áo trắng
Trang chủ Đời sống Chuyện chàng sinh viên ưu tú 14 năm trong “chuồng cọp” Côn Đảo

Chuyện chàng sinh viên ưu tú 14 năm trong “chuồng cọp” Côn Đảo

Đời Rất Đẹp tuần này sẽ là câu chuyện rất cảm động của ông Võ Ái Dân – Nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam – Văn phòng Quốc hội, người có khoảng thời gian hơn 10 năm bị “giam” trong nhà tù Côn Đảo.  Và sau đây là những tiết lộ  của ông từ một sinh viên ưu tú phải vào  “chuồng cọp” Côn Đảo

Chuyện chàng sinh viên ưu tú 14 năm trong “chuồng cọp” Côn Đảo

Ông Võ Ái Dân – Nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam – Văn phòng Quốc hội

XEM THÊM>>Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng ra mắt Hành khúc Tuổi trẻ Việt Nam

Chàng sinh viên biến chiếc áo bà ba thành “kho dự trữ chiến lược” trong “chuồng cọp” Côn Đảo

Đến với miền ký ức đầu tiên, MC Ngọc Lan không giấu được sự bất ngờ khi thấy một chiếc áo bà ba sờn cũ, được chấp vá từ nhiều mảnh vải khác nhau. Đằng sau kỷ vật đặc biệt này là những câu chuyện khiến ông Võ Ái Dân không bao giờ quên. “Chiếc áo này theo tôi từ năm 1964, khi tôi ra Côn Đảo. Đây không chỉ là một vật dụng cá nhân mà còn là người bạn đồng hành cùng tôi chiến đấu, đối với chúng tôi còn là một “kho dự trữ chiến lược”, cựu tù chính trị chia sẻ.

Không chỉ riêng ông Võ Ái Dân, với nhiều người tù chính trị thời điểm đó, chiếc áo bà ba còn là một “kho dự trữ chiến lược”, chứa đựng được nhiều dụng cụ cần thiết. Ông kể lại: “Khi ra ngoài lao động, nhặt được mảnh vải rách chừng hai, ba phân, chúng tôi cũng ghép cẩn thận vào áo để dày và ấm hơn. Mảnh vải rách đó, với người ngoài thì tầm thường, nhưng với chúng tôi lại vô cùng quý giá. Khi đi vệ sinh mà không có gì, chúng tôi nhờ những miếng vải đó mà giải quyết được. Khi cần thiết, chiếc áo này còn là một lớp giáp che chắn khi kẻ địch đánh mình. Trong chiếc áo này, chúng tôi đựng thuốc, tài liệu, kim và những thứ tối thiểu cần thiết cho cuộc sống của người tù, vì vậy chúng tôi gọi chiếc áo này là “kho dự trữ chiến lược””.

Tiết lộ về nguyên do từ một sinh viên, hoạt động trong phong trào sinh viên lại bị chuyển vào “chuồng cọp” Côn Đảo, ông Võ Ái Dân cho biết, ông từng là học sinh trường Chu Văn An –  Sài Gòn, ông tham gia phong trào học sinh sinh viên giải phóng và bị bắt cùng nhiều người trong độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi, khi đó ông đang học tú tài. Sau ba năm đấu tranh kiên cường qua các nhà lao ở đất liền, ông bị đưa ra nhà tù Côn Đảo.

Ông Võ Ái Dân nhắc lại: “Trong tù, chúng tôi liên tục đấu tranh, từng bị chuyển qua các nhà lao Tân Hiệp, Chí Hòa, Gia Định, Thủ Đức. Chúng tôi vươn lên chiến đấu, có khi ngã xuống rồi lại đứng lên. Suốt ba năm ở đất liền với nhiều nhà lao, địch nhận thấy chúng tôi ngoan cố nên đã đẩy chúng tôi ra Côn Đảo. Ngày 1/9/1964, chúng tôi tiếp tục chiến đấu và bị đẩy vào chuồng cọp vào ngày 7/10/1964. Từ đó đến ngày 25/12/1969, hơn 5 năm, tôi và nhiều anh em, nhiều chú đã bị giam trong chuồng cọp Pháp. Chúng tôi chiến đấu cho đến ngày 1/5/1975 thì được giải phóng”.

