Ngày giáp Tết, đang lướt mạng xã hội, chị N.T.K.V ở TP.HCM nhận được tin nhắn trúng thưởng 200 triệu đồng từ một chương trình tri ân khách hàng nên vô cùng hào hứng làm theo hướng dẫn mà không ngờ mình sắp trở thành nạn nhân thứ n của chúng. Quí vị theo dõi tình huống sau để rút ra bài học cảnh báo lừa đảo tặng quà cuối năm…
Phía ban tổ chức yêu cầu chị V nộp 2 triệu đồng để làm hồ sơ nhận thưởng và 10% thuế thu nhập cá nhân. Và để tăng tính thuyết phục, ban tổ chức tiết lộ hỗ trợ thêm 12 triệu đồng, chị V chỉ cần nộp thêm 10 triệu để nhận thưởng và phải nộp số tiền này trong vòng 30 phút, nếu không phần thưởng sẽ bị hủy.
Tin rằng mình thật sự may mắn, chị đã nhanh chóng chuyển tiền theo yêu cầu, tuy nhiên, sau khi chuyển tiền chị V bị chặn tất cả liên lạc, lúc này chị đã nhận ra mình bị lừa.
“Cái nơi tổ chức giải thưởng là nơi tôi mua đồ nhiều trong năm vừa rồi nên không có sự nghi ngờ gì. Tôi thấy giá trị lớn nhưng số tiền bỏ ra không bao nhiêu nên tôi không suy nghĩ gì nhiều, chuyển khoản luôn. Mà không ngờ là bị lừa đảo”, chị K.V kể lại.
Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải (Khoa luật dân sự, trường ĐH luật TP.HCM) cho biết, hành vi lừa đảo tặng quà là dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Ngoài ra hành vi trên còn được xử phạt theo quy định của pháp luật về hành chính.
XEM THÊM>>Người Việt bị lừa đảo 18.900 tỉ đồng trong năm 2024
Dịp cuối năm những chiêu trò lừa đảo bằng cách giả danh tặng quà xảy ra thường xuyên hơn. Các đối tượng này thường nhắm đến sự thiếu cảnh giác và lòng tham quà của nhiều người. Họ tạo dựng các kịch bản đáng tin cậy, như tự nhận mình là nhân viên của các cửa hàng uy tín hoặc công ty lớn mà nạn nhân từng mua sắm. Để hành vi lừa đảo này dễ thành công, các đối tượng còn lợi dụng tâm lý nạn nhân sợ mất phần thưởng hoặc bị lỡ cơ hội để yêu cầu chuyển tiền nhanh chóng mà không cho thời gian kiểm chứng thông tin. Thêm vào đó, tiền yêu cầu nộp thường không quá lớn so với phần thưởng hứa hẹn, làm cho nhiều người chấp nhận rủi ro mà không suy nghĩ kỹ càng.
Cần cảnh giác nhiều hơn về các thủ đoạn này, không lộ thông tin căn cước, giấy khai sinh, lên mạng xã hội hoặc cung cấp cho người lạ. Nạn nhân cần thu thập lưu lại các bằng chứng như tin nhắn, ghi âm cuộc gọi, giao dịch chuyển tiền, hình ảnh, tố cáo hành vị lừa đảo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.