Hãy cùng aotrang.vn tìm hiểu về một ngôi trường trung học mang tên một nữ bác học người Pháp toạ lạc ở TP.HCM – Trường THPT Marie Curie.
Lịch sử hình thành và phát triển của Trường THPT Marie Curie TP.HCM

Từ khi thành lập cho đến nay, trường đã trải qua nhiều giai đoạn và nhiều lần đổi tên:
- 1918: ban đầu trường chỉ dành riêng cho các nữ sinh trung học người Pháp và số ít các con em người Việt có xuất thân quyền quý, giàu có ở khu vực phía Nam với tên gọi Cao đẳng tiểu học nữ sinh người Pháp Lycée Marie Curie.
- 1942: sau khi Nhật tiến vào Đông Dương, trường đổi tên thành Trung học cơ sở Calmette.
- 1945: khi quân Pháp trở lại chiếm đóng Sài Gòn, trường tiếp tục đổi tên thành Trung học Lucien Mossard.
- 1948: trường trở lại với tên gọi cũ là Trung học Marie Curie (hay Lycée Marie Curie).
- 1970: trường tiếp nhận thêm nam sinh vào học.
- Sau 30/4/1975: đổi tên thành Trường Phổ thông cấp 2&3 Marie Curie cho hai niên học (1975-1976 và 1976-1977).
- Đến niên học 1977-1978: trường không còn dạy các lớp cấp 2 phổ thông nên đổi tên thành Trường Phổ thông trung học Marie Curie.
- 1977: đổi tên thành Trung học phổ thông bán công Marie Curie.
- 2006 – nay: trường được chuyển sang hệ công lập với tên gọi THPT Marie Curie.

“Flex sương sương” về trường

Trường THPT Marie Curie là một trong những ngôi trường cổ kính nhất TP.HCM, sở hữu kiến trúc độc đáo theo phong cách Pháp và nằm ở vị trí đắc địa với 4 mặt tiền giữa trung tâm thành phố (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Ngô Thời Nhiệm, Lê Quý Đôn, Điện Biên Phủ).
Bên cạnh đó, trường còn được mệnh danh là “lò đào tạo sao Việt” khi có hàng dài người nổi tiếng từng theo học ở đây như: ca sĩ Quang Vinh, ca sĩ Nhật Tinh Anh, diễn viên Huỳnh Đông, ca sĩ Bảo Thy, ca sĩ Đông Nhi, siêu mẫu Võ Hoàng Yến, nữ rapper Suboi, ca sĩ Gin Tuấn Kiệt,…

Hơn thế nữa, trường từng là nơi đào tạo ra những nhân vật xuất chúng, hiện đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong các tập đoàn, công ty, trường Đại học trong và ngoài nước. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến: TS.BS. Nguyễn Hữu Ngọc (niên khóa 1993 – 1996) – Bộ môn Hóa sinh – sinh học phân tử y học và Trung tâm nghiên cứu y sinh học Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch – Khoa Giải phẫu – Bệnh viện Ung bướu TP.HCM; PGS.TS. BS.Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng – Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM…

Hiện tại, trường có 8 dãy phòng học: A, B, C, D, E, F, G và H cùng với các phòng thí nghiệm Lý, Hóa, Sinh, hội trường, phòng lab, phòng vi tính, nhà thi đấu thể thao… Các phòng học đều được trang bị một micro cho giáo viên. Đa số các phòng được trang bị máy điều hoà nhiệt độ (1 phòng thường có 4 quạt trần và 2 máy điều hoà).
Xem thêm >> Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai TP.HCM
Hàng năm, trường có hàng chục chương trình ngoại khóa lớn nhỏ khác nhau. Nổi bật nhất trong số đó là đêm nhạc truyền thống quy tụ nhiều ca sĩ nổi tiếng được tổ chức vào khoảng tháng 11 với 2 mục đích: tạo sân chơi giải trí cho học sinh và quyên góp tiền cho các hoạt động từ thiện. Ngoài ra, Đội văn nghệ của trường sinh hoạt vào sáng Chủ nhật hàng tuần với sự tham gia đông đảo thành viên và hàng loạt hoạt động thú vị.

Không chỉ dừng lại ở đó, nơi đây còn là ngôi nhà chung của vô vàn CLB chuyên môn, học thuật, giải trí trải dài ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ: Truyền thông trẻ Mediarie, CLB Kỹ năng nỏ thần, CLB Tổ chức sự kiện Lửa Hồng, CLB Âm nhạc Dân tộc, CLB Bóng rổ, Marie Curie trong tim tôi, Nhóm khoa học sáng tạo Merthena…
Xuân Quyên (tổng hợp)