áo trắng
Chương trình Bác Sĩ Vui Vẻ
Trang chủ Đời sống Nhà văn Phan Trung Nghĩa: Phim Công tử Bạc Liêu làm méo mó văn hóa Bạc Liêu

Nhà văn Phan Trung Nghĩa: Phim Công tử Bạc Liêu làm méo mó văn hóa Bạc Liêu

 Nhà văn Phan Trung Nghĩa, tác giả tập khảo cứu Công tử Bạc Liêu sự thật và giai thoại, gửi cho Tuổi Trẻ những cảm xúc của ông sau khi xem phim Công tử Bạc Liêu. Ông cho rằng phim đã làm méo mó văn hóa Bạc Liêu. Ông cũng từ chối lời tri ân sau khi xem phim này.Sau đây là những chia sẻ của ông…

Nhà văn Phan Trung Nghĩa: Phim Công tử Bạc Liêu làm méo mó văn hóa Bạc Liêu

Song Luân đóng nhân vật Ba Hơn – lấy cảm hứng từ Công tử Bạc Liêu – Ảnh: ĐPCC

Tối 15-12, tôi được ban lãnh đạo cụm nhà Công tử Bạc Liêu mời dự buổi chiếu phim Công tử Bạc Liêu của Xưởng phim Màu Hồng, với chủ đề “Tri ân Bạc Liêu”.

Phim chiếu rạp từ ngày 6-12, truyền thông chê cả nội dung và nghệ thuật. Đây là cái tò mò thứ nhất của tôi.

Cái tò mò thứ hai, tôi là người viết sách Công tử Bạc Liêu sự thật và giai thoại nên cũng muốn xem người ta dựng lại bằng phim ảnh nhân vật chính trong quyển sách của mình mặt mũi tròn méo thế nào.

XEM THÊM>>Hoa hậu Thiên Ân hóa thân người yêu Công tử Bạc Liêu

Muốn bảo toàn văn hóa Công tử Bạc Liêu

Hơn một năm trước, Lý Minh Thắng (đạo diễn phim Công tử Bạc Liêu) cùng một số người gặp tôi với yêu cầu xin tôi nói thêm về Công tử Bạc Liêu ngoài sách. Tôi hồn nhiên ủng hộ và nói cho họ nghe rất nhiều điều mà sách chưa đề cập.

Hôm đó, tôi nói với họ rằng: Tôi là người Bạc Liêu, với tôi, câu chuyện về gia tộc Trần Trinh, nhân vật đặc biệt Trần Trinh Huy đã được kết tinh thành văn hóa. Lối sống của ông phản ánh tính cách hào sảng của người Bạc Liêu và Nam Bộ.

Di sản của ông – cụm nhà Công tử Bạc Liêu hiện là di tích lịch sử – văn hóa của tỉnh.

Danh từ Công tử Bạc Liêu là thương hiệu của Bạc Liêu, đã và đang góp phần phát triển Bạc Liêu, nhất là kinh tế du lịch, đây là tài sản, là vốn văn hóa quý của Bạc Liêu.

Xưởng phim Màu Hồng làm phim về Công tử Bạc Liêu, tôi hoàn toàn ủng hộ, tôi nghĩ rằng nó sẽ có tác dụng nhắc nhớ, hâm nóng lại và phát triển “văn hóa Công tử Bạc Liêu”.

Nhưng tôi yêu cầu muốn tôi hợp tác thì phim phải làm theo hướng “chính sử”, là những câu chuyện về cuộc đời thật của Công tử Bạc Liêu, cùng những giai thoại truyền miệng trong dân gian đã được nhiều người có công sưu tầm biên soạn nhiều chục năm qua, ổn định, có sức sống và kết tinh thành văn hóa.

Giao kết này của tôi là muốn bảo toàn văn hóa Công tử Bạc Liêu, bảo toàn vốn quý của Bạc Liêu. Tôi lo sợ khi làm phim thương mại, vì mục đích câu khách người ta sẽ chú trọng những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề gây tò mò làm méo mó hình ảnh ông Ba Huy, méo mó văn hóa Công tử Bạc Liêu.

