Sản phẩm gạch từ rác thải nhựa của nhóm 4 sinh viên Trường ĐH Trà Vinh thực hiện, gồm: Nguyễn Thái Nguyên, Đặng Chí Hào, Lý Kim Lin, Huỳnh Thị Diễm Phương. Dự án này đoạt giải 3 trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên Trường ĐH Trà Vinh năm 2024. Hiện, sản phẩm gạch từ rác thải nhựa đã được đưa đi kiểm định chất lượng.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Vũ An, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (Trường ĐH Trà Vinh) đánh giá, dự án gạch làm từ chất thải nhựa là một ý tưởng sáng tạo và đầy tiềm năng. Bằng cách tái chế nhựa phế thải thành gạch, dự án không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra một sản phẩm xây dựng bền vững và thân thiện với môi trường.
Bạn Nguyễn Thái Nguyên, sinh viên năm 2 ngành Điện (quê huyện Càng Long, Trà Vinh) thành viên trong nhóm, cho biết, gạch từ nhựa tái chế cho ưu điểm nhẹ, bền và chịu lực cao. Đặc biệt, sản phẩm chống thấm, chống cháy và có khả năng cách nhiệt tốt. Để hoàn thành viên gạch, trước tiên tạo khuôn rồi cho hỗn hợp nguyên liệu lấp đầy khuôn. Tiếp đến sử dụng máy ép thủy lực nén chặt để loại bỏ không khí và tạo hình, rồi đem phơi dưới nắng từ khoảng 1 tuần.
Với lợi thế vùng ĐBSCL, nhóm bạn trẻ tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, như cát biển thay thế cát sông giúp hạn chế sạt lở; xỉ tro từ các nhà máy nhiệt điện thải ra; sử dụng tro trấu có thể làm giảm đi sự độc hại, ô nhiễm của tro bay để tạo nên gạch. Do đó, nhóm bạn đã dùng xi măng, tro bay, tro trấu, cát biển, đá bi bụi, bi sàn và các loại nhựa trộn với nhau theo tỷ lệ phù hợp cho đến khi đạt độ nhuyễn và dẻo rồi ép thành gạch.
XEM THÊM>>Sản phẩm từ mo cau: Cô gái sản xuất ra 15 dòng sản phẩm thân thiện với môi trường
Theo Thái Nguyên, giá trị sản phẩm mang lại là mỗi viên gạch được sản xuất đồng nghĩa với việc một lượng rác thải nhựa được tái chế. Sản phẩm có giá thành cạnh tranh và chất lượng tốt, giúp tiết kiệm chi phí cho các dự án xây dựng, góp phần bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, bền vững cho thế hệ tương lai. Ngoài ra, sản phẩm giúp giảm lượng nhựa thải ra môi trường, quá trình sản xuất tốn ít năng lượng hơn so với sản xuất gạch truyền thống, giảm lượng CO2 phát thải.