Chuyện chàng sinh viên ưu tú 14 năm trong “chuồng cọp” Côn Đảo

Đằng sau kỷ vật đặc biệt này là những câu chuyện khiến ông Võ Ái Dân không bao giờ quên

Ngỡ từ “địa ngục lên thiên đường” khi đất nước được giải phóng năm 1975

Ở miền ký ức thứ hai là một cái tô ăn cơm cùng những tài liệu được cất giữ cẩn thận. Chia sẻ câu chuyện liên quan đến kỷ vật đặc biệt này, ông Võ Ái Dân bày tỏ: “Trong tù, chúng tôi chỉ có hai nhiệm vụ chính là học tập để nâng cao trình độ mọi mặt, để có đủ sức chiến đấu với kẻ thù. Tôi có tài liệu học tập chính trị 5 bài học mà tôi đã ghi lại, và tài liệu kiến thức chuyên môn về châm cứu, cùng bộ kim châm cứu. Việc học tập chính trị giúp chúng tôi vững vàng, dám hy sinh vì dân, vì Đảng, bảo vệ Bác Hồ và nhiều người đã ngã xuống trong cuộc chiến chống ly khai mất 400 người. Đó là những con người thật, việc thật, hy sinh thật. Vì vậy, lớp thanh niên như chúng tôi phải cố gắng noi theo”.

 Trước thắc mắc của MC Ngọc Lan về việc trao đổi và truyền tài liệu giữa các phòng, ông Võ Ái Dân giải thích: “Trong tù, việc học tập ban đầu dựa vào trí nhớ truyền miệng từ những người có trình độ, từng dạy chính trị ở ngoài. Trong tù rất hiếm giấy, chúng tôi phải học thuộc lòng trước rồi truyền đạt qua các phòng khác bằng một loại mật mã gọi là “dấu mọt”. Loại mật mã này chỉ cần học ba phút là hiểu, nhưng để sử dụng thành thạo lại mất rất nhiều thời gian. Chỉ cần hơn 5 phút để học nội dung, nhưng để nghe hiểu và truyền đạt tài liệu qua lại giữa các phòng bằng mật mã này thì cần sự luyện tập lâu”.

 Cũng tại chương trình, ông Võ Ái Dân tiết lộ về một ngày sinh hoạt khắc khổ trong tù, gói gọn trong chiếc tô ăn cơm duy nhất. “Tôi xin nói thật, chiếc tô này, sáng dùng để đựng cháo, trưa đựng cơm, thậm chí buổi sáng còn dùng để đi tiểu. Sau đó, chúng tôi dùng chính nước tiểu đó để rửa mặt vì không có nước, rồi súc miệng cũng bằng chiếc chén này. Nếu có cháo thì nấu cháo, có cơm thì nấu cơm, tất cả đều dùng chiếc chén này. Đây là một vật dụng tối thiểu, đa năng mà mỗi người tù như chúng tôi đều phải có”, cựu tù chính trị nghẹn ngào nhắc lại.

Ở miền ký ức cuối cùng là một lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được ông Võ Ái Dân cất giữ cẩn thận từ năm 1975. Ông Võ Ái Dân bày tỏ: “Từ một thanh niên 17, 18 tuổi, tôi trải qua gần 14 năm mất đi tuổi thanh xuân trong nhà tù. Vào những giây phút cuối cùng, sau bao nhiêu đấu tranh và đàn áp, khi đất nước được giải phóng, tôi có một cảm giác như từ dưới đáy địa ngục lên đến thiên đàng. Thật sự, tôi đã tự hỏi hai, ba, bốn lần rằng chuyện này có thật không. Khi thấy anh em cùng ra, tôi mới tin đó là sự thật”.

 Sau bao năm tù đày khắc khổ, cảm giác tự do đến bất ngờ khiến ông Võ Ái Dân ngỡ như “từ địa ngục lên thiên đường”. Ông khẳng định đó là ơn nghĩa sâu nặng của Đảng, của dân tộc và quân đội. Dù 50 năm đã trôi qua, ông và những người tù Côn Đảo còn sống vẫn luôn khắc ghi công ơn ấy và tưởng nhớ hơn 2 vạn đồng chí đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất thiêng liêng trong suốt 113 năm kháng chiến, từ 1862 đến năm 1975.

Chuyện chàng sinh viên ưu tú 14 năm trong “chuồng cọp” Côn Đảo

Đời Rất Đẹp với khách mời Võ Ái Dân sẽ được phát sóng vào lúc 19h15, thứ Bảy, ngày 26/4/2025 trên kênh VTV9

Nguồn: VTV9
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ BRIGHT STAR
Điện thoại/Fax: 028.62966189
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đoàn Lê Khang
Địa chỉ: 4/6b Văn Chung, Phường 13, Q.Tân Bình, TP.HCM
LIÊN HỆ
Hotline: 0908 942 789
Email: brightstar24h@gmail.com