Nghe tôi nói, đạo diễn Lý Minh Thắng trên tay phe phẩy cuốn sách của tôi hồ hởi hẹn tháng sau sẽ vào tận nhà tôi. Thế nhưng “bặt tăm cá”. Sau nhiều tháng, Xưởng phim Màu Hồng cử người đến gặp tôi nhờ đọc kịch bản phim Công tử Bạc Liêu. Tôi từ chối vì nhận ra hướng làm phim của Xưởng phim Màu Hồng.

Nhà văn Phan Trung Nghĩa: Phim Công tử Bạc Liêu làm méo mó văn hóa Bạc Liêu

Thành Lộc (giữa) vai ông hội đồng Lịnh trong Công tử Bạc Liêu – Ảnh: ĐPCC

Cớ sao né tránh, đổi tên nhân vật?

Đêm chiếu phim “Tri ân Bạc Liêu” rôm rả, có ca hát, có dàn diễn viên ra mắt người xem, và có cả trúng thưởng bằng nước mắm.

Đạo diễn Lý Minh Thắng công khai phát biểu: Phim lấy cảm hứng từ những giai thoại về Công tử Bạc Liêu được dân gian truyền miệng để xây dựng câu chuyện.

Ý tứ này đưa ra thông điệp rằng đây là câu chuyện hư cấu, là sản phẩm của trí tưởng tượng. Và trong phim không có tên Công tử Bạc Liêu, chỉ có tên công tử Ba Hơn, hội đồng Lịnh, nhưng người xem hiểu là hội đồng Trạch.

Sao thế nhỉ?

Khó hiểu quá, đạo diễn đã công khai lấy cảm hứng từ những giai thoại truyền miệng trong dân gian về Công tử Bạc Liêu, phim lấy bối cảnh quay ở nhà Công tử Bạc Liêu, sử dụng những giai thoại về Công tử Bạc Liêu, tên phim là Công tử Bạc Liêu thì người ta hiểu là chỉ đích danh Trần Trinh Huy… cớ sao lại né tránh đổi tên nhân vật, rất dễ làm cho người ta hiểu “treo đầu dê bán thịt chó”.

Với tôi, đây là một thái độ không nghiêm túc với văn hóa Công tử Bạc Liêu.

Xem phim tôi rất thất vọng. Mặc dù những người làm phim nói rằng đây là phim hư cấu, hư cấu thì ai cũng hiểu rằng muốn tưởng tượng gì thì tưởng tượng. Nhưng phim đã lấy tên Công tử Bạc Liêu. Từ đó, xuất hiện yêu cầu là phải “tính đúng, tính đủ”.

Những người xem phim bị đưa vào cái thế hiểu rằng nhân vật Ba Hơn của họ là Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, hội đồng Lịnh là hội đồng Trần Trinh Trạch. Thế nhưng với tôi là hoàn toàn không phải.

Làm méo mó văn hóa Bạc Liêu

Nhà văn Phan Trung Nghĩa: Phim Công tử Bạc Liêu làm méo mó văn hóa Bạc Liêu

Bìa cuốn sách khảo cứu của nhà văn Phan Trung Nghĩa

Ba Hơn của phim là một gã choai choai, ca hát nhảy múa liên hồi… trong một câu chuyện huy động toàn bộ những giai thoại về thói ăn chơi của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy như: đốt tiền nấu chè, thi hoa hậu (việc này dính tới bản quyền của một nhà văn vì nó không phải là giai thoại mà do nhà văn sưu tầm), đi thăm ruộng bằng máy bay…

Phim cắt bỏ những phần thể hiện sự nhân bản nhất trong cuộc đời Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.

Công tử Bạc Liêu là một người vui vẻ, phóng khoáng, lịch lãm sang trọng và ông rất nhân hậu.

Là một người Tây học, trải nhiều khúc quanh lịch sử thăng trầm, từng là hội đồng trong chính quyền thuộc Pháp, kết giao với giới quý tộc, con nhà quyền quý… nên tư duy, cốt cách có chiều sâu nội tâm, sang trọng chứ không phải nhảy nhót như nhân vật Ba Hơn.

Ngoài việc ăn chơi thì Ba Huy có nhiều đức tính đẹp. Khi được cha giao cai quản điền Bào Sàng, dân nghèo đến xin lúa ông đều cho hết. Bà con, láng giềng đến nhà, ông đều cho tiền mỗi lần tết nhứt, giỗ chạp.

