Vu Chính bắt đầu nổi tiếng và được mọi người biết đến từ năm 1999 với nhiều tác phẩm nổi tiếng do anh biên kịch, và đến năm 2011 anh nhận được giải “nhà biên kịch xuất sắc nhất” trong Liên hoan phim truyền hình châu Á với bộ phim Cung tỏa tâm ngọc. Tuy nhiên, đi kèm với sự nổi tiếng là những tai tiếng, kiện tụng vì đạo nhái. thậm chí, anh còn bị khán giả chỉ trích khi tự đạo nhái chính tác phẩm của mình.
Một trong những cách thường thấy của Vu Chính là làm theo một tác phẩm đang hot, sử dụng cùng bối cảnh, có thể không đạo nhái toàn bộ nhưng đặt hai phim cạnh nhau sẽ thấy như “chị em song sinh”, sau đó đẩy phim của mình phát sóng trước hoặc đồng thời với phim kia. Kết quả thường thấy là phim của Vu Chính sẽ thành công lớn, rating thậm chí còn cao hơn cả bản gốc. Một số trường hợp, phim của Vu Chính mang nội dung hoàn toàn khác với phim còn lại nhưng Vu vẫn cố ý nhắc đến và khiêu chiến nhằm tạo độ hot.
1. Thâm cung nội chiến và Đại Thanh hậu cung

Đại Thanh hậu cung lấy bối cảnh hậu cung Đạo Quang Đế triều Thanh. Đông Giai Hoàng hậu qua đời, hậu vị bỏ trống. Toàn phi và Tường tần thường xuyên đối đầu để tranh ngôi Hoàng hậu. Toàn phi vì Đạo Quang vào sinh ra tử, lại sinh Hoàng tứ tử Dịch Trữ nên được chấp chính hậu cung. Tường tần trẻ trung, xinh đẹp, lại mang thai nên vô cùng đắc sủng. Để bảo toàn địa vị, Toàn phi sai Ngạc Thạc hại Tường tần sẩy thai. Ông từ chối thì đột nhiên bị xử tử.
Con gái Ngạc Thạc là Tây Lâm Xuân, vì muốn báo thù cho cha nên nhập cung làm tú nữ. Cô kết tình tỷ muội với Cảnh Trân và Lan Hiên. Cảnh Trân yêu Quảng Hải – cháu của Toàn phi, nhưng bị ép tiến cung để bảo tồn quan hệ Mông-Mãn. Lan Hiên vô tư, đơn thuần, bị kéo vào cuộc chiến chốn thâm cung nên dần mất đi bản tính. Ngoài ra còn có Tuyết Thần, vào cung làm kép hát để tìm người mẹ thất lạc, vô tình gặp phải muôn ngàn gian nan và bi kịch. Giữa những tranh đấu khốc liệt và mối tình tay ba, các nhân vật luôn phải sống trong nghịch cảnh bế tắc…
Thâm cung nội chiến – một bộ phim cổ trang lấy bối cảnh vào thời nhà Thanh ở Trung Quốc trong những năm trị vì sau này của hoàng đế Gia Khánh ở Tử Cấm Thành. Phim tập phả ánh lên cuộc tranh giành quyền lực nơi hậu cung giữa các phi tần bằng cách giành lấy sự ân sủng của Hoàng đế và loại bỏ đối thủ khác, với những âm mưu và thủ đoạn là những vũ khí chí mạng được sử dụng. Những người phụ nữ này sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được những gì họ muốn.
Về nội dung cốt truyện, thâm cung nội chiến diễn tả những cuộc tranh chấp và nỗi lòng của các phi tần trong nơi hậu cung đình đám , xoay quanh cuộc tranh giành quyền lực trong chốn thâm cung giữa bốn người phụ nữ, đó là Như phi và ba quý nhân: Nhĩ Thuần, Ngọc Doanh và An Xuyến.
