Vượt qua vòng xét tuyển của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Nguyệt Quỳnh đang chờ đợi kết quả học bổng từ Chính phủ nước này, dự kiến có vào giữa năm 2024.
Lê Nguyệt Quỳnh là nữ sinh có thành tích nổi bật của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Hồi giữa tháng 12/2023, Nguyệt Quỳnh là đại diện của thế hệ trẻ Việt Nam đứng lên chia sẻ cảm tưởng về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt – Trung thuộc khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tại buổi giao lưu, nữ sinh cũng thể hiện ca khúc mang âm hưởng hí kịch – một loại hình nghệ thuật diễn tuồng của Trung Quốc. Vì yêu thích nền âm nhạc của đất nước này, trước đó Quỳnh đã tự mày mò, xem các video hướng dẫn để luyện hát, mô phỏng theo các nghệ sĩ. Vì thế, em tự tin biểu diễn trước nhiều lãnh đạo cấp cao hai bên.
“Việc học tiếng Trung đã mở ra cho em nhiều cơ hội mà trước đó em chưa từng nghĩ tới”, Nguyệt nói.
Quỳnh bắt đầu theo đuổi tiếng Trung từ năm lớp 6. Khi ấy, mẹ định hướng cho em nên học thêm một ngôn ngữ khác bên cạnh tiếng Anh. Những buổi học đầu tiên, Quỳnh được cô giáo khen có năng khiếu về ngôn ngữ. Càng học, Quỳnh càng có sự tiến bộ rõ rệt.
Thời điểm chuẩn bị vào cấp 3, Quỳnh xin mẹ cho chuyển hướng sang thi lớp chuyên tiếng Trung của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Năm 2021, Quỳnh thi đỗ vào trường và bắt đầu theo đuổi ngôn ngữ này bài bản.
Quỳnh cho biết quá trình học ngoại nữ của em có nhiều thuận lợi. Điều này là do em đã dành nhiều thời gian xem các chương trình, ca nhạc, phim ảnh… Những hoạt động ấy một phần để giải trí, nhưng thực tế cũng giúp em học được ngữ điệu và cải thiện được cách phát âm.
“Khi viết nhiều, đọc nhiều, xem nhiều, mình sẽ hình thành trí nhớ về ngôn ngữ ấy. Em nghĩ rằng muốn học tốt ngoại ngữ nào, cần phải tập trung, đầu tư đủ thời gian và đam mê, như vậy việc học sẽ không trở thành áp lực hay gánh nặng ”, Quỳnh nói.
Ngoài ra, động lực lớn nhất của Quỳnh khi học tiếng Trung là vì em yêu văn hóa của Trung Quốc. Khi bắt đầu học tiếng Trung, Quỳnh xem rất nhiều phim cổ trang và thấy được cả lịch sử của một quốc gia. “Em muốn học thật tốt để xem phim không cần phụ đề và hiểu hơn về những thần tượng mình đang theo đuổi”, Quỳnh chia sẻ.
Dù vậy, phải đến cuối năm lớp 11, Nguyệt Quỳnh mới chắc chắn về ý định sẽ đi du học Trung Quốc. Trước đó, mẹ mong muốn em theo đuổi bậc đại học trong nước và sẽ đi du học ở bậc cao hơn. Phải mất gần 4 tháng, Quỳnh mới thuyết phục được mẹ đồng ý với lựa chọn của mình.
Khi đưa ra quyết định này, Đại học Thanh Hoa là ngôi trường đầu tiên Quỳnh nghĩ tới. “Tìm hiểu về đất nước Trung Quốc, ngôi trường này đã thu hút em. Em được truyền cảm hứng bởi những cựu sinh viên thành đạt và ấn tượng vì sự rộng lớn của khuôn viên cũng như triết lý đào tạo của trường”.
Vì thế, Quỳnh quyết định nộp hồ sơ vào đây với mong muốn theo đuổi ngành Kinh tế đối ngoại thuộc Viện Kinh tế, Tài chính, Quản lý. Dù chuẩn bị hồ sơ khá muộn và phải nộp trong đợt 2 vào tháng 11, nhưng đầu tháng 2 vừa qua, Quỳnh nhận được thư thông báo trúng tuyển từ trường. Dù vậy, nữ sinh vẫn phải chờ tới đầu tháng 7 để nhận kết quả xét học bổng từ Chính phủ.
Để vào được ngôi trường hàng đầu châu Á này, ứng viên cần có chứng chỉ Hán ngữ quốc tế, chứng chỉ tiếng Anh, học bạ, thư giới thiệu, video giới thiệu bản thân cùng một bản kế hoạch học tập.
Xem thêm >> 3 nhân sự đầu tiên được tuyển thẳng theo chính sách thu hút nhân tài của TPHCM
Trong suốt 3 năm phổ thông, Quỳnh có bảng thành tích đáng nể khi thi đỗ HSK 6 và HSKK cao cấp, IELTS đạt 7.0. Tháng 4/2023, nữ sinh tham gia vòng thi quốc gia tại cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ. Đây là sân chơi quốc tế do Viện Khổng Tử tổ chức hàng năm, dành cho những học sinh, sinh viên yêu thích tiếng Trung.
Đoạt giải Nhất trong cuộc thi, Quỳnh trở thành đại diện của Việt Nam được tham dự vòng thi quốc tế. Tại vòng này, nữ sinh chuyên Ngữ phải cạnh tranh với 110 thí sinh đến từ 96 quốc gia và vùng lãnh thổ, tranh tài ở các phần thi kiến thức, hùng biện, tài năng.
Chung cuộc, nữ sinh Việt đoạt giải Nhì và giành được học bổng theo học 1 năm ngành Hán ngữ quốc tế tại một trường bất kỳ ở Trung Quốc. Theo Quỳnh, kết quả này có lẽ là điểm cộng giúp hồ sơ của em mạnh hơn khi nộp tới trường.
Trong bản kế hoạch học tập, Quỳnh đã trình bày những điều em mong muốn sẽ làm trong 4 năm nếu được nhận vào trường. Dù không chia sẻ chi tiết nhưng Quỳnh tiết lộ, em mong muốn tất cả kỳ vọng nêu trong bản kế hoạch có thể khiến em trưởng thành và phát triển bản thân nhiều hơn khi học tập tại trường.
Ngoài ra trong hồ sơ, Quỳnh cũng gửi một video giới thiệu bản thân trong vòng 3 phút. Quỳnh nói về việc em yêu thích môn Toán và tiếng Trung, có một số tài lẻ về nghệ thuật như biết chơi piano, guitar, dancesport và cũng đã có chứng chỉ piano quốc tế.
Em mong muốn vào trường vì ấn tượng sâu sắc về ngôi trường này từ lâu. Em hy vọng mình sẽ trở thành một thành viên của “ngôi nhà” Thanh Hoa. Trong thời gian chờ đợi kết quả từ Chính phủ, Quỳnh dự định sẽ tập trung hoàn thành tốt chương trình học tập ở bậc phổ thông, đồng thời trau dồi thêm về ngôn ngữ và văn hóa của Trung Quốc.