Năm học 2023 – 2024, bên cạnh việc tổ chức khảo sát cho học sinh lớp 12 như mọi năm, Sở GD&ĐT Hà Nội còn mở rộng đối tượng khảo sát là học sinh lớp 11
Nhằm giúp học sinh có điều kiện làm quen, tập dượt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến tổ chức khảo sát toàn TP với học sinh lớp 11 và 12 năm học 2023-2024.
Việc tổ chức khảo sát học sinh toàn TP đã được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức nhiều năm nay. Điểm mới của kỳ khảo sát năm học 2023-2024 là mở rộng đối tượng tham gia.
Cụ thể, các năm học trước, đối tượng tham gia kỳ khảo sát là học sinh lớp 12 học tại các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn.
Còn năm học 2023 – 2024, Sở GD&ĐT Hà Nội mở rộng đối tượng tham gia khảo sát là học sinh lớp 11. Đây là lứa học sinh sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025 – kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo thống kê sơ bộ, toàn TP dự kiến có khoảng 200.000 học sinh lớp 11 và lớp 12 tham gia kỳ khảo sát. Thời gian khảo sát sẽ được tổ chức vào tháng 3 hoặc tháng 4/2024.
Năm học 2022-2023, học sinh lớp 12 của TP làm bài khảo sát trong hai ngày 7- 8/4/2023. Hình thức và thời gian làm bài được thực hiện tương tự như với kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Xem thêm >> Không được đào tạo từ xa ngành sức khỏe và sư phạm
Theo đó, học sinh lớp 12 các trường THPT làm 4 bài kiểm tra, trong đó có 3 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Học sinh lớp 12 học chương trình giáo dục thường xuyên làm 3 bài kiểm tra, trong đó có 2 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn và một bài tự chọn Koa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.
Về hình thức, bài khảo sát môn Ngữ văn được thực hiện theo hình thức tự luận, các bài còn lại được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Về kiến thức, đề khảo sát bám sát cấu trúc đề thi minh họa năm 2023 của Bộ GD&ĐT. Phạm vi kiến thức kiểm tra theo sát chương trình giáo dục phổ thông.
Được biết, cuối tháng 12/2023, Bộ GD&&ĐT công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của 17 môn gồm: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếngPháp, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung), Hoá học, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ (Công nghệ Công nghiệp và Công nghệ Nông nghiệp).
Cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực – cấp độ tư duy kèm theo.
Nội dung kiến thức được sử dụng trong các đề minh họa chủ yếu thuộc lớp 10 và 11, giúp người học được biết đề thi gồm mấy phần, có những dạng thức câu hỏi trắc nghiệm nào, những năng lực nào được đánh giá trong đề minh họa.
Bộ GD&ĐT thông tin: Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, với các môn thi trắc nghiệm sẽ có tối đa 3 dạng thức câu hỏi được sử dụng: Câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai và câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.
Thời gian thi môn tự luận (Ngữ văn) là 120 phút; thời gian thi Toán là 90 phút và thời gian thi các môn trắc nghiệm còn lại là 50 phút.