Khó khăn trong việc tìm kiếm, giá thuê và chi phí dịch vụ tăng,… là nhiều lý do khiến một số sinh viên lựa chọn ở ghép, nhất là đầu năm học mới với rất nhiều khoản cần phải lo như hiện tại. Tuy nhiên, nếu không thận trọng trong việc tìm kiếm đối tượng ở ghép, sinh viên cũng có thể đối mặt với nhiều bất cập.
Xu hướng ở ghép tăng cao
Khi các trường đại học tại Cần Thơ lần lượt công bố điểm chuẩn cũng là lúc những dãy nhà trọ, phòng trọ bắt đầu cháy hàng.

Tìm mãi nhưng không được một chỗ ở phù hợp, bạn Nguyễn Trọng Nguyễn (tân sinh viên Trường Đại học Nam Cần Thơ) quyết định ở ghép.
“Đi cả tuần tìm trọ nhưng không chỗ nào hợp ý khiến tôi chán nản. Nhà trọ gần trường thì giá thuê và dịch vụ cao, điều kiện kinh tế gia đình không cho phép. Những nơi rẻ hơn thì lại cách rất xa trường. Còn chỗ vừa gần vừa có giá phù hợp thì đã sớm hết phòng. Khó khăn như thế nên khi nhận được lời đề nghị ở ghép từ một bạn cùng trường, tôi đã đồng ý” – Trọng Nguyễn chia sẻ.
Cũng trong cảnh tìm bạn ở ghép để giảm bớt gánh nặng chi phí, Trương Lâm Huỳnh Anh (sinh viên Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: Dù được bố mẹ hỗ trợ một phần và có đi làm thêm nhưng mỗi tháng phải chi trả 1,5 triệu đồng tiền thuê trọ, điện, nước… cộng thêm vật giá leo thang, tiền ăn, chi phí phục vụ các nhu cầu khác khiến Huỳnh Anh chóng mặt. Chưa kể học phí cho năm học mới cũng đang cận kề.
“Có lúc tôi đã định chuyển đi một nơi khác rẻ hơn nhưng dò tìm mãi vẫn không có chỗ. Thấy tìm kiếm khó khăn cộng thêm việc di dời đồ đạc từ nơi trọ cũ qua chỗ mới cũng rất tốn thời gian và công sức khiến tôi đổi ý định sang tìm bạn ở ghép. Với tôi, đây là một giải pháp giúp san sẻ các khoản chi phí trong thời bão giá như hiện nay” – Huỳnh Anh nói.
Tiết kiệm nhưng cũng tiềm ẩn nhiều bất tiện
Theo bà Lê Thị Viết Khoa – chủ nhà trọ sinh viên Thiên An (TP Cần Thơ) – nhờ xu hướng ở ghép của nhiều sinh viên mà việc kinh doanh của bà cũng rất thuận lợi.
Bà Khoa cho biết, hiện tại rất nhiều phòng trọ chỗ bà có sinh viên ở ghép. Khi sinh viên đến ở ghép, dù là 2 hay 3 người, bà cũng không tăng giá thuê và dịch vụ. Tiết kiệm chi phí thuê trọ mà tiện nghi vẫn được đảm bảo là điều làm các sinh viên lựa chọn nhà trọ của bà.

Tìm được một nhà trọ gần trường, rộng rãi nhưng chỉ tốn 1 nửa chi phí khiến Trọng Nguyễn hài lòng. Theo bạn, thay vì phải tốn 1,8 triệu đồng thì nay chỉ cần đóng 900 nghìn đồng cho mỗi tháng. Chi phí dịch vụ cũng chỉ cần đóng một nửa. Với Trọng Nguyễn ở như thế này chẳng những tiết kiệm mà căn phòng còn đáp ứng được ý muốn ban đầu của bạn như gần trường, sạch sẽ, tiện nghi.
Ở ghép cùng một bạn nữ cùng quê, Huỳnh Anh vui mừng vì vừa tiết kiệm được một khoản chi phí vừa tìm được đồng hương nơi xa lạ: “Ngoài giảm bớt tiền trọ thì chúng tôi cũng tiết kiệm được thêm trong các vấn đề như ăn uống, vệ sinh”.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm các sinh viên từng ở ghép, nếu không thận trọng trong việc tìm kiếm đối tượng ở ghép, sinh viên có thể đối mặt với nhiều bất tiện.
Trọng Nguyễn tâm sự: “Ở chung được vài ngày, tôi cảm thấy có nhiều bất tiện. Tôi và bạn kia phải sắp xếp thời gian để sử dụng các tiện nghi trong phòng. Ở cùng phòng, khi có người nhà đến thăm, chúng tôi vừa ngại vừa không thoải mái. Chưa hết, do là phòng chung của cả 2 nên nếu muốn rủ bạn bè về chơi hay ăn uống là điều không nên”.
Còn Huỳnh Anh, dù đã tìm được bạn ở ghép phù hợp, song việc đã quen sống tự do một mình cũng khiến bạn phải thay đổi một số thói quen cũ.
“Tôi may mắn được ở ghép với người bạn có thể tin tưởng được nên hiện tại đều khá ổn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn gặp phải một số bất cập trong sinh hoạt như việc vệ sinh nhà cửa, nấu ăn,… Nhìn chung, cuộc sống mỗi người vốn cũng có những điểm riêng biệt. Ngoài ra, tôi cũng là người thích có không gian riêng tư, nên đôi khi cũng sẽ có cảm giác không được thoải mái” – Huỳnh Anh chia sẻ.
XEM MÀ CẢNH GIÁC >> Cảnh giác những ngày nghỉ lễ
Theo LĐ