Không ít người trẻ đang phản ứng trước tình trạng kiệt sức và căng thẳng trong công việc bằng việc nghỉ hưu ngắn hạn. Hiện tượng này được gọi là “nghỉ hưu vi mô” mà thực chất là một kỳ nghỉ dài hạn hoặc tạm nghỉ việc để tái tạo năng lượng.
Anaïs Felt (31 tuổi) đã tạm dừng công việc gần một năm. Cô chia sẻ cảm thấy “tuyệt vời hơn bao giờ hết vì đã được ngủ đủ giấc và có sức khỏe tốt hơn trong thời gian nghỉ”.
Hiện Felt đang trong quá trình phỏng vấn tại một vài công ty công nghệ hàng đầu. Cô nói không ai bận tâm việc cô từng nghỉ hưu ngắn hạn mà tỏ ra đồng cảm và còn mong muốn làm điều tương tự.
“Tôi nghĩ thế giới đang thay đổi. Thế hệ Thiên niên kỷ (những người sinh từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990) giữ vị trí lãnh đạo đang ngày càng tôn trọng nhu cầu nghỉ ngơi của chúng ta”, cô nói.
Có vẻ công việc đang tạo áp lực đặc biệt lên nhân viên thời gian gần đây. Chỉ 50% người lao động cho biết “cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống” theo khảo sát của Gallup tính từ năm 2009. Gallup cũng ghi nhận mức độ hài lòng của nhân viên giảm từ năm 2020 khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
Việc linh hoạt trong công việc liên tục thay đổi đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của nhân viên. Tình trạng chán nản vẫn tồn tại, khi các báo cáo về kiệt sức trên Glassdoor đạt mức cao nhất vào năm 2024.
Những người thuộc thế hệ Z gia nhập thị trường lao động trong giai đoạn chuyển đổi này có vẻ đặc biệt bất mãn.
Thường là nhóm bị trả lương thấp nhất, gen Z được đánh giá là “thế hệ căng thẳng nhất” trong báo cáo của Cigna năm 2023. Tương tự, người thuộc thế hệ Thiên niên kỷ cũng đối mặt với áp lực lớn khi giữ vai trò quản lý cấp trung với báo cáo cho thấy mức độ kiệt sức cao.
Liz Lee – chuyên gia tư vấn công nghệ 30 tuổi và người sáng tạo nội dung – nói thật sự sợ hãi khi nghĩ đến phải làm việc từ thứ hai đến thứ sáu cho đến năm 65 tuổi mới có thể “tận hưởng cuộc sống trong thời gian còn lại ít ỏi”.
Dù không nghỉ việc hoàn toàn, Lee đã thay đổi tư duy, ưu tiên sức khỏe tinh thần và sở thích cá nhân giống như người nghỉ hưu. Lee từ chối các cơ hội thăng tiến để giữ cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Ngược lại, những nhân viên lớn tuổi đang gặp khó khi rời bỏ công việc. Đối mặt với ngưỡng cửa nghỉ hưu, các thế hệ lao động lớn tuổi phát hiện ra đằng sau mình là lỗ hổng tài chính. Với tuổi thọ ngày càng cao và chi phí sinh hoạt tăng lên, nhiều người lớn tuổi đang phải làm việc lâu hơn so với dự kiến. Một số người thậm chí phải quay lại làm việc sau khi nghỉ hưu vì khoản tiết kiệm không đủ trang trải.
Ngoài vấn đề tài chính, làm việc suốt cả cuộc đời dường như cũng để lại dấu ấn tâm lý lên thế hệ lớn tuổi.
“Nghỉ hưu đối với tôi là một điều đáng sợ”, George Cavedon (73 tuổi) chia sẻ. Xu hướng này đang lan rộng khi tỉ lệ người Mỹ trên 65 tuổi vẫn đi làm đã tăng gần gấp đôi trong 35 năm qua, theo dữ liệu từ Pew Research Center.