Phim siêu ngắn ‘Tìm lại Vĩnh Lạc đại điển’ đan xen yếu tố cổ điển và hiện đại nên thu hút người xem. Phim siêu ngắn Tìm lại Vĩnh Lạc đại điển gồm 15 tập, mỗi tập dài 3-5 phút được phát trên nhiều nền tảng xem phim Hoa ngữ. Bộ phim xoay quanh câu chuyện của Thiệu Bạch, một nhân viên của bộ phận phục chế sách cổ ở thư viện. Sau khi được gia nhập nhóm tìm kiếm và làm mới Vĩnh Lạc đại diển, cô đã gặp nhiều chuyện bất ngờ.
Vĩnh Lạc đại diển là bộ sách bách khoa toàn thư từ thời nhà Minh cách đây hơn 600 năm biên soạn. Tác phẩm đồ sộ này có 22.877 quyển, chia thành 11.095 bộ nhỏ. Do số lượng sách quá nhiều mà giai đoạn đó máy in chưa phát triển nên Vĩnh Lạc đại điển chỉ được chép thành 2 bộ mà thôi. Vào thời nhà Thanh, bộ sách nhiều lần bị thất lạc.
Trong hàng trăm năm qua, mọi người vẫn không ngừng đi tìm các tập của Vĩnh Lạc đại điển đang lưu lạc trong dân gian. Một số tập của cuốn sách đồ sộ này được tìm thấy trong các cuộc đấu giá trên khắp thế giới. Đến nay bộ sách này đang có 224 tập lưu trữ tại Thư viện Quốc gia của Trung Quốc được sưu tầm, khôi phục và bảo vệ. Đồng thời sách cũng được sao chụp, xuất bản nhiều lần cho công chúng cùng tìm hiểu kiến thức cổ. Quá trình nỗ lực gìn giữ những kiến thức văn hóa truyền thống được tái hiện một phần trong phim Tìm lại Vĩnh Lạc đại điển.
XEM THÊM>>Trấn Thành nhá hàng phim chiếu Tết 2025
Nhóm sáng tạo của bộ phim đã đến Thư viện Quốc gia của Trung Quốc để nghiên cứu, học hỏi, trao đổi trực tiếp với những người phục chế sách cổ. Họ cũng mời những chuyên gia này đến hướng dẫn trong quá trình quay phim và thực hiện các chi tiết phục hồi sách cổ một cách chính xác nhất. Chẳng hạn với 1 cuốn sách cổ thì phải có 20 bước phục chế, bao gồm tháo chỉ, đánh số, làm sạch, ghép và dùng hồ kết dính lại những trang sách bị hư hại…
Ekip Tìm lại Vĩnh Lạc đại điển không chỉ thể hiện kỹ năng phục chế sách cổ tinh xảo mà còn tập trung vào vai trò quan trọng của công nghệ hiện đại trong việc bảo vệ di sản văn hóa. Khán giả có thể hiểu rõ hơn về chiều rộng và chiều sâu của nền văn hóa truyền thống đặc sắc của Trung Quốc qua đó nâng cao nhận thức về việc bảo vệ sách và tài liệu cổ.