Trong Thâm Cung Nội Chiến, Nhĩ Thuần (Xa Thi Mạn) đã đặt một chiếc kim bên trong giày của An Xuyến (Trương Khả Di) với mục đích là để cảnh báo cô. Tuy nhiên sau này, Nhĩ Thuần cho rằng cô đã không may rơi chiếc kim đó vào giày của An Xuyến. Thật bất ngờ, một kịch bản tương tự đã được tạo ra trong Đại Thanh Hậu Cung, nhưng thay vì là một chiếc giày thì nhân vật đã giấu kim trong váy. Chưa dừng lại, bộ phim này bị chỉ trích vì có tuyến nhân vật xảo quyệt, các âm mưu trả thù và cốt truyện khá tương đồng với Đại Thanh hậu cung.
2. Sức mạnh tình thân và Vợ và mẹ đều tốt
Hai bộ phim lấy đề tài xoay quanh mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với bao mâu thuẫn, xung đột, toan tính, đố kỵ với nhau chỉ vì lợi ích mà sẵn sàng bất chấp tất cả để đạt được mục đích.
Trong một đoạn clip kéo dài 18 phút được lan truyền rộng rãi trên mạng, cư dân mạng đã liệt kê ra 13 điểm giống nhau giữa Sức Mạnh Tình Thân – một trong những bộ phim về chủ đề gia đình thành công nhất của TVB và Vợ Và Mẹ Đều Tốt. Giống từ bối cảnh đến cốt truyện, bộ phim của Vu Chính còn được coi là một phiên bản kém hoàn thiện của Sức Mạnh Tình Thân. Sau cùng, vị biên kịch này vẫn phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định tác phẩm của ông quay trước phiên bản của TVB.
3. Tân Hoàn Châu Cách Cách và Quốc sắc thiên hương
Quốc sắc thiên hương xoay quanh những ân oán của hai gia tộc sản xuất nước hoa cuối triều Thanh, đầu thời kì Dân Quốc. Tuy là phim tình cảm nhưng lại kết hợp cả những yếu tố kinh dị, bí ẩn. Cả truyện phim ẩn chứa một bí mật không ai ngờ tới..Trong Quốc Sắc Thiên Hương, Huỳnh Thạnh Minh lần đầu tiên đóng vai phản diện, nhân vật của anh là người đàn ông vì si tình thái quá đã có những hành vi biến thái, bất chấp mọi thủ đoạn kể cả giết người yêu đã phản bội mình, lấy thi thể ngâm trong dung dịch nước hoa, tàn khốc và vô tình.
Khi Quốc Sắc Thiên Hương phát sóng, giám chế Vu Chính đã tuyên bố “khiêu chiến” Tân Hoàn Châu Cách Cách, Tân Thủy Hử và Tân Tây Du Ký phát sóng cùng thời điểm đó. Vu Chính hùng hồn cho biết Quốc Sắc Thiên Hương chắc chắn sẽ vượt rating của Tân Hoàn Châu Cách Cách và “khiêu chiến” ra mặt với Quỳnh Dao.
4. Hậu cung Chân Hoàn truyện và Cung tỏa châu liêm
Năm 2011 là một năm “điên đảo” với những nghi án đạo nhái trong làng truyền hình Hoa ngữ. Hầu hết các vụ việc nổi bật đều “dính dáng” đến một cái tên duy nhất: Vu Chính. Vừa qua dịp nghỉ Tết chưa lâu, năm Nhâm Thìn của truyền hình Hoa ngữ đã phải đón nhận một vụ om sòm. Tất nhiên, vai “nam chính” vẫn thuộc về người quen Vu Chính. “Biên kịch vàng” đã mở đầu năm 2012 sôi động với nghi án Cung – tỏa châu liêm là “hàng đạo” của Hậu cung Chân Hoàn truyện.
Cư dân mạng đã chỉ ra những điểm tương đồng của hai tác phẩm. “Tình cờ” làm sao, cả Cung – tỏa châu liêm và Hậu cung Chân Huyên truyện đều nói về cuộc đời của Hy Quý phi – mẫu thân của vua Càn Long sau này. Một số chi tiết liên quan đến nhân vật cũng “na ná” như Liên Nhi và Chân Huyên đều có 2 cô bạn thân khi mới nhập cung, rồi một trong 2 cô phản bội lại nhân vật chính. Liên Nhi cũng có “tay trong” tại Thái y viện và “kết bè phái” với một thái giám giống như Chân Huyên.
