Phần Lan vẫn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm thứ 7 liên tiếp, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2024 được công bố ngày 20/3 – ngày Quốc tế Hạnh phúc. Báo cáo dựa trên dữ liệu khảo sát toàn cầu từ người dân ở hơn 140 quốc gia. Báo New York Times đã thực hiện phỏng vấn với các công dân Phần Lan để tìm hiểu lý do quốc gia Bắc Âu trở thành nước hạnh phúc nhất thế giới trong nhiều năm liền.
Khi bạn biết thế nào là đủ, bạn sẽ hạnh phúc
Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc đã công bố Báo cáo Hạnh phúc Thế giới hàng năm, đánh giá mức độ hạnh phúc ở các quốc gia trên thế giới. Năm thứ 7 liên tiếp, Phần Lan xếp ở vị trí đầu bảng. Trước đó, quốc gia Bắc Âu nhiều năm đứng ở các vị trí cao trong bảng xếp hạng này.
Tại Phần Lan, khái niệm hạnh phúc dường như có sự khác biệt so với cách hiểu thông thường về từ này. Đây được xem là điều giúp Phần Lan trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Nina Hansen, 58 tuổi, giáo viên trung học đến từ Kokkola, một thành phố trên bờ biển phía tây của Phần Lan, cho biết: “Tôi không nói rằng chúng tôi quá hạnh phúc. Tôi thực sự hơi nghi ngờ về từ đó“.
Bà Hansen là một trong số hơn 10 người Phần Lan mà New York Times đã trao đổi về những điều được cho là giúp Phần Lan trở thành một quốc gia hạnh phúc. Họ từ 13 tuổi đến 88 tuổi và đại diện cho các giới tính, khuynh hướng tình dục, nguồn gốc dân tộc và nghề nghiệp cũng như các khu vực trên khắp Phần Lan.
Trong khi người dân ca ngợi mạng lưới an sinh xã hội ấn tượng của Phần Lan, và lợi ích của thiên nhiên tươi đẹp, họ cũng nhắc đến cảm giác lo lắng và cô đơn.
Thay vì “hạnh phúc”, họ mô tả người Phần Lan là “khá ảm đạm”, “hơi ủ rũ” hoặc không thích cười một cách không cần thiết. Hóa ra ngay cả những người hạnh phúc nhất thế giới cũng không phải là quá hạnh phúc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hạnh phúc dường như chỉ là một khái niệm tương đối.
Arto O Salonen, giáo sư tại Đại học Đông Phần Lan, cho biết người dân nước này hài lòng với cuộc sống bền vững và coi việc xác định và đáp ứng các nhu cầu cơ bản là thành công về mặt tài chính.
“Nói cách khác, khi bạn biết thế nào là đủ, bạn sẽ hạnh phúc“, ông Salonen cho biết.
“Hạnh phúc là một từ nhẹ nhàng và được sử dụng như thể đó chỉ là một nụ cười trên khuôn mặt. Nhưng tôi nghĩ rằng, khái niệm hạnh phúc ở Bắc Âu ám chỉ những tiêu chí cơ bản hơn“, Teemu Kiiski, giám đốc điều hành cửa hàng nội thất Finnish Design Shop, giải thích.
Ông Kiiski, 47 tuổi, sống ở Turku, cho biết chất lượng cuộc sống cao ở Phần Lan bắt nguồn sâu xa từ hệ thống phúc lợi của quốc gia. Nó làm cho mọi người cảm thấy an toàn rằng họ không bị bỏ lại phía sau trong xã hội.
Ngân sách công được chi cho giáo dục và nghệ thuật, bao gồm cả tài trợ cho giới nghệ sĩ, giúp vợ ông Hertta Kiiski – một nghệ sĩ, có quyền tự do theo đuổi đam mê sáng tạo.
XEM THÊM>>Được làm việc khiến con người ta hạnh phúc
Bật mí “tính cách dân tộc Phần Lan”
Theo New York Times, lối sống của người Phần Lan được tóm tắt bằng từ “sisu”, một phần trong tính cách dân tộc của quốc gia này. Từ này tạm hiểu là “quyết tâm khi đối mặt với khó khăn”. Ví dụ, trong mùa đông khắc nghiệt kéo dài của đất nước, ngay cả trong nghịch cảnh, người Phần Lan được cho là sẽ kiên trì, nỗ lực mà không phàn nàn.
Matias From, 18 tuổi, một học sinh trung học, cho biết: “Trước đây, không dễ để sống sót qua mùa đông lạnh giá và thế hệ đi trước đã phải rất nỗ lực. Tính cách đó đã được truyền lại cho thế hệ sau. Ông bà, cha mẹ tôi đã sống như vậy. Cứng rắn và không lo lắng về mọi việc. Chỉ cần vẫn tiếp tục sống”.
Ngoài ra, tại Phần Lan, một điểm sáng mà New York Times nêu ra là hệ thống giáo dục. Nhờ hệ thống này mà, Marjukka Puutio, 47 tuổi, con của một nông dân, có thể hoàn thành ước mơ trở thành nghệ sĩ chơi đàn cello.
“Bạn có cơ hội trở thành một nhạc công dù bạn chỉ là con của một nông dân“, bà nói.
Âm nhạc là niềm hạnh phúc đối với nhiều người Phần Lan, nhiều người trong số họ hát trong dàn hợp xướng, học nhạc cụ hoặc tham dự các buổi hòa nhạc, đặc biệt là trong mùa đông dài và ảm đạm ở quốc gia Bắc Âu.
Bà Puutio, người đang quản lý một dàn nhạc, cho biết: “Âm nhạc, thứ mà tôi đam mê, nó tạo ra một tư duy giúp bạn có thể đối mặt với những cảm xúc và nỗi sợ hãi bên trong mình. Nó chạm đến những phần tâm hồn mà chúng ta không thể chạm tới. Và điều đó sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của mọi người”.
Ngoài ra, nhiều người thừa nhận, thiên nhiên tươi đẹp ở Phần Lan giúp họ trở nên hạnh phúc: Gần 75% diện tích Phần Lan được bao phủ bởi rừng và mọi người đều có quyền tới những khu vực này, theo một luật mang tên “jokamiehen oikeudet”.
Bà Helina Marjamaa, 66 tuổi, cựu vận động viên điền kinh từng đại diện cho Phần Lan tại Thế vận hội Olympic 1980 và 1984, cho biết: “Tôi thích sự yên bình và thiên nhiên. Đó là nơi tôi có được sức mạnh. Chim hót, tuyết tan và thiên nhiên trở nên sống động. Nó đẹp vô cùng”.
Theo New York Times, người Phần Lan có lẽ không hạnh phúc hơn những người ở quốc gia khác quá nhiều. Người Phần Lan có xu hướng không kỳ vọng quá cao, mà thường hướng tới những điều hợp lý. Ngay cả khi những kỳ vọng của họ chưa được đáp ứng, họ sẽ kiên trì và nỗ lực hành động theo tinh thần “sisu” mà không than vãn. Với người Phần Lan, hạnh phúc là khi bạn biết thế nào là đủ.
Còn theo bạn thế nào là hạnh phúc?