áo trắng
Chương trình Bác Sĩ Vui Vẻ
Trang chủ TUỔI TRẺ Tư vấn ngành nghề trên TikTok: Xoáy vào thất nghiệp để hút view

Tư vấn ngành nghề trên TikTok: Xoáy vào thất nghiệp để hút view

Lướt một vòng các clip tư vấn ngành học trên TikTok, bạn chắc hẳn sẽ bất ngờ khi thấy ngành học nào cũng đang có nguy cơ… thất nghiệp rất cao.

Nhiều clip trên TikTok khiến bạn trẻ rối khi tìm hiểu ngành học - Ảnh: chụp màn hình

Nhiều clip trên TikTok khiến bạn trẻ rối khi tìm hiểu ngành học – Ảnh: chụp màn hình

Điều này làm nhiều ngành học nhận phải cái nhìn không thiện cảm từ học sinh, phụ huynh khi chọn ngành cho tương lai.

Tràn ngập thông tin phiến diện

Một trong những chủ đề hướng nghiệp hút view (lượt xem) nhất được các clip TikTok thực hiện là top 3, top 5, top 10 những ngành học dễ… thất nghiệp.

Ví dụ, một clip được thực hiện bởi tài khoản @otanetwork đăng tải vào tháng 11-2023 nêu 10 ngành học có nguy cơ thất nghiệp cao nhất tại Việt Nam hiện nay.

Trong đó, đứng đầu là ngành sư phạm, kế toán, tài chính; tiếp đó lần lượt là các ngành quản trị kinh doanh, công nghệ môi trường, lịch sử, tâm lý học, công nghệ sinh học, sân khấu – điện ảnh và kỹ sư xây dựng. Clip thu hút gần 180.000 lượt thích.

Một clip khác cùng chủ đề top 10 ngành học dễ thất nghiệp nhất được tài khoản @thanhhang.lee đăng tải vào tháng 1-2024 xếp hạng ngành sư phạm, công nghệ môi trường khó kiếm việc nhất.

Chủ clip này điểm danh thêm một số ngành khác vào top 10 bao gồm ngân hàng và telesale (tiếp thị qua điện thoại). Sau khoảng hai tuần đăng tải, clip hút 30.000 lượt thích.

Tài khoản @top723071999 làm clip top 7 ngành học thất nghiệp vào tháng 5-2022, thu hút gần 190.000 lượt thích, đưa thêm ngành kiểm toán vào top 2 ngành không có việc làm. Clip của @thanhtuanceo thêm ngành công tác xã hội vào nhóm thất nghiệp cao trong clip thu hút 100.000 lượt thích.

Còn clip của tài khoản @thanh_dc giới thiệu các ngành học khó tìm việc đăng tải tháng 1-2021 đưa ngành quản trị kinh doanh lên vị trí số 1.

“95% các đại học có đào tạo ngành quản trị kinh doanh. Mỗi năm có hàng chục thậm chí trăm ngàn cử nhân tốt nghiệp khiến tỉ lệ chọi khi tìm việc cực kỳ cao”, tài khoản @thanh_dc chia sẻ.

Không khó để bắt gặp những clip có thông tin chỏi nhau. Năm 2023, trên TikTok nổi lên các clip chê những tấm bằng đại học “vô dụng nhất”, trong đó có ngành quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh và marketing. Sang đến năm 2024, nhiều tài khoản làm các clip đang “khát” nhân lực, lại đưa vào ngành marketing, ngôn ngữ.

Hay một clip khác hút 30.000 lượt thích của tài khoản @edutifvn giới thiệu những ngành học mà dân khối D không lo phải đi kiếm việc, trong đó có ngành “vô dụng” quản trị kinh doanh…

Nở rộ vào mùa thi

Nguyễn Thị Hồng Nhi, học sinh lớp 12 tại Gò Vấp (TP.HCM), cho biết trong hai năm lớp 10 và lớp 11, bạn từng rất định kiến với các ngành ngôn ngữ vì mở TikTok thường nghe khuyên không nên học vì rất phí thời gian.

Có clip nói thay vì học bốn năm cử nhân ngành ngôn ngữ Hàn, Nhật, Trung,… thì chỉ nên đăng ký các khóa học tiếng Hàn, Nhật, Trung ở trung tâm, thi lấy chứng chỉ quốc tế là đã đủ xin việc.

