áo trắng
Chương trình Bác Sĩ Vui Vẻ
Trang chủ Đời sống Từ vụ TikToker quay lén: Ranh giới sáng tạo và vi phạm pháp luật

Từ vụ TikToker quay lén: Ranh giới sáng tạo và vi phạm pháp luật

Hàng loạt video xấu, độc từ quay lén, đưa tin sai sự thật đến xúc phạm người khác… tràn lan trên mạng xã hội nhất là các TikToker. Các sản phẩm này không còn mang tính sáng tạo nữa, nhiều nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Video quay lén tràn ngập mạng xã hội

Thời gian qua, mạng xã hội xôn xao trước thông tin một tài khoản TikTok đăng tải hàng trăm video chứa hình ảnh nhạy cảm của nhiều cô gái trẻ ở bãi biển. Tài khoản này đã phát tán hơn 700 video không được sự cho phép của nhân vật. Để tiếp cận các cô gái và thực hiện hành vi quay lén, TikToker này đóng vai người phỏng vấn dạo với các câu hỏi: “Nếu được ăn tối/dạo chơi với một người nổi tiếng em muốn đi với ai?”, “Trong số những người nổi tiếng, em muốn gặp nhất là ai?”

Từ vụ TikToker quay lén Ranh giới sáng tạo và vi phạm pháp luật

Ông Thích Minh Tuệ bị đeo bám, chụp ảnh, ghi hình trong hành trình tu tập

Trong hầu hết các video, nhân vật đều bối rối, lấy tay che người, che mặt và tỏ ý từ chối phỏng vấn. Thậm chí, dù bị một số người phản ứng, yêu cầu xóa video nhưng TikToker chọn làm lơ rồi bỏ đi. Các video đăng trên tài khoản mạng xã hội TikToker này thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. TikToker này còn đăng tải nhiều cảnh quay lén các cô gái từ xa, có một số video quay cận cảnh vào vòng 1, vòng 3 khi chưa được sự cho phép của chính chủ. Có thể nói, đây không chỉ là hành vi liên quan đến việc sản xuất, phát tán các nội dung xấu, độc mà còn vi phạm pháp luật vì xâm phạm quyền riêng tư khi tự ý sử dụng hình ảnh người khác mà chưa được sự cho phép.

Ngoài hành vi núp bóng phỏng vấn, quay lén trên bãi biển, nhiều người sáng tạo nội dung cũng thản nhiên xâm phạm quyền riêng tư. Điển hình là trường hợp ông Thích Minh Tuệ bị đeo bám, ghi hình, livestream trong hành trình bộ hành và tu tập. Hàng chục người theo chân ghi hình, phát trực tiếp đã gây không ít ồn ào và ảnh hưởng đến an toàn giao thông tại khu vực mà ông Thích Minh Tuệ đi qua.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, hành vi quay lén rồi đăng tải lên mạng xã hội vô cùng đáng lên án. “Trước tiên, đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư và danh dự của người khác. Việc quay lén, công khai trên mạng mà không có sự cho phép là vi phạm pháp luật và đạo đức. Hành vi này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân. Việc sử dụng mạng xã hội để kiếm lời hoặc sự nổi tiếng bằng cách gây tổn hại cho người khác là một việc làm thiếu đạo đức và thiếu trách nhiệm”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức phạt cho cá nhân có hành vi tự ý đăng ảnh người khác lên mạng xã hội mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện vi phạm hành chính, tang vật (các trang thiết bị điện tử sử dụng để đăng tải các hình ảnh và thông tin sai sự thật gây thiệt hại cho danh dự, nhân phẩm của người khác).

Trường hợp hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 về tội “làm nhục người khác” với mức phạt cao nhất lên đến 5 năm tù giam. Ngoài ra, nếu hành vi tự ý đăng ảnh người khác lên mạng xã hội gây thiệt hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác, người vi phạm còn phải bồi thường cho người đó theo Luật Dân sự.