Trước những thông tin và bằng chứng “rành rành” do khán giả đưa ra, Vu Chính vẫn thản nhiên “bao biện” rằng: “Các người nói chuyện gì thế? Khi Cung – tỏa châu liêm khai máy thì Hậu cung Chân Huyên truyện còn chưa phát sóng”. Tuy nhiên, “biên kịch vàng” đã bị phản đối rần rần. Một khán giả mỉa mai: “Ông ta nghĩ chúng tôi là đứa trẻ lên ba chắc? Hậu cung Chân Huyên truyện vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết. Ông ta muốn ăn cắp ý tưởng thì còn phải chờ đến khi phim phát sóng hay sao?”.
5. Bộ bộ kinh tâm và Cung tỏa tâm ngọc
Vu Chính bị cư dân mạng chỉ trích gay gắt vì nội dung “na ná” với Bộ bộ kinh tâm. Dù Vu Chính đưa ra lý do là Cung – tỏa tâm ngọc phát sóng trước Bộ bộ kinh tâm nhưng dường như chẳng mấy ai bị thuyết phục bởi lời giải thích “ngớ ngẩn” này. Và lập luận khán giả đưa ra thì cũng tương tự như trường hợp Cung – tỏa châu liêm và Hậu cung Chân Hoàn truyện.
6. Hậu cung Như Ý truyện và Diên Hy công lược
Vu Chính từng gây cơn sốt trong làng điện ảnh Hoa ngữ sau khi Diên Hy Công Lược được ra mắt, bộ phim này đã đưa tên tuổi của Ngô Cẩn Ngôn và Hứa Khải lên một tầm cao mới. Chưa dừng lại ở đó, những cái tên như Tần Lam, Nhiếp Viễn cũng được “hồi sinh” nhờ Diên Hy Công Lược.
Độ hot chưa kéo dài được bao lâu, bộ phim đã vướng vào lùm xùm đạo nhái từ các tác phẩm cung đấu nổi tiếng khác, trong đó có: Hậu Cung Như Ý Truyện, Cung Tâm Kế,… Không chỉ đạo nhái, Vu Chính còn có hành động không đẹp khi chê bai đối thủ một cách khiếm nhã:
“Nhìn trang sức mà dàn sao nữ của tôi từng đeo mà xem, của Như Ý Truyện đã là cái gì. Không biết có phải đoàn phim thiếu kinh phí không mà tạo hình nhìn nhức mắt quá đi. Mấy nương nương ngồi quây quần với nhau trong phim mà hệt như mấy cô nàng lầu xanh. Châu Tấn bây giờ già rồi, mặt cô ta nên dùng thêm chất giúp chống lão hóa đi”.
7. Cung Tỏa Liên Thành – Mai Hoa Lạc
Sau tất cả, những bộ phim dính phốt đạo nhái trên của Vu Chính vẫn chưa là gì so với vụ kiện với nhà văn Quỳnh Dao. Cụ thể, dự án Cung Tỏa Liên Thành do Vu Chính làm biên kịch đã bị Quỳnh Dao khởi kiện vì ông đã “ăn cắp” trắng trợn nội dung tác phẩm Mai Hoa Lạc của bà. Kết quả, Vu Chính thua kiện và chính thức nói lời tạm biệt với “đứa con” Cung Tỏa Liên Thành vì bị cấm chiếu vĩnh viễn và đền bù cho Quỳnh Dao 5 triệu nhân dân tệ (hơn 18 tỉ đồng).
Không thể phủ nhận những cống hiến mà Vu Chính đem lại cho nền điện ảnh Trung Quốc nhưng ông cũng là tên tuổi thuộc dạng tai tiếng hơn nổi tiếng. Vu Chính được xem là biên kịch “lắm tài nhiều tật” khi không ngại “gây thù chuốc oán” với đồng nghiệp trong làng giải trí.
An Nhi tổng hợp