• Trang chủ
  • TIN HOT
  • Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Kiến nghị thi 2 môn bắt buộc
51 lượt xem Thứ Tư, 15/11/23 10:22 Sáng Nguyễn Võ Xuân Quyên

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Kiến nghị thi 2 môn bắt buộc

Tại phiên họp ngày 14/11 của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) trình Chính phủ 3 phương án thi tốt nghiệp THPT 2025.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Kiến nghị thi 2 môn bắt buộc

Tại phiên họp, Bộ GD&ĐT đề xuất 3 phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, bao gồm:

  • Phương án 1 là thí sinh thi 2 môn bắt buộc Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn (trong các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
  • Phương án 2 gồm 3 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn.
  • Phương án 3 là thi 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại phiên họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, tại Hà Nội, ngày 14/11. Ảnh: VGP
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại phiên họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, tại Hà Nội, ngày 14/11. Ảnh: VGP

Trong ba phương án mà Bộ GD&ĐT trình Chính phủ, phương án thi tốt nghiệp THPT bắt buộc 2 môn toán, ngữ văn kết hợp 2 môn tự chọn (2+2) trong số các môn học được phần lớn các chuyên gia lựa chọn. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT lấy ý kiến 10 chuyên gia tại cuộc họp do Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp với Cục Quản lý chất lượng hôm 5/10. Kết quả, sáu chuyên gia chọn phương án thi hai môn bắt buộc, ba ý kiến chọn phương án thi ba môn bắt buộc và một ý kiến khác.

Dựa trên kết quả này cùng các ý kiến góp ý và những nguyên tắc cốt lõi trong xây dựng phương án thi, Bộ GD&ĐT kiến nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm hai môn bắt buộc và hai môn lựa chọn (phương án 2+2).

Ưu điểm phương án thi 2 môn bắt buộc

Theo Bộ GD&ĐT, phương án thi 2+2 có ưu điểm giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm thực sự chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội (thí sinh chỉ thi 4 môn, hiện nay 6 môn). Số buổi thi ba buổi, giảm số buổi thi so với hiện nay.

Phương án thi tốt nghiệp THPT này cũng không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh bởi lẽ tỷ lệ thí sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội của ba năm gần đây luôn khoảng 64 – 68%, từ đó tạo điều kiện cho các học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em.

Ngoài 2 môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn, có 9 môn thi để học sinh lựa chọn dự thi, gồm: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Giải thích về băn khoăn rằng không thi bắt buộc sẽ khó duy trì chất lượng, Bộ GD&ĐT nói các môn học này đã có kiểm tra, đánh giá, có thể hiện điểm số vào học bạ trong quá trình dạy học.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết có 36 cách thức lựa chọn khác nhau với 9 môn thi (để có 2 môn thi lựa chọn). Việc này sẽ tạo điều kiện để thí sinh lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân.

Từ năm 2025 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT sẽ theo phương án mới
Từ năm 2025 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT sẽ theo phương án mới

Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Môn Ngữ văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm, tương tự hiện nay.

Bộ cũng dự kiến giữ ổn định thi tốt nghiệp THPT trên giấy đến năm 2030, song song với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; sau năm 2030 từng bước thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm ở những nơi đủ điều kiện.

Theo Bộ GD&ĐT, tại phiên họp, đa số thành viên Hội đồng ủng hộ phương án thi hai môn bắt buộc và hai môn lựa chọn.

Xem thêm >> Đề xuất cho học sinh nghỉ học thứ 7: Khả thi hay không?

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cho hay, về lý luận, bản chất của giáo dục phổ thông là trang bị kiến thức, kỹ năng nền tảng. Kỳ thi một mặt xét tốt nghiệp THPT, mặt khác đánh giá chất lượng dạy và học, cung cấp dữ liệu cho giáo dục đại học, nghề nghiệp. Về pháp lý, phương án 2+2 là đúng chủ trương giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng ở tất cả môn học.

Kết luận, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm đơn giản, khoa học, đúng mục tiêu, hiệu quả, nhằm đánh giá năng lực của học sinh một cách thực chất, “học gì thi nấy”.

Phương án nào cũng phải có ngân hàng đề thi chất lượng, được chuẩn hóa, quy chế thực hiện thống nhất“, Phó thủ tướng lưu ý. Ông cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT cung cấp thông tin một cách khoa học, minh bạch để nhân dân biết chủ trương, quá trình triển khai, cách thức thực hiện đổi mới thi cử so với mục tiêu đặt ra.

Xuân Quyên (tổng hợp)

Xem thêm: