đoàn TP.HCM). Đó là lớp học tin học miễn phí, nơi giúp các ông bà làm quen với máy tính, điện thoại.
Tại lớp học tháng 7 kéo dài đến tháng 8, nội dung chú trọng chủ yếu vào những kỹ năng cơ bản để sử dụng máy tính, điện thoại, kỹ năng sử dụng mạng xã hội và các kiến thức về bảo mật thông tin, an toàn mạng. Các tình nguyện viên đứng lớp ở đây đều là sinh viên, học sinh.
Bất ngờ khi mẹ biết chơi Tiktok
Đây không phải là lần đầu tiên các cụ tiếp xúc với các app công nghệ khi học dùng điện thoại. Trước đó, nhiều cụ đã được hướng dẫn để tự đặt xe công nghệ, xử lý Capcut, Tiktok, thậm chí là làm thơ bằng AI.
Là người lớn tuổi nhất lớp, cụ bà Khúc Thị Hằng, 90 tuổi (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã tham gia lớp học được 5 năm. Để tránh quên bài, mỗi buổi đến lớp, cụ đều nắn nót ghi lại những chi tiết thầy giảng vào giấy rồi thao tác lại trên điện thoại. Với bà Hằng, tham gia lớp học này, tinh thần cụ trở nên thoải mái, vui vẻ hơn. Giờ đây mọi thứ cụ đều tự mình thao tác và cảm thấy đỡ bỡ ngỡ hơn khi dùng điện thoại.
“Từ ngày được các thầy hướng dẫn, tôi đã biết cách chuyển tiền, khi đi đâu tôi cũng có thể tự đặt xe đi mà không phiền đến con cháu” – bà Hằng cười vui, chia sẻ.
Tương tự, bà Phùng Thị Bích Phương (76 tuổi, TP.HCM) cho biết: “Trước đây, khi xem các video trên Youtube hay Facebook, tôi thường thấy rất nhiều loại quảng cáo về các loại thuốc “thần kỳ” khác nhau, nhưng mua về thì bệnh tình không hề giảm bớt. Nhờ vào lớp học dùng điện thoại, tôi mới biết đó là lừa đảo.
Cùng với đó còn nhiều hình thức lừa đảo trên mạng khác nữa, như cuộc gọi rác, tin nhắn rác… Các bạn tình nguyện ở đây hướng dẫn những cách thức thuận tiện nhất để ông bà chúng tôi dễ dàng nhận biết và cảnh giác nó”.
Còn với bà Lê Thanh Bình (ngụ quận 10, TP.HCM), được tham gia lớp học dùng điện thoại là một niềm hạnh phúc cho những người lớn tuổi như bà.
“Nhiều khi ở nhà muốn hỏi con cháu nhưng mình sợ phiền vì tuổi già hỏi trước lại quên sau. Khi đến lớp học dùng điện thoại, với sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy và sự học hỏi của các bạn cùng lớp tinh thần học hỏi và rào cản đối với tôi dường như tan biến. Một ngày nọ, khi tôi tự dùng điện thoại để làm video trên Tiktok, các con tôi đã bất ngờ vì không biết mẹ học được tự bao giờ” – bà Bình hào hứng nói.
XEM THÊM>>Hai cụ bà ở Hà Nội mất gần 6 tỷ đồng sau cú điện thoại lạ
Hạnh phúc khi được làm tình nguyện viên
Trong lớp học của những ông bà tóc hoa râm, phía cuối lớp cô bé Hoàng Mỹ Tú, 9 tuổi, chăm chỉ ngồi cạnh để chỉ cho bà các thao tác mà thầy Khoa hướng dẫn. Tranh thủ mấy tháng hè, Tú cùng bà đến lớp này để học dùng điện thoại thông minh, những ứng dụng mạng xã hội mà với em nó đã quá quen thuộc.
“Các ứng dụng mạng xã hội thì bà con đã quen dùng, bây giờ con chuyển sang hướng dẫn bà chơi Capcut, làm thơ trên điện thoại” – Tú hào hứng nói.
