N.T.L (19 tuổi, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội) được đưa vào Viện Sức khỏe Tâm thần trong trạng thái buồn chán sâu sắc, mất ngủ triền miên, và từng lên kế hoạch tự tử bằng cách treo cổ. Là chị cả trong gia đình có hai chị em, L, mang trong lòng sự tủi thân từ nhỏ khi cảm thấy bị “lép vế” trước em trai vốn được bố mẹ ưu ái. Căng thẳng tích tụ nhiều năm, cộng thêm cú sốc khi bố ốm nặng, khiến em sụp đổ. “Con bé mang dây về phòng. May mà phát hiện kịp”, người mẹ kể lại trong nước mắt.
![]() |
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trầm cảm. |
Một trường hợp khác là N.T.H (15 tuổi, học sinh THCS ở ngoại thành Hà Nội), nhập viện sau khi uống thuốc diệt chuột. H, sống với bố từ năm 6 tuổi, khi bố mẹ li hôn. Em thường xuyên phải chịu đựng tiếng mắng nhiếc, sự cấm đoán và bạo lực từ người bố nghiện rượu. Ở trường, bạn bè xa lánh, bắt nạt. H, tự cắt tay nhiều lần trước khi quyết định kết thúc mọi thứ. Các bác sĩ chẩn đoán H, bị trầm cảm nặng.
Hai câu chuyện đau lòng chỉ là lát cắt trong bức tranh trầm cảm vị thành niên trong xã hội hiện đại.
“Trầm cảm không phải là dấu hiệu của yếu đuối. Đó là một căn bệnh, và hoàn toàn có thể chữa trị. Việc phát hiện và can thiệp sớm có thể cứu sống một sinh mạng”.
Bác sĩ Bùi Văn Lợi
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 10-20% trẻ vị thành niên từng trải qua ít nhất một rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm là phổ biến nhất. Tại Việt Nam, tỉ lệ này dao động 5-8%, nhưng nhiều trường hợp bị bỏ sót do người lớn nhầm lẫn với dấu hiệu “khủng hoảng tuổi mới lớn”, hoặc đơn giản là không tin con mình bị trầm cảm.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Văn Lợi, Viện Sức khỏe Tâm thần nhấn mạnh: “Trầm cảm tuổi vị thành niên không phải là chuyện tâm lí nhất thời hay yếu đuối. Nó là một rối loạn sức khỏe tâm thần thực sự, cần được nhận diện và can thiệp sớm”.
Trầm cảm ở lứa tuổi mới lớn bắt nguồn từ sự giao thoa phức tạp giữa sinh học, tâm lí và xã hội. Trẻ có bố mẹ từng mắc trầm cảm có nguy cơ gấp đôi. Các rối loạn dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine… ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng, khả năng hưởng thụ niềm vui, điều tiết hành vi và cảm xúc. Ngoài ra, hình ảnh cộng hưởng từ cho thấy một số vùng não ở người bị trầm cảm có thay đổi rõ rệt. Ở khía cạnh tâm lí – xã hội, áp lực học tập, mâu thuẫn gia đình, li hôn, bạo lực, thiếu gắn bó tình cảm, hay bị bắt nạt học đường là những yếu tố dễ kích hoạt khủng hoảng tinh thần.
Trầm cảm ở tuổi mới lớn không phải lúc nào cũng biểu hiện bằng nước mắt. Nhiều trẻ trở nên cáu kỉnh, dễ nổi giận vô cớ, mất hứng thú với các sở thích trước đây, sa sút học hành, mất ngủ, ăn uống kém hoặc tăng cân bất thường. Một số trẻ sử dụng rượu, chất kích thích, hoặc có hành vi tự gây thương tích như cắt tay, đập đầu. Nguy hiểm hơn, không ít trường hợp che giấu ý định tự sát. Chỉ đến khi trẻ có hành động thực sự, gia đình mới bàng hoàng phát hiện.
Theo các chuyên gia, phòng ngừa trầm cảm ở tuổi vị thành niên phải bắt đầu từ sự quan tâm thật sự – không phán xét, không áp đặt. Gia đình nên tạo môi trường an toàn, cởi mở để trẻ chia sẻ. Nhà trường cần tích cực phát hiện sớm những học sinh có dấu hiệu rối loạn cảm xúc, đồng thời tổ chức các hoạt động kĩ năng sống, tư vấn học đường bài bản. Với cá nhân các em, thể thao, nghệ thuật, giao tiếp bạn bè là những liều thuốc tinh thần hữu hiệu. Khi có các biểu hiện như buồn chán kéo dài, mất ngủ, tự làm đau, xa lánh bạn bè… trong hơn 2 tuần, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để được thăm khám.