Tưởng chỉ là phụ phẩm nông nghiệp bỏ đi, nhưng nhóm 4 nữ sinh Bến Tre đã chế biến vỏ sầu riêng thành thực phẩm chay lạ vị, đạt nhiều giải thưởng khởi nghiệp.
4 nữ sinh lớp 11 của Trường THPT Huỳnh Tấn Phát, Bến Tre (từ trái qua): Thanh Mai, Yến Nhung, thầy Hữu Thuần, Thanh Thúy và Phương Ngân – Ảnh: NVCC
Vỏ sầu riêng cũng rất ngon miệng
Lớn lên ở vùng quê Bến Tre, nơi trồng nhiều sầu riêng, nhóm 4 bạn gồm Lê Hà Phương Ngân, Nguyễn Thị Yến Nhung, Nguyễn Thanh Thúy và Bùi Thanh Mai (lớp 11, Trường THPT Huỳnh Tấn Phát, Bến Tre) nhận thấy trái sầu riêng chỉ dùng khoảng 50%.
“Toàn bộ phần vỏ đều vứt bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, nhóm quyết định tìm cách chế biến, sử dụng vỏ sầu riêng để tránh lãng phí” – nhóm cho biết.
Phương Ngân cho biết, nhờ có chung niềm đam mê thích khởi nghiệp đã giúp nhóm chơi thân với nhau từ cấp 2.
“Năm 2023, tại Trường THPT Huỳnh Tấn Phát có các anh chị làm dự án chế biến vỏ sầu riêng thành thức ăn cho vật nuôi. Từ nền tảng này, chúng mình đã kế thừa và phát triển ý tưởng chế biến vỏ sầu riêng thành món chay cho người tiêu dùng”, Ngân chia sẻ.
Ngoài ra, nhóm cũng nhận thấy xu hướng ăn chay đang tăng, người dùng có nhu cầu tìm thêm các món chay mới lạ. Trong khi đó, vỏ sầu riêng có nhiều dinh dưỡng nhưng trước giờ ít được dùng làm thực phẩm.
Nghĩ là làm, tháng 7-2024, nhóm “xắn tay áo” cùng nhau hiện thực hóa ý tưởng.
“Rất nhiều vấn đề chúng mình cần giải quyết như thu gom mua vỏ sầu riêng với số lượng lớn ở đâu? Vỏ sầu riêng rất cứng, cần xử lý thế nào? Nguồn kinh phí từ đâu?”, Thanh Thúy chia sẻ.
Vỏ sầu riêng cũng có thể trở thành món ăn- Ảnh: DUY LÊ
Tổng kinh phí để thực hiện dự kiến lên đến gần 100 triệu đồng. Nhóm đã gom hết số tiền thưởng có được từ các cuộc thi trước, cộng với chi phí phụ huynh hỗ trợ để thực hiện.
Sau gần 10 lần thử nghiệm và thất bại, cuối cùng nhóm cũng thành công tìm ra công thức làm món chả thịt chay từ vỏ sầu riêng.
Yến Nhung chia sẻ: “Vỏ sầu riêng rất cứng nên cần thêm bước làm mềm, xử lý bằng nhiệt, sấy thăng hoa. Chúng mình cũng trộn thêm các chất béo từ thực vật như đậu xanh, các loại nấm khô tự nhiên để tạo ra hương vị giống thịt. Bước cuối cùng là tạo hình sản phẩm, đóng gói và bảo quản ở nhiệt độ thấp”.
Nguồn nguyên liệu vỏ sầu riêng của nhóm chủ yếu thu mua từ các vựa trái cây, lò làm bánh… Bạn Thanh Thúy nhớ lại có lần nhóm tìm mua đến 50kg vỏ. Nhiều người bất ngờ không hiểu vì sao nhóm học sinh lại đến tìm mua những thứ thường bỏ đi để làm gì?.
Mang sản phẩm vươn xa
Bên cạnh chả thịt chay, nhóm còn sáng tạo thêm đùi gà chay, đa dạng mặt hàng. Lần đầu tiên sản phẩm hoàn thành, nhóm mời bạn bè, thầy cô dùng thử. Mọi người khá bất ngờ vì hương vị giống như chả thịt thật.
Chả thịt chay và đùi gà chay do nhóm chế biến – Ảnh: NVCC
Để đảm bảo sản phẩm đủ chất lượng và an toàn, nhóm còn gửi mẫu sang Trung tâm phân tích kiểm nghiệm TVU của Trường đại học Trà Vinh để kiểm tra.
Thực phẩm chay được đóng gói cẩn thận – Ảnh: NVCC
Tháng 9-2024, nhóm mạnh dạn mang sản phẩm thịt chay từ vỏ sầu riêng tham gia cuộc thi Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đạt giải 3 bảng học sinh. Tháng 12- 2024, nhóm tiếp tục đạt giải 3 cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Bến Tre.
“Chúng mình cũng đã triển khai bán sản phẩm với giá 50.000 đồng cho 250 gram chả chay. Sắp tới, nhóm đang tìm hiểu cách để đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm”, Ngân chia sẻ.
Thạc sĩ Mai Hữu Thuần, giáo viên hướng dẫn của nhóm chia sẻ các bạn có ý tưởng khá mới lạ khi chọn vỏ sầu riêng để làm món ăn.
Không đơn giản biến vỏ sầu riêng thành món rau củ sấy quen thuộc, các bạn chọn chế biến thành thực phẩm chay giúp tăng tính độc đáo, mới lạ.
“Qua quá trình hướng dẫn, tôi nhận thấy sản phẩm của các bạn có hương vị đặc trưng riêng nhưng vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng, biết tận dụng đúng nguồn nguyên liệu sẵn có ở quê hương để sáng tạo, khởi nghiệp”- thầy tiết lộ.