áo trắng
Trang chủ Đời sống Tốt nghiệp THPT, nên đi làm hay đi học tiếp?

Tốt nghiệp THPT, nên đi làm hay đi học tiếp?

PNO – Ngày 16/7, Bộ GD-ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và học sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng vào đại học, cao đẳng. Dù vậy, nhiều em vẫn còn rất băn khoăn với câu hỏi nên đi làm sớm hay nỗ lực học tiếp? phóng viên đã phỏng vấn tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam – về vấn đề này.

Ông Đào Lê Hòa An

Ông Đào Lê Hòa An

Phóng viên: Cho đến nay, nhiều học sinh sắp tốt nghiệp THPT vẫn phân vân có nên học đại học hay đi làm sớm. Theo ông, các em cần làm gì để giải quyết mối băn khoăn này?

Ông Đào Lê Hòa An: Cuộc đua đăng ký nguyện vọng đại học bắt đầu cũng là lúc áp lực chọn sai đường, nỗi lo thất nghiệp và sự mông lung về tương lai đè nặng lên vai học sinh và gia đình các em. Trên thực tế, việc đi làm ngay hoặc học nghề giống như xây một ngôi nhà lắp ghép, mang tính nhanh chóng, có thành quả và thu nhập ngay. Con đường này rất phù hợp nếu các em đam mê một công việc thực hành cụ thể và muốn tự lập sớm.

Còn học đại học giống như tự đào móng và xây nền cho một tòa nhà lớn. Quá trình này tốn thời gian và công sức hơn, nhưng nó tạo ra một nền tảng vững chắc. Đó chính là tư duy phản biện, khả năng tự học và tầm nhìn hệ thống, giúp các em có thể vươn cao và chuyển đổi linh hoạt trong sự nghiệp tương lai.

Để đưa ra sự lựa chọn phù hợp, các em hãy trả lời 3 câu hỏi: Tôi ưu tiên có thu nhập ngay lập tức hay muốn đầu tư cho một tiềm năng phát triển lớn hơn trong 5-10 năm tới? Tôi học tốt nhất bằng cách nào, qua thực hành, “cầm tay chỉ việc” hay qua nghiên cứu, phân tích và tranh luận? Công việc tôi mơ ước có bắt buộc phải có bằng đại học không?

Nhưng các em nên nhớ rằng, điều quan trọng nhất không phải là quyết định ban đầu, mà là thái độ trên con đường đã chọn. Nếu các em chọn “không học đại học” vì chán học, không thích cố gắng, hoặc vì thấy người khác bỏ học mà vẫn giàu thì hãy cẩn thận. Bởi đằng sau một người thành công mà không học đại học, còn hàng trăm người khác âm thầm thất bại mà không ai kể đến.

* Nhiều trường hợp khác quyết tâm học đại học nhưng lại không biết chọn ngành như thế nào. Từ góc nhìn tâm lý, ông nghĩ học sinh cần những yếu tố gì để chọn được ngành phù hợp?

– Chọn nguyện vọng không phải là cuộc thi đoán điểm, mà là chiến lược chọn lối đi phù hợp nhất cho tương lai. Có 4 sai lầm kinh điển mà học sinh vẫn hay mắc phải ở giai đoạn này: chọn ngành theo xu hướng, theo áp đặt của gia đình hoặc bạn bè, chỉ quan tâm đến trường đại học mà không quan tâm đến ngành học, chỉ nhìn vào bề nổi của ngành học.

Để tránh những sai lầm, các em cần chọn nghề trước, sau đó chọn ngành, cuối cùng là chọn trường có thế mạnh đào tạo, phù hợp với năng lực của bản thân, kinh tế của gia đình. Quan trọng nhất là đừng chọn vì áp lực, hãy chọn vì mình muốn sống một cuộc đời có ý nghĩa với nghề nghiệp đó.

Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại TPHCM

Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại TPHCM

Điều quan trọng là hiểu đúng bản thân trước khi hiểu ngành. Thay vì hỏi “ngành nào dễ đậu?” thì hãy hỏi “mình học ngành này để làm gì và có phù hợp không?”. Để trả lời, các em phải tiếp tục đặt ra 3 câu hỏi nhỏ hơn. Một là “Tôi là ai?”. Nghĩa là điểm mạnh, điểm yếu, tính cách, sở thích nổi bật… của các em.

