Có thể nói, nhà văn Hồ Biểu Chánh là thế hệ đầu mở đường cho dòng tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Ông sử dụng từ ngữ bình dân một cách tự nhiên, phản ảnh trung thực tâm tình và tâm lý của người dân bình dị trong xã hội Nam Kỳ thế kỷ XX. Nhờ đó, tác phẩm của ông gần gũi và tạo cảm tình, gây xúc động cho người đọc. Bằng văn phong bình dị, Hồ Biểu Chánh đã diễn họa không khí đời sống xã hội miền Nam thời xưa, tạo sức sống mãnh liệt cho các tác phẩm và lay động nhiều thế hệ độc giả.
Cuối năm 2024, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giới thiệu bạn đọc các tác phẩm in đợt mới với giao diện mới hấp dẫn không kém (có thêm áo bìa sách tựa như ô cửa thơ mộng, phủ hiệu ứng tranh bìa và tựa đề sách). Các tựa vừa in mới là Tiền bạc, Bạc tiền (in lần đầu 1925); Từ hôn (in lần đầu 1937); Cư Kỉnh (in lần đầu 1941).
Các tựa vừa tái bản là Con nhà giàu; Con nhà nghèo; Cười gượng; Ăn theo thuở, ở theo thời, Nhân tình ấm lạnh; Ý và tình; Dây oan. Các tựa sắp tái bản tiếp nối là Lòng dạ đàn bà; Chúa tàu Kim Quy… Tính đến nay, số tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện là xấp xỉ 30 tựa và tiếp tục còn mở rộng thêm trong thời gian tới.
XEM THÊM>>Khám phá đám giỗ bên cồn miền Tây vui cỡ nào
Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh được ví von như một bộ lịch sử phong tục về một miền Nam thế kỷ trước
Hồ Biểu Chánh sinh năm 1885 tại Gò Công. Về sự nghiệp văn chương, ông viết văn từ năm 1910. Từ tiểu thuyết đầu tay “Ai làm được” (1912), trong 19 năm, ông túc tắc cho ra đời 18 tiểu thuyết và nhiều kịch bản. Say mê viết, ông hoàn thành hơn 70 tiểu thuyết, đoản thiên. Quyển tiểu thuyết cuối cùng, “Hy sinh” vẫn chưa viết xong. Ông mất năm 1958 tại Phú Nhuận.
Gia tài văn chương của Hồ Biểu Chánh khá đồ sộ. Ngoài việc ông viết trên 70 tiểu thuyết và đoản thiên, ông còn viết nhiều thể loại khác như tuồng hát, hồi ký, biên khảo, thơ, dịch thuật, phê bình, tùy bút… Tính ra cũng hơn 130 tác phẩm, một con số ít nhà văn Việt Nam nào đạt được con số mơ ước này. Ngày nay, các tác phẩm của ông vẫn hiện hữu trên trang sách, sân khấu, phim ảnh… được công chúng yêu quý đón nhận.
Các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản trong thời gian qua, có thể kể đến: Con nhà nghèo; Con nhà giàu; Nợ đời; Ăn theo thuở, ở theo thời; Cay đắng mùi đời; Bỏ chồng; Bỏ vợ; Chị Đào, Chị Lý; Chúa tàu Kim Quy; Chút phận linh đinh; Cười gượng; Đại nghĩa diệt thân; Dây oan; Đoạn tình; Hai Khối tình; Nhân tình ấm lạnh; Kẻ làm người chịu; Khóc thầm – Cha con nghĩa nặng; Mẹ ghẻ, con ghẻ; Ngọn cỏ gió đùa; Tại tôi; Tỉnh mộng; Tơ hồng vương vấn; Thiệt giả, giả thiệt – Đóa hoa rừng – Một đời tài sắc; Vì nghĩa vì tình; Ý và tình…
Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh bao quát những mảng hiện thực, những nét văn hóa đặc trưng của Nam Bộ vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Đó là sự tha hóa của con người trong sự lớn lên vùn vụt của của đầu óc trọng thương, là số phận đáng thương của những thường dân rơi vào cảnh cùng quẫn, là những câu chuyện thế sự giàu chất nhân văn của những con người trên vùng đất mới. Tác phẩm của ông luôn bao phủ ý hướng về phong tục và luân lý đạo đức, hướng về hướng thiện trong con người. Bức tranh hiện thực xã hội và “thương” cho thân phận con người còn chịu nhiều trái khuấy, bất công.
Muốn hiểu con người và văn hóa Nam Bộ thì không thể bỏ qua tác phẩm của Hồ Biểu Chánh.
Tiểu thuyết của ông vừa tiếp thu Tây hóa kỹ thuật vừa bảo tồn sắc thái địa phương cũng như tinh thần dân tộc. Từ ngữ và lối tả chân thực tự nhiên, chất chứa nhiều tâm tư tình cảm. Những tác phẩm của ông như nói lên tiếng lòng của người dân trước biến thiên của thời cuộc. Có thể xem những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là một bộ lịch sử phong tục về một miền Nam thế kỷ trước. Từng tác phẩm thành công trong việc phản ánh thời đại ông đang sống, lưu giữ bộ nhớ của lịch sử, những con người và nhân vật Nam kỳ từ thời kỳ mở cõi, thế kỷ XX đầy biến động.
Chúng ta có thể nhìn nhận, chất liệu văn hóa trong các tác phẩm văn học của Hồ Biểu Chánh là nguồn cảm hứng để chuyển thể thành nhiều loại hình như phim, kịch, cải lương… Vị Đạo diễn – NSƯT Hồ Ngọc Xum cũng rất yêu quý tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh từ khi còn nhỏ, ông gắn bó với dòng phim Hồ Biểu Chánh trong suốt 40 năm làm làm nghề và chuyển thể thành công các tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh thành phim như: Ngọn cỏ gió đùa; Con nhà nghèo; Nợ đời; Hai khối tình; Lòng dạ đàn bà; Dây oan; Chị Ðào, chị Lý; Cay đắng mùi đời; Tơ hồng vương vấn… Với vị đạo diễn tài hoa, điểm đặc sắc ở tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là chứa đựng hạt ngọc sau lớp vỏ bình dân, cảnh trí văn hóa, cốt truyện cô đọng, bối cảnh sinh động, giàu hình ảnh, tính nhân văn, ngôn ngữ rất đời, phản ánh chân thật bình dị văn hóa đời sống, cách nói chuyện, ứng xử của con người miền Nam xưa.
Nhà văn Hồ Biểu Chánh (1/10/1885 – 4/9/1958), tên thật Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh. Sinh tại Gò Công. Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của Văn học Việt Nam buổi giao thời 1900 – 1930. Mất năm 1958 tại Phú Nhuận. Ông đã để lại cho văn học Việt Nam một gia tài đồ sộ. Với lối viết bình dị, ngôn ngữ gần lời nói thường ngày, tiểu thuyết của ông luôn được nhiều thế hệ người dân Nam Bộ đón nhận bằng một tình cảm đặc biệt trân trọng.
Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh một thời đã làm mưa làm gió từ thành thị đến thôn quê xa xôi. Độc giả khắp nơi ái mộ đọc không biết chán, vẫn lan tỏa giá trị cho đến tận ngày nay.