XEM THÊM>>“Sốc”: Nhiều cô gái Trung Quốc yêu đương với ChatGPT

Siết chế tài xử phạt

Từ vụ TikToker quay lén Ranh giới sáng tạo và vi phạm pháp luật

Hành vi quay lén đáng báo động trên mạng xã hội

Nội dung xấu, độc tràn ngập trên mạng xã hội gây ảnh hưởng không ít đến giới trẻ – những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Việc tiếp xúc với hình ảnh, video không lành mạnh trong thời gian dài dễ khiến người trẻ ít có khả năng phòng vệ hình thành cơ chế tập nhiễm, hiện thực hóa lời nói, quan điểm lệch lạc vào cách sống.

“Nhiều người không ý thức được những nội dung độc hại đang ảnh hưởng từ từ đến bản thân. Thời gian giải trí là lúc chúng ta để cho tâm hồn thư thái nhất, đây cũng là lúc người ta không sử dụng bộ óc lí trí để chọn lọc, thưởng thức sản phẩm”, TS Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Thanh niên nhấn mạnh.

Hàng loạt TikToker bị phạt vì đăng tải những thông tin xấu độc, không phù hợp lên mạng nhưng tình trạng này vẫn không thay đổi. Là do xuất phát từ chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. “Nếu các hình phạt chỉ dừng lại ở mức phạt tiền hoặc các biện pháp xử lý hành chính nhẹ nhàng, sẽ không đủ để ngăn chặn người vi phạm. Họ có thể coi những hình phạt này như một chi phí kinh doanh, đặc biệt nếu họ kiếm được lợi nhuận lớn từ việc đăng tải những nội dung không phù hợp”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

Bên cạnh đó, một bộ phận người sáng tạo chưa có đầy đủ nhận thức về pháp luật. Nhiều người không nhận thức được hành vi của họ là vi phạm pháp luật, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Động cơ từ lợi nhuận và sự nổi tiếng cũng khiến nhiều cá nhân ngó lơ hình thức xử phạt. “Việc đăng tải những nội dung gây tranh cãi hoặc gây sốc có thể mang lại lượng xem và theo dõi rất lớn, từ đó mang lại lợi ích kinh tế đáng kể. Điều này có thể thúc đẩy một số người bỏ qua các quy tắc và quy định để tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Một số người sáng tạo nội dung sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đạt được điều này”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

Dẫu biết nội dung càng độc đáo, hiếm lạ càng thu hút người xem, tuy nhiên, các chuyên gia văn hóa khẳng định, nội dung sáng tạo trên mạng xã hội cần phải có giới hạn. PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất xây dựng các chương trình giáo dục, tuyên truyền rộng rãi về các quy định pháp luật liên quan đến việc đăng tải nội dung trên mạng xã hội. Điều này giúp họ hiểu rõ hơn trách nhiệm và hậu quả do hành động của mình gây ra.

Các biện pháp xử phạt cần phải đủ nghiêm khắc để tạo ra sự răn đe hiệu quả, bao gồm các hình phạt tăng nặng và các biện pháp bổ sung như cấm hoạt động trên mạng xã hội trong một thời gian nhất định. Các nền tảng mạng xã hội cần có các cơ chế kiểm soát nội dung hiệu quả hơn, bao gồm việc tăng cường công nghệ kiểm duyệt và có các biện pháp xử lý nhanh chóng đối với các vi phạm”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

Nhiều TikToker bị phạt

Nhiều nhà sáng tạo nội dung từng bị phạt vì đăng tải sản phẩm có nội dung xấu, độc lên mạng xã hội. TikToker V.M.L có bài đăng tố một chủ một quán phở ở Hà Nội đuổi khỏi quán vì anh ta ngồi xe lăn, nhận mức phạt 5 triệu đồng cho hành vi đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội. TikToker Nhật Hải “biết tuốt” bị phạt 7,5 triệu đồng do cung cấp, đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức danh dự, nhân phẩm của cá nhân. TikToker này đã đăng tải những thông tin sai lệch về TPHCM. Trước đó, nhiều tài khoản TikTok như Nờ Ô Nô, Hứa Quốc Anh… cũng bị phạt ở mức 7,5 triệu đồng.

Nguồn: TPO
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ BRIGHT STAR
Điện thoại/Fax: 028.62966189
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đoàn Lê Khang
Địa chỉ: 4/6b Văn Chung, Phường 13, Q.Tân Bình, TP.HCM
LIÊN HỆ
Hotline: 0908 942 789
Email: brightstar24h@gmail.com