Hai là “Tôi muốn sống cuộc đời như thế nào?”. Nghĩa là nhìn về tương lai, các em muốn bản thân trở thành người như thế nào, làm việc trong môi trường sáng tạo, năng động hay chỉ cần sự ổn định là đủ. Cuối cùng: “Xã hội đang cần gì và tôi có thể đóng góp gì?”. Nghĩa là tìm hiểu các ngành nghề mình đang quan tâm trong tương lai có còn phù hợp?

Đặt nguyện vọng thông minh, nghĩa là các em hiểu rõ rằng một nghề có thể bắt đầu từ nhiều ngành học khác nhau. Một ngành học có thể mở ra nhiều hướng nghề nghiệp khác nhau. Nói tóm lại, hành trình chọn nghề lý tưởng chính là tìm ra giao điểm của 3 vòng tròn: đam mê – năng lực – nhu cầu thị trường. Chọn đúng giao điểm này, các em sẽ có đủ nội lực để vững bước trên con đường dài. Khi biết rõ mục tiêu cuối cùng, các em sẽ có động lực mạnh mẽ để vượt qua mọi khó khăn trong quá trình học tập.

XEM THÊM >>> Đề xuất 3 giai đoạn thực hiện thi tốt nghiệp THPT trên máy tính

* Như ông đã nói, nhiều học sinh còn ái ngại về những trường hợp học xong vẫn thất nghiệp. Các em nên làm gì để vượt qua tâm lý này?

– Nỗi lo học xong rồi thất nghiệp không sai. Nó phản ánh rất thực tế thị trường lao động đang biến động mạnh mẽ. Nhưng vấn đề không nằm ở tấm bằng đại học mà ở tâm thế học đại học. Tức là: Học để làm gì? Học như thế nào? Học xong có đủ năng lực tạo ra giá trị hay không? Không có nghề nào thất nghiệp, chỉ có người chưa đủ năng lực để tạo ra giá trị trong nghề đó.

Đại học không phải đích đến, mà là điểm khởi đầu cho hành trình trưởng thành. Nếu xem học phí là “vốn đầu tư” thì cha mẹ là “nhà đầu tư”. Còn các em là người đang khởi nghiệp cho tương lai của chính mình. Muốn “sinh lời” từ công việc này, các em không thể học theo kiểu “trôi theo tín chỉ”, mà phải có chiến lược tích lũy “nội công” từ năm nhất. Bao gồm: kỹ năng học, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, trải nghiệm thực tế và đặc biệt là hiểu rõ mình học để làm gì.

Muốn hạn chế tối đa việc thất nghiệp thì đừng đợi đến năm thứ ba mới đi thực tập, đừng để khi sắp tốt nghiệp mới cuống cuồng viết hồ sơ xin việc. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ ở trường như: tham gia câu lạc bộ, làm dự án xã hội, học thêm kỹ năng chuyên ngành, quan sát thị trường tuyển dụng…

Hãy loại bỏ suy nghĩ vào đại học để lấy bằng. Nếu chỉ vì tấm bằng, các em đang lãng phí thời gian, tiền bạc và cơ hội để phát triển bản thân. 4 năm đại học là một hành trình khai phóng bản thân. Đó là giai đoạn các em học cách tự học, mở rộng thế giới quan, xây dựng nền tảng xã hội qua các mối quan hệ chất lượng, khám phá, định vị bản thân. Tấm bằng là sự ghi nhận các em hoàn thành một chặng đường, còn những gì các em tích lũy suốt chặng đường mới là hành trang thực sự.

* Xin cảm ơn ông.

Nguồn: Phụ nữ online
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ BRIGHT STAR
Điện thoại/Fax: 028.62966189
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đoàn Lê Khang
Địa chỉ: 4/6b Văn Chung, Phường 13, Q.Tân Bình, TP.HCM
LIÊN HỆ
Hotline: 0908 942 789
Email: brightstar24h@gmail.com