Bà Trương Thị Mỹ Dung, 70 tuổi vừa nghe thầy nói tới đâu thì cầm điện thoại thao tác ngay trên điện thoại. Chỗ nào không hiểu, bà lại quay sang hỏi lại Tú. “Biết tôi học hay quên, cháu đã xung phong theo đến lớp để làm trợ giảng. Từ ngày có Tú theo học cùng, tôi cảm thấy vui hơn hẳn” – bà Dung chia sẻ.
Đồng hành với lớp học đặc biệt này, anh Nguyễn Đăng Khoa cho biết ban đầu anh là tình nguyện viên dạy sử dụng máy tính cho người cao tuổi, nhận thấy nhu cầu sử dụng smartphone ở họ ngày càng cao nên anh Khoa đề xuất với trung tâm thành lập lớp về smartphone.
Hơn 10 năm nay, lớp vẫn sinh hoạt đều đặn một tháng một lần và hoàn toàn miễn phí.
“Người lớn tuổi rất mau quên vì vậy khi đứng lớp cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và sẵn sàng hỗ trợ giải đáp tất cả thắc mắc để cô chú cảm thấy gần gũi, hướng dẫn cô chú từ những cái nhỏ nhất, đơn giản nhất” – anh Khoa cho hay.
Với anh Khoa, việc rút ngắn khoảng cách giữa người cao tuổi với công nghệ là việc cần thiết để giúp họ tự tin hơn trong thời đại 4.0. Chính vì điều đó, hơn 10 năm nay, lớp học vẫn luôn rộng mở để chào đón các cụ ông, cụ bà. Từ đó, giúp họ cảm thấy bớt cô đơn, muộn phiền, sống vui khỏe, sống có ích.
Tham gia trở thành tình nguyện viên của lớp học, Bùi Tấn Dũng (16 tuổi, học sinh trường THPT Năng Khiếu) tâm sự: “Lúc đầu em cũng có một chút khó khăn trong việc truyền đạt cho cô chú, ông bà. Nhưng sau đó, em học cách kiên nhẫn, tỉ mỉ và tìm nhiều phương pháp dạy bằng hình ảnh thì vấn đề đó đã được cải thiện. Khi cô chú, ông bà hiểu những điều em nói và cảm ơn em, em thật sự rất mừng và hạnh phúc”.
Cũng là tình nguyện viên thường xuyên đứng lớp, Đặng Thị Mộng Tuyền (21 tuổi, sinh viên năm cuối trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM chia sẻ: “Em tham gia nhờ một lời rủ rê của bạn bè thôi nhưng đến hiện tại, em thấy công việc này rất ý nghĩa. Khi em trình bày cho ông bà, giáo trình phải thể hiện rõ ràng, đơn giản, trực quan nhất.
Từ việc dành nhiều thời gian tận tình hướng dẫn, em dần cảm thấy rất yêu quý ông bà và xem họ cũng giống như ông bà của mình vậy” – Mộng Tuyền thích thú kể.
Lễ bế giảng lớp tin học tháng 7 sẽ diễn ra trong chiều 12-8
Sau 12 buổi học, chiều ngày 12-8, lớp học tin học tháng 7 sẽ tổ chức lễ bế giảng. Tổng kết, khóa học này đã tiếp nhận sự hỗ trợ của 06 bạn tình nguyện viên là sinh viên, học sinh và sự tham gia học tập của 20 cụ ông, cụ bà đang sinh sống trên địa bàn TP.HCM.
Các nội dung của lớp học chú trọng vào việc làm quen với máy tính, điện thoại thông minh, cách làm việc với Gmail, mạng xã hội như Facebook, Zalo và các phần mềm chỉnh sửa ảnh trực tuyến miễn phí.
Tại lễ bế giảng, Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ sẽ trao giấy chứng nhận và khen thưởng cho các bạn tình nguyện viên, đồng thời tổng kết những nội dung học tập, bài học kinh nghiệm trong những khóa học mới.