Theo học trong các ngôi trường quốc tế từ nhỏ,nữ sinh 10X Linh Lan sớm đặt ra mục tiêu về “giấc mơ Mỹ”. Từ khi lên lớp 6, cô bé đã nghiêm túc với mục tiêu này.
Giữa tháng 12, Phan Linh Lan, học sinh Trường Quốc tế Concordia Hà Nội, nhận tin trúng tuyển vào Đại học Harvard, cũng là ngôi trường duy nhất em nộp đơn trong đợt tuyển sinh sớm năm nay. Theo bảng xếp hạng THE năm 2025, Đại học Harvard xếp thứ 3 thế giới. Linh Lan là học sinh đầu tiên của Concordia đỗ vào Harvard kể từ khi trường thành lập đến nay.
“Em bất ngờ vì tỷ lệ đỗ vào Đại học Harvard hàng năm rất thấp. Việc trượt ngôi trường này là điều khá bình thường nên em đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng nếu trượt”, Linh Lan nói.
Nữ sinh mang quyết tâm phải chinh phục Harvard
Được bố mẹ chú trọng đầu tư cho giáo dục, từ nhỏ Linh Lan đã theo học ở các ngôi trường quốc tế. Yêu thích nước Mỹ qua nhiều bộ phim, hết năm lớp 6, Lan chuyển từ Trường Quốc tế Anh BIS sang Trường Quốc tế Concordia Hà Nội để “toàn tâm” hơn với giấc mơ Mỹ. Cũng trong thời điểm này, nữ sinh bắt đầu tìm hiểu về các bài thi chuẩn hóa và quyết định ôn thi ACT. Gần đây nhất, nữ sinh chinh phục chứng chỉ này với điểm số 35/36.
Với nhiều người, quãng thời gian đầu cấp 2 có thể còn quá sớm để chuẩn bị cho hành trình du học, nhưng theo Linh Lan “bản thân luôn cảm thấy yên tâm hơn khi có kế hoạch và lộ trình từ sớm”.
Trong số các trường của Mỹ, Linh Lan nhắm tới Đại học Harvard – nơi có những giáo sư hàng đầu giảng dạy và cũng “sản sinh” nhiều cựu sinh viên thành công. Để chắc chắn hơn cho lựa chọn của mình, kết thúc năm lớp 10 và 11, nữ sinh đều nộp đơn tham gia chương trình trại hè kéo dài 7 tuần của Đại học Harvard.
Tại đây, học sinh trung học khắp thế giới có cơ hội tham gia một số lớp học chuyên sâu ở trình độ đại học. Trong hai chuyến đi này, Lan học các lớp về Luật và Lịch sử, đồng thời trải nghiệm cuộc sống trong khu ký túc xá của trường giống như một sinh viên đại học thực thụ.
“Đây đều là những trải nghiệm đáng giá, giúp em thêm quyết tâm phải chinh phục Harvard”, Lan nói.
Bắt đầu chuẩn bị hồ sơ từ đầu lớp 11 nhưng Linh Lan xây dựng nền tảng từ khá sớm. Ngoài việc luôn duy trì điểm số ở top đầu của lớp, nữ sinh còn tham gia nghiên cứu và giành một số giải thưởng quốc tế như 2 giải Nhất trong cuộc thi Olympic Khoa học và Công nghệ AI (AI JAM) với đề tài “Bảo tồn các loài chim có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam bằng cách sử dụng công nghệ AI để phát hiện âm thanh của động vật” và “Ngăn ngừa tai nạn giao thông nhờ AI phát hiện lỗi đường bộ”.
Nữ sinh hiện cũng là chủ tịch khối trung học của DECA Việt Nam – thành viên của DECA quốc tế. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận với nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy năng lực kinh doanh, khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
XEM THÊM>>Nữ sinh xứ dừa Bến Tre xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra Đại học Quốc tế
Mong ước bảo tồn các giá trị văn hóa Việt Nam
Trong bài luận chính gửi tới Harvard, Linh Lan nhắc tới tình yêu đối với lịch sử và mong muốn giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc. Đó cũng là lý do em học đàn tranh, xuất phát từ mong muốn bảo tồn các giá trị văn hóa Việt Nam giữa nhịp sống hiện đại.
Tuy nhiên, bài luận phụ lại khiến Linh Lan tâm đắc nhất. Trong bài luận này, nữ sinh viết về công việc kinh doanh của gia đình mình. Từ khi mới 12, 13 tuổi, Linh Lan nhiều lần được cùng bố mẹ ra nước ngoài gặp gỡ đối tác với vai trò phiên dịch viên. Cũng nhờ vậy, Lan dần hiểu hơn về công việc kinh doanh của gia đình và trân trọng những nỗ lực của bố mẹ.
“Có những năm vào ngày mùng 1 Tết, bố mẹ vẫn làm việc với đối tác ở Canada. Việc được đồng hành cùng bố mẹ giúp em phần nào thấy bản thân có sự đóng góp và cũng nhận ra tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ”.
Cũng vì lý do đó, sau các chuyến đi, Linh Lan lại học thêm một thứ ngôn ngữ mới. Hiện tại, ngoài tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha học ở trường, nữ sinh còn học thêm tiếng Trung và tiếng Pháp. Cả 4 ngôn ngữ này đều được Linh Lan sử dụng giao tiếp thuần thục.
Ở trường, Linh Lan còn nổi tiếng “đa tài” khi chơi được nhiều loại nhạc cụ như đàn tranh, piano, violin, sáo… và từng giành nhiều huy chương ở các môn thể thao trong nước và quốc tế như bơi lội, bóng rổ, bóng đá, tennis, golf…
Chính chị Đỗ Thùy Linh, mẹ của Linh Lan, cũng bất ngờ khi “không biết con gái lấy đâu ra nhiều năng lượng đến thế”. “Ngoài việc học trên trường, con tham gia rất nhiều cuộc thi và đi giao lưu với các bạn trường khác. Con vẫn duy trì thói quen đọc sách và tập gym. Con luôn lên kế hoạch cho mọi thứ theo tuần, theo ngày và giữ sự kỷ luật. Nhiều khi, mẹ muốn kéo con ra khỏi công việc cũng cần phải ‘đặt lịch’ trước”, chị Linh chia sẻ.
Thầy Ben Compton, cố vấn đại học tại trường của Linh Lan, ấn tượng với nữ sinh vì sự tò mò, luôn muốn khám phá nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lịch sử và chính trị.
“Linh Lan rất say mê lịch sử. Nhiều nghiên cứu và hoạt động em tham gia đều tập trung ở lĩnh vực này. Đây là một nữ sinh rất tài năng”, thầy Ben nói.
Nhận được thư chấp thuận từ ngôi trường mơ ước, Linh Lan sẽ lên đường sang Mỹ vào tháng 8 năm tới. Nữ sinh dự định sẽ theo đuổi ngành Luật ở Đại học Harvard, cũng là ngành học em luôn mong ước được chinh phục từ lâu.