Trường THPT chuyên Quốc Học Huế là niềm tự hào của mỗi học sinh trung học xứ Huế với bề dày lịch sử và những thành tích nổi bật.
Lịch sử hình thành và phát triển Trường THPT chuyên Quốc Học Huế
Trường THPT chuyên Quốc Học Huế được thành lập vào năm 1896 theo chỉ dụ của vua Thành Thái nhà Nguyễn. Đây là ngôi trường trung học phổ thông có bề dày lịch sử lâu đời thứ 3 tại Việt Nam (sau Trường THPT Lê Quý Đôn TP.HCM và Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho) và là 1 trong 3 trường phổ thông trung học chất lượng cao của Việt Nam (cùng với trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tại TP.HCM và trường THPT Chu Văn An tại Hà Nội).

Trường đã trải qua hơn 125 năm xây dựng và phát triển với nhiều tên gọi khác nhau:
- 1896 – 1915: Lúc mới lập, trường có tên là Pháp tự Quốc học Đường với mục đích giảng dạy tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ và chữ Nho ở bậc tiểu học.
- 1915 – 1936: Khi chuyển thành trường trung học với bốn lớp đệ thất (lớp 6), đệ lục (lớp 7), đệ ngũ (lớp 8), và đệ tứ (lớp 9) thì trường cũng đổi tên thành Collège Quốc học. Cũng vào thời điểm đó những tòa nhà dùng làm trường sở được xây cất lại bằng gạch ngói.
- 1936 – 1955: Trường mở rộng và thêm các lớp đệ Tam (lớp 10), đệ Nhị (lớp 11), và đệ Nhất (lớp 12) dưới tên Lycée Khải Định (Trường Trung học Khải Định).
- 1955 – 1956: Sang thời Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam, trường mang tên tổng thống Ngô Đình Diệm nhưng chỉ được một năm thì đổi lại tên cũ là Quốc Học nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trường.
Tháng 3/1990, Trường được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến năm 2021, Trường được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Ngôi trường mang lối kiến trúc cổ kính đẹp “đỉnh”
Nhắc đến Quốc học Huế, người ta nghĩ ngay đến lối kiến trúc độc đáo của trường. Trải qua nhiều năm tu bổ, nơi đây vẫn nguyên diện mạo cổ điển, vô cùng xinh đẹp khi toàn bộ kiến trúc được xây theo kiểu châu Âu cổ điển.

Trường THPT chuyên Quốc Học Huế được xây dựng trên nền Dinh Thủy Sư (nơi huấn luyện binh lính đường thủy của quân đội triều Nguyễn) theo kiểu nhà tranh, vách đất. Đến những năm đầu thế kỷ XX, trường được xây dựng lại kiên cố theo lối kiến trúc Pháp cổ nhưng vẫn giữ được nét Á Đông với màu gạch đỏ sậm đặc trưng.

Cổng trường được xây dựng theo hình tháp chuông, mái ngói, với những hoa văn trang trí mềm mại. Ngay chính giữa ngôi trường, bức tượng người học trò Nguyễn Tất Thành cũng được dựng ở nơi trang trọng nhất như lời nhắc nhở các thế hệ học sinh của mái trường Quốc Học luôn nêu cao tinh thần hiếu học, nỗ lực học tập, rèn luyện để góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp như Bác Hồ hằng mong muốn.

Với nét đẹp cổ kính và lối kiến trúc đẹp như châu Âu, trường THPT chuyên Quốc học Huế thường xuyên được lựa chọn làm bối cảnh quay cho nhiều chương trình truyền hình, MV nổi tiếng có thể kể đến như chương trình 2 Ngày 1 Đêm, MV Chúng Ta Của Hiện Tại (Sơn Tùng M-TP)…

Trường THPT Quốc Học Huế – “cái nôi” đào tạo nhân tài
Hơn một thế kỷ qua, Quốc học Huế không chỉ nổi tiếng với bề dày truyền thống lịch sử mà còn trở thành cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước. Đến nay, Quốc học Huế vẫn luôn là niềm mơ ước của bao học sinh Thừa Thiên Huế nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung bởi chất lượng học tập và giảng dạy.
Hầu như năm nào ngôi trường này cũng có học sinh đạt giải quốc gia, huy chương Olympic quốc tế và có tỷ lệ đậu vào các trường Đại học hàng đầu cả nước cực cao.

Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm có khoảng 30% học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của nhiều trường đại học uy tín trong và ngoài nước. Đây cũng là cái nôi đào tạo ra nhiều học sinh lọt vào Vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia nhất tới thời điểm hiện tại với 6 lần và đã giành được 2 Giải Nhất Chung kết năm 2009 và 2016.
Ngoài ra, Quốc học Huế là ngôi trường mà cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên Bác Hồ thời nhỏ) theo học trong những năm tháng niên thiếu đầu thế kỷ XX. Kỳ thi Primaire 1908 (tốt nghiệp tiểu học), Nguyễn Sinh Cung là một trong 10 học sinh giỏi nhất trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba thi vượt cấp vào học lớp đệ nhị niên trung học của Trường Quốc học niên khóa 1908 – 1909.

Không chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất nhiều tên tuổi các chiến sĩ cách mạng ưu tú, các nhà hoạt động văn hóa xuất sắc đã trưởng thành từ mái trường Quốc học Huế như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, các nhà thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận…
Một số cựu học sinh của trường từng đoạt giải cao ở các kỳ thi trong nước và quốc tế có thể kể đến như: TS. Lê Bá Khánh Trình (vô địch kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 1979 với số điểm tuyệt đối 40/40), Đinh Anh Minh (HCV Olympic Vật lý quốc tế 2010), Trương Đông Hưng (HCV Olympic Sinh học quốc tế 2017), Trương Văn Quốc Đạt (HCB Olympic Sinh học quốc tế năm 2022)….

Không chỉ học giỏi, mà học sinh của Chuyên Quốc Học Huế còn cực kỳ năng động. Khi học tập tại đây, bạn sẽ được thỏa sức trải nghiệm với vô vàn những sự kiện, chương trình cực chất. Ngoài ra, nhà trường cũng luôn quan tâm đến sự phát triển toàn diện của học sinh khi tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa ý nghĩa, toàn diện.

Xuân Quyên (tổng hợp)