Top 10 quyển sách kinh doanh đáng đọc và Top 5 quyển sách doanh nhân Việt được yêu thích đã được công bố trong chương trình Gala Doanh nhân và Sách 2023 vừa diễn ra cách đây vài ngày.
Chương trình nằm trong Tuần lễ Doanh nhân và Sách 2023 (diễn ra từ ngày 10-16/10/2023) do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp Sở Thông tin Truyền thông TPHCM; Hội Xuất bản Việt Nam – Văn phòng Đại diện phía Nam, Hội đồng Sách doanh nhân và Công ty Đường sách TPHCM tổ chức.
Tại đây, cuốn sách Jack Ma và Alibaba (tác giả Nghiêm Kỳ Thành, dịch giả Huyền Nhi) do Chibooks phát hành đã được vinh danh lọt Top 10 quyển Sách Kinh doanh đáng đọc năm 2023. Sau thời gian phát động bình chọn, cuốn sách Jack Ma và Alibaba cùng với 9 cuốn sách khác đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, đánh giá cao nhất từ độc giả bởi giá trị về kiến thức, kỹ năng thực tế và sức ảnh hưởng, truyền động lực mạnh mẽ, phù hợp với tiêu chí sách kinh doanh thuộc các nhóm chủ đề: quản trị doanh nghiệp, kỹ năng, truyền động lực, văn hóa doanh nghiệp.

Giới thiệu về cuốn sách Jack Ma và Alibaba
Jack Ma và Alibaba thuộc Tủ sách Doanh nhân hàng đầu châu Á của Chibooks. Cuốn sách giới thiệu về cuộc đời và quá trình lập nghiệp của Jack Ma cùng những khó khăn và nghị lực của ông khi từng bước chuyển mình từ một giáo viên dạy tiếng Anh sang vai trò doanh nhân. Những thất bại liên tiếp không làm ông chùn bước, trái lại còn khiến ông điên cuồng học hỏi kinh nghiệm, tích lũy kiến thức và tiếp tục tiến lên phía trước với châm ngôn sống “Đừng bao giờ từ bỏ!”.
Từ sau khi lên sàn chứng khoán New York (2014), tập đoàn thương mại điện tử Alibaba do ông sáng lập liên tục phát triển như vũ bão, liên tục lọt top 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới hàng năm. Sự phát triển của Alibaba không thể tách rời khỏi sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Trung Quốc và thế giới.
Không chỉ trở thành một trong top 20 người giàu nhất thế giới, và lọt top 30 người quyền lực nhất thế giới, tỷ phú Jack Ma còn trở thành người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ ở nhiều nước. Nhiều câu nói của ông đã truyền động lực sống cho rất nhiều người, giúp nhiều người thay đổi cách suy nghĩ, cách sống và từ đó đạt được thành công.

Một số câu nói kinh điển, truyền động lực mạnh mẽ của Jack Ma được trích từ Jack Ma và Alibaba:
“Quản trị phương Tây, trí tuệ phương Đông, nhà thờ và chợ phiên, cuối cùng là Thái Cực.”
“Nếu bạn không bỏ cuộc, bạn sẽ luôn còn cơ hội. Bỏ cuộc chính là thất bại lớn nhất.”
“Bạn có thể học hỏi từ đối thủ cạnh tranh, nhưng đừng bao giờ sao chép. Nếu bạn sao chép từ đối thủ, bạn sẽ thua.”
“Nếu bạn không chịu bắt tay vào làm thì không có điều gì là khả thi cả.”
“Chúng ta không nên e ngại thất bại, chúng ta nên tận hưởng thất bại và những khoảnh khắc không như ý để đứng lên từ đó.”
“Nếu chúng ta muốn thay đổi thế giới. Hãy thay đổi bản thân trước.”
“Hôm nay thật khắc nghiệt, ngày mai còn khắc nghiệt hơn, nhưng nếu bạn cố gắng, ngày kia sẽ là ngày tươi sáng.”

Một số đoạn trích nổi bật từ cuốn sách Jack Ma và Alibaba:
Giải quyết nỗi đau ví như nhổ răng
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang đau đớn, khái niệm đau đớn ở đây là gì? Là ngày càng thị trường hóa, đau đớn vì một mặt kinh tế toàn cầu lao dốc; mặt khác là tổ chức, văn hóa, mô hình kinh doanh của công ty anh 10 năm trước sống tốt, 10 – 15 năm tới khi ngày càng đi theo cơ chế thị trường, cơ chế của anh không còn phù hợp, văn hóa, nhân tài, tổ chức không phù hợp thì anh sẽ chết rất thảm hại.
Tôi xin chia sẻ với mọi người về công ty chúng tôi, 3 – 5 năm qua, nhất là 3 – 5 tháng qua, điều mà tôi quan tâm nhất trong nội bộ công ty là tổ chức thế nào, nhân sự ra sao, văn hóa thế nào mới có thể thích ứng với sự phát triển của công ty trong 5 – 10 năm tới. Vì vậy, chuyển đổi mô hình nhất định sẽ phải trả giá, sẽ đau như nhổ răng, nhưng cái răng sâu này nếu anh không xử lý thì ngày nào anh cũng đau, nó không làm chết người, nhưng làm cho anh đau chết đi sống lại.
Hy vọng mọi người có sự chuẩn bị đầy đủ cả về tinh thần lẫn sức chịu đựng, để đối mặt với những cơn đau do cải cách mang lại, phải trụ vững. Giá hàng hóa khối lượng lớn chắc chắn sẽ giảm, các doanh nghiệp năng lực sản xuất lạc hậu chắc chắn sẽ phải đóng cửa, dừng sản xuất, sáp nhập, chuyển nhượng, những thứ trước đây bán được hôm nay ế ẩm.
Tôi xin nói với mọi người rằng áp lực này là thực tế, chưa nói đến kinh tế thực thế nào, chỉ nói BAT kinh tế Internet, bảng xếp hạng BAT chẳng bao lâu nữa sẽ nhường chỗ cho các công ty ra đời sau. Bây giờ chúng tôi còn chưa biết ai sẽ xuất hiện thay thế chúng tôi, chúng tôi còn trụ được bao lâu, ngày nào cũng thấy lo.
Không được uống thuốc ngủ giữa ban ngày
Tôi xin nói với mọi người một ví dụ. Năm 2012, khi tình hình kinh tế khởi sắc nhất, nội bộ công ty chúng tôi làm dự toán cho năm 2013, tất cả chỉ tiêu, lợi nhuận, doanh thu phải tăng gấp đôi. Hồi đó Alibaba rất mạnh, Taobao, Tmall tăng trưởng chóng mặt, tôi nói chúng ta phải tăng gấp đôi, nhưng tôi biết tôi không nói thì kết quả cũng sẽ tăng gấp đôi.
Nhưng yêu cầu để tăng gấp đôi là gì? Mời mọi người làm cho tôi một phép tính, rốt cuộc cần phải tuyển thêm bao nhiêu nhân viên (nếu tăng gấp đôi)? Khi đó chúng tôi đã có hơn 20 nghìn nhân viên, nhưng dự toán năm đó đưa ra các chỉ tiêu để tăng gấp đôi thì phải cần thêm 8.700 người. Tôi nói không được, không thể chấp nhận. Dự toán làm lại lần hai là 7