107 lượt xem

Về An Giang xem hội đua bò Bảy Núi tháng 9 này

Tiếng nhạc dồn dập bổng trầm từ dàn ngũ âm vang lên, từng đôi bò tăng tốc lướt trên mặt ruộng trong ngày hội đua bò Bảy Núi, An Giang.

Xem đua bò Bảy Núi ở An Giang quả là trải nghiệm chỉ cần một lần thưởng thức, ấn tượng còn mãi. Sau hiệu lệnh “thả”, 2 chầm-nik (người điều khiển bò) dùng xà-luôl (gậy gỗ có tra vật nhọn ngắn ở phần đầu) chích vào lưng để thúc đôi bò tăng hết tốc lực trên đường về đích.

Từng đôi bò kéo giàn bừa lướt trên mặt ruộng sũng nước tạo thành những chùm hoa nước lộng lẫy dưới ánh mặt trời… tạo cho sân đua bò Bảy Núi sắc thái náo nhiệt vang dội cả núi rừng biên viễn.

Hình ảnh những chùm hoa nước lộng lẫy đặc trưng tại đua bò Bảy Núi. Ảnh: Lâm Điền
Hình ảnh những chùm hoa nước lộng lẫy đặc trưng tại đua bò Bảy Núi. Ảnh: Lâm Điền

Thực hiện xong 2 vòng “thả” cho bò chạy với tốc độ chậm để thể hiện kỹ năng khéo léo của người điều khiển, cuộc đua bước vào vòng “hô”. Đây là vòng đua tốc độ nên các chầm- nik phải dùng kỹ năng, sự gan dạ và bản lĩnh của mình để thúc đôi bò chạy với tốc độ nhanh nhất về đích.

Đôi bò thắng cuộc trong trận đua cuối cùng, được nhà chùa tặng thưởng vòng cà-tha (dây quấn quanh cổ bò có kết hoa văn đặc trưng của đồng bào Khmer) và trở thành niềm tự hào của phum, sóc.

Đó là hình ảnh đặc trưng của đua bò Bảy Núi diễn ra hàng năm vào dịp lễ Dolta (cuối tháng 8 âm lịch). Đây là lễ cúng ông bà, nên để tạo phước, đồng bào Khmer vùng Bảy Núi (gồm huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên) theo đạo Phật (Nam tông) mang bò đến cày giúp nhà chùa chuẩn bị vụ mùa.

Đua bò Bảy Núi. Ảnh: Lâm Điền
Đua bò Bảy Núi. Ảnh: Lâm Điền

Mỗi phum, sóc chọn đôi bò “xịn” nhất để làm tốt nhất. Trong quá trình cày, các đôi thi nhau xem ai làm xong phần việc trước. Từ hình thức sơ khai đó, theo thời gian, đua bò Bảy Núi dần phát triển với những luật chơi quy cũ hơn, khiến cho tính hấp dẫn ngày cao hơn, thu hút cả người Kinh, Hoa…thưởng thức.

Trải qua thăng trầm của thời gian, đua bò Bảy Núi không diễn ra xuyên suốt theo thời gian. Mãi đến năm 1992, ngành chức năng tỉnh An Giang vào cuộc, xây dựng điều lệ và tổ chức thành giải đua cấp toàn vùng Bảy Núi.

Một góc sân đua bò Soài-chek năm 2019. Từng đôi bốc thăm đi trước - đi sau (cách nhau 3 - 4m) chầm-nik đưa đôi bò vào sân đấu là mặt ruộng xâm xấp nước sau những ngày mưa già, Ảnh: Lâm Điền
Một góc sân đua bò Soài-chek năm 2019. Từng đôi bốc thăm đi trước – đi sau (cách nhau 3 – 4m) chầm-nik đưa đôi bò vào sân đấu là mặt ruộng xâm xấp nước sau những ngày mưa già, Ảnh: Lâm Điền

Hàng năm luân phiên tổ chức tại huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên. Vài năm gần đây, được sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương, giới nhiếp ảnh… sãi cả chùa Rô (xã An Cư, thị xã Tịnh Biên) đứng ra tổ chức Hội đua bò ngay tại thửa đất ruộng của nhà chùa.

Ngày hội cũng diễn ra vào dịp lễ Dolta, nhưng lệch ngày với Hội đua bò Bảy Núi. Tại đây, các đôi bò thi đấu theo thể thức truyền thống nên tạo ra nhiều hình ảnh đẹp mắt. Hơn thế nữa, sau khi các đôi bò kết thúc thi đấu, nhà chùa tiếp tục tổ chức sinh hoạt cấy mạ ngay trên đám ruộng là sân đua bò.

Theo đó, các nhà sư và người dân cùng nhau cấy mạ, như một cách tái hiện sinh hoạt vào mùa đặc thù tại vùng cao của tỉnh An Giang. Năm nay, Hội đua bò chùa Rô diễn ra vào ngày 24/9 với sự tham dự của 24 đôi bò từ nhiều địa phương trong vùng.

Gà đốt, món ăn đặc sản vùng Bảy Núi, hứa hẹn mang đến cho du khách cảm xúc thăng hoa ẩm thực. Ảnh: Lâm Điền
Gà đốt, món ăn đặc sản vùng Bảy Núi, hứa hẹn mang đến cho du khách cảm xúc thăng hoa ẩm thực. Ảnh: Lâm Điền

Riêng Hội đua bò Bảy Núi năm 2023 diễn ra vào ngày 14/10. Năm nay đến phiên huyện Tri Tôn tổ chức. Hội đua bò diễn ra tại sân đua bò Soài-chek với sự tham gia của 64 đôi bò đã vượt qua vòng đấu giải tại các địa phương trong tỉnh và Kiên Giang có đông đồng bào Khmer sinh sống. Trong đó huyện Tri Tôn có 30 đôi, thị xã Tịnh Biên 22 đôi, huyện Châu Thành 4 đôi, huyện Châu Phú 3 đôi, huyện Thoại Sơn 3 đôi và huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) 2 đôi.

Xem thêm >> “Maldives Việt Nam” khiến khách du lịch hè mê mẩn

Về An Giang dịp này, sau khi viếng Bà Chúa xứ Núi Sam (TP Châu Đốc) đi thêm vào vùng Bảy Núi để thỏa mắt với những màn đua bò hấp dẫn rồi thưởng thức những món ăn đậm màu sắc, hương vị núi rừng biên viễn, như bánh cà-tum, gà đốt…

Nguồn: Lao động

Thẻ tìm kiếm:
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x