Trong hơn một triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm nay, gần 353.000 em đăng kỳ thi Tiếng Anh. Đề có 40 câu trắc nghiệm, làm trong 50 phút.
Ngay sau khi rời phòng thi, nhiều thí sinh than đề Tiếng Anh khó và dài, nhiều từ mới học thuật xa vời với cấp THPT. Một số em với chứng chỉ IELTS đạt 7.0 phần Đọc nói không tự tin với đề thi tốt nghiệp, chỉ được khoảng 7 điểm.
Ngày 1/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định đề thi không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình. Tỷ lệ cấp độ tư duy (liên quan đến độ khó) bám sát đề tham khảo đã công bố, có tính phân hóa và dựa vào kết quả thử nghiệm ở ba vùng miền. Tuy nhiên, nhiều nhà giáo không đồng tình.
TS Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, tốt nghiệp tại Anh và hơn chục năm làm việc ở các trường song ngữ, quốc tế nói đã thử làm mã đề 1105. Với trình độ tiếng Anh khoảng B2 (bậc 4/6), cô Huyền làm đúng 32/40 câu.
Theo cô, bài đọc với chủ đề “greenwashing” (tẩy xanh hoặc giả xanh, ám chỉ hành động che giấu sự thật về môi trường) khó về từ vựng, cấu trúc câu, cách đặt câu hỏi và các đáp án bẫy “rất tinh vi”. Quá trình làm, cô chọn đi chọn lại nhưng vẫn mất gần hết điểm bài này. Bài đọc về chủ đề “project farming” (dự án nông nghiệp) cũng không kém.
Về tổng thể, cô thấy khoảng 30-35% câu đòi hỏi thí sinh có trình độ trên B1 mới có thể làm được. Trong khi đó, theo khung chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuẩn đầu ra môn Tiếng Anh của học sinh lớp 12 là B1, tương đương bậc 3/6.
“Độ khó của đề vượt chuẩn đầu ra của chương trình”, cô Huyền khẳng định.
TS Ngôn ngữ học giáo dục Nguyễn Thanh Thúy, khoa Tiếng Anh, trường Đại học Hà Nội, chung quan điểm. Nữ giảng viên cho biết đã sử dụng khung phân tích Lexile (công cụ phổ biến trên thế giới để đo độ khó của một văn bản, dựa trên độ dài câu trung bình và độ khó của từ vựng). Kết quả cho thấy, các bài đọc hiểu của đề thi tốt nghiệp ở mức C1, tức bậc 5/6.
“Điều này nghĩa là chỉ riêng việc đọc và hiểu, thí sinh phải có trình độ C1 trở lên thì mới ‘thấm’ được nội dung văn bản. Từ đó, các em mới dùng các kỹ năng, kỹ thuật để trả lời câu hỏi”, cô Thúy nói.
Phân tích kỹ hơn, cô cho biết ngoài việc dùng nhiều câu dài, các bài đọc của đề thi tốt nghiệp có nhiều từ, cụm từ ở trình độ cao. Điểm chung của chúng là độ trừu tượng lớn, muốn hiểu rõ phải nắm bắt được định nghĩa hoặc diễn giải theo ví dụ.
Không chỉ thế, chúng thường kết hợp với một số từ khác thành các cụm cố định, ví dụ “idioms” (thành ngữ) trong ngôn ngữ nói, hoặc các “collocations” (nhóm từ) trong văn viết, làm tăng sắc thái cho diễn ngôn, khiến chúng trở nên trang trọng hơn, hoặc hài hước hơn. Ở tầm cao hơn nữa là dùng những từ, cụm từ này mang nghĩa chuyển, nghĩa bóng nhằm bóng gió gửi gắm thông điệp.
Trong đề thi có một loạt cụm từ như vậy. Như trong bài về Nông nghiệp và công nghệ, cụm “curb chemical runoff” sử dụng nghĩa bóng của từ “curb” (nghĩa gốc là lề phân định giữa đường đi bộ và đường cho xe chạy), ý của người viết là cần phải phân định rõ ràng nhằm giảm thiểu sự rò rỉ hóa học.
Nhiều cụm nữa có thể kể đến là “accelerate the decision-making process”, “data analytics are used to optimise agricultural practices”, “green paint-sprayer”, “soothing lullaby”, “comforting half-truths”, “risk adds an edge of excitement”, “seek shelter in reliability”…