Tổng Lãnh sự quán Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ chia tay cho hai học viên nữ có tay nghề cao trong lĩnh vực công nghiệp, Trần Thị Tuyết Như (21 tuổi) và Vũ Hoài Thương (24 tuổi), chuẩn bị cuộc hành trình mới tới nước Đức.
Như và Thương tốt nghiệp từ trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 (LILAMA 2) và sẽ bắt đầu sự nghiệp làm kỹ thuật viên cắt gọt kim loại tại Ahlhorn, CHLB Đức. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng trên con đường của các em bước vào thị trường lao động quốc tế, và trong việc thúc đẩy sự tham gia của nữ giới vào lĩnh vực kỹ thuật, vốn do nam giới chiếm đa số.
Trong khuôn khổ chương trình “Cơ chế đối tác thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp và Di cư lao động định hướng phát triển” (PAM), vào tháng 8 năm 2023, 43 học viên Việt Nam đã tốt nghiệp trình độ Trung cấp ngành Cắt gọt kim loại theo tiêu chuẩn quốc tế tại trường LILAMA 2. Các học viên được nhận học bổng và hưởng lợi từ chương trình đào tạo bao gồm đào tạo tại doanh nghiệp quốc tế, tiếng Đức cơ bản và kỹ năng mềm. Những học viên có đủ trình độ di cư sang Đức được đào tạo ngôn ngữ chuyên sâu và liên văn hóa.
Chương trình “Cơ chế đối tác thúc đẩy giáo dục nghề và Di cư lao động định hướng phát triển” (PAM) được ủy quyền bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), hợp tác cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Những lao động di cư có tay nghề cao như Như và Thương cũng như các học viên khác tốt nghiệp chương trình PAM là minh chứng rõ ràng nhất cho tác động tính cực của hợp tác Đức- Việt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề, góp phần cải thiện chất lượng hệ thống giáo dục nghề và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Gần đến ngày bay sang Đức, hai bạn đều có những cảm xúc lẫn lộn thường thấy ở những người di cư lần đầu. “Chúng em hơi lo lắng khi đặt chân đến quốc gia mới, nhưng cũng rất hào hứng về chặng đường tiếp theo trong cuộc đời. Chúng em đã sẵn sàng để phát triển bản thân.”
Đại diện của dự án cho biết, dù là nữ giới làm việc trong lĩnh vực công nghiệp nặng, nhưng các bạn sẽ không bị phân biệt giới tính và tất cả bình đẳng về công việc, chế độ lương, phúc lợi và bình đẳng giới. Phụ nữ sẽ làm việc trong lĩnh vực giám sát vận hành thiết bị là chính
Nguồn ảnh: PAM Vietnam/GIZ