“Về sau khi được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin hơn, mình có cách nhìn khác. Học đại học ngành ngôn ngữ ở các trường đại học không chỉ được học về tiếng, mà còn học văn hóa và nhiều kỹ năng khác như biên dịch, phiên dịch, sư phạm để sinh viên vững chuyên môn và có đa dạng cơ hội nghề nghiệp hơn”, Nhi tâm sự.

Bạn Lê Đình Sơn, học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Bội Châu (TP Pleiku, Gia Lai), cho biết thường bắt gặp những clip review ngành nghề trên TikTok, đặc biệt vào mỗi mùa thi cử.

Ngoài các clip về những ngành không nên học, bạn còn thấy các clip TikTok mách bảo “những ngành nhất định phải học”, “những ngành đang hot đảm bảo việc làm”, “những ngành chắc chắn có thu nhập khủng”…

Ban đầu, Sơn thấy các clip khá lôi cuốn vì chủ đề lạ tai, chưa từng được nghe thầy cô đề cập. Dần dần bạn cảm nhận những lời khuyên này mang ý kiến chủ quan của người làm clip, không hẳn nội dung nào cũng đúng và nên nghe.

Bạn nêu ví dụ một clip nói ngành nha khoa là ngành hot và các bệnh viện đang cần rất nhiều bác sĩ răng hàm mặt.

Vì cũng định hướng theo khối sức khỏe nên Sơn có tìm hiểu và phản biện. Một là ngành nha khoa vốn dĩ luôn cần nhân lực. Hai là nếu nói đang “khát” nhân lực đột biến thì cũng không chính xác, do thời điểm bạn tốt nghiệp 5 năm sau, bức tranh lao động sẽ không giống bây giờ.

Xem thêm >> Đại học KHXH&NV Hà Nội dự kiến mở ngành Điện ảnh nhưng không đào tạo diễn xuất

Ngành học chịu cái nhìn không hay

ThS Nguyễn Hải Trường An, phó trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM, nhận định do những clip trên TikTok thường có độ dài dưới hai phút nên các kênh thường ưu tiên lựa chọn những chủ đề, nội dung hút người xem ngay.

Đồng thời, thời lượng ngắn khiến các clip khó lòng giải thích cặn kẽ về một ngành học mà thường chỉ chuộng những chi tiết dễ nổi. Một số clip còn chủ động tạo tranh cãi để thêm tương tác.

Theo cô Trường An, ảnh hưởng của những nội dung tư vấn hướng nghiệp trên mạng xã hội khá rõ ràng.

Tham gia các chương trình tư vấn tuyển sinh ở nhiều tỉnh thành, cô nhận thấy ngày càng nhiều câu hỏi của sinh băn khoăn về những nội dung được những clip TikTok đề cập, như học ngành marketing, tâm lý học có thất nghiệp, ngành kinh tế, quản trị kinh doanh có “bão hòa” lao động? Từ những clip mạng xã hội, một số ngành học đã phải chịu cái nhìn không hay từ thí sinh.

Nên tìm hiểu thông tin chính thống

ThS Lê Văn Hiển, phụ trách phòng đào tạo Trường đại học Luật TP.HCM, cho rằng các clip tư vấn ngành học trên TikTok cũng chỉ là một trong rất nhiều kênh thí sinh có thể tham khảo. Để có được những góc nhìn toàn diện nhất, thí sinh nên tìm hiểu thêm từ nhiều nguồn khác nhau.

“Đầu tiên, khi đang muốn biết về một ngành học, các bạn nên vào trực tiếp website của những trường đại học có đào tạo ngành học ấy để đọc những thông tin chung và chính thống.

Những chỗ còn chưa hiểu, học sinh có thể nhắn tin trực tiếp trên fanpage của các trường hiện luôn có đội ngũ tư vấn sẵn sàng giải đáp.

Kế đó có thể hỏi thăm thêm từ những cựu sinh viên hay sinh viên đang học để nghe những nhận xét thực tế hơn về ngành học, trường học. Gia đình, thầy cô, báo chí hay mạng xã hội cũng là những kênh tham khảo khác”, ông Hiển nói.

Nguồn: Tuổi trẻ
Thẻ:
Cốc Cốc
Tiểu thuyết
qc