Ông cũng là một con người có trách nhiệm. Có lần ra xem hát bội ở đình Hòa Tú, có người dẫn một đứa bé đến bảo nó là con ông, ông hoàn toàn không nhớ nhưng ông đã cho ruộng, cho tiền, cho một chiếc xe đạp và bảo phải cho nó học hành, cần gì thì tìm ông.

Hồi kháng chiến chống Pháp, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Trần Văn Sớm mời ông lên đặt hai vấn đề: giảm tô giảm tức cho nông dân, ủng hộ cách mạng. Ba Huy sốt sắng làm ngay, ông không còn đi thu lúa ruộng. Ông mua vải vóc, thuốc men… ủng hộ mặt trận Việt Minh. Phần tốt đẹp này trên phim không có.

Mặc dù nhân vật của phim tên Ba Hơn nhưng vì nó lấy giai thoại Công tử Bạc Liêu, di sản Công tử Bạc Liêu để làm phim nên rất dễ gây ngộ nhận, đặc biệt là thế hệ trẻ, tạo ra hiệu ứng làm méo mó hình ảnh nhân vật, hạ thấp giá trị văn hóa của Bạc Liêu.

Thú thật xem phim Công tử Bạc Liêu tôi rất chán, cứ xèo xèo đùng đùng bề nổi, thiếu một phút lắng lòng để gửi vào lòng khán giả một ít tâm tư, suy nghĩ như những tác phẩm nghệ thuật hay. Không thấy đời sống của Bạc Liêu vào đầu thế kỷ 20, ngay cả lời thoại cũng ít bắt gặp ngôn ngữ của thời điểm này.

Trong buổi chiếu phim “Tri ân Bạc Liêu”, Phó giám đốc cụm nhà Công tử Bạc Liêu phát biểu, đại ý là: Công ty Công tử Bạc Liêu đã góp phần với Xưởng phim Màu Hồng sản xuất và chiếu tri ân Bạc Liêu phim Công tử Bạc Liêu. Phim chiếu trên cả nước, ra tận nước ngoài góp phần lan tỏa, phát triển văn hóa Bạc Liêu.

Tôi nghĩ ngược lại. Văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh của phát triển, chúng ta huy động văn hóa lịch sử để làm kinh tế thì phải biết phát triển văn hóa, còn nếu làm hư hỏng văn hóa thì chúng ta thủ tiêu nguồn thu của mình, là “ăn xổi ở thì” với tâm hồn đất đai Bạc Liêu.

Tôi đứng dậy ra về khi buổi chiếu phim “Tri ân Bạc Liêu” kết thúc. Là người Bạc Liêu, dĩ nhiên tôi được Xưởng phim Màu Hồng gửi một lời tri ân. Nhưng thú thật, phẩm vật cảm ơn ấy, cá nhân tôi xin không dám nhận.

Phim Công tử Bạc Liêu – đạo diễn Lý Minh Thắng, diễn viên Song Luân, Thành Lộc, Kaity Nguyễn… dài 113 phút, ra rạp từ ngày 6-12. Tính đến ngày 18-12, theo boxofficevietnam, phim thu được hơn 33 tỉ đồng.

Phim được giới thiệu lấy cảm hứng từ giai thoại nổi tiếng của nhân vật được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất chơi ngông, Công tử Bạc Liêu là bộ phim tâm lý hài hước, bối cảnh Nam Kỳ lục tỉnh xưa của Việt Nam.

Ba Hơn – con trai được thương yêu hết mực của ông hội đồng Lịnh vốn là chủ ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam, sau khi du học Pháp về đã sử dụng cả gia sản của mình vào những trò vui tiêu khiển, ăn chơi trác táng – người dân gọi bằng cái tên Công tử Bạc Liêu.

Nguồn: Tổng hợp, TTO
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ BRIGHT STAR
Điện thoại/Fax: 028.62966189
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đoàn Lê Khang
Địa chỉ: 4/6b Văn Chung, Phường 13, Q.Tân Bình, TP.HCM
LIÊN HỆ
Hotline: 0908 942 789
Email: brightstar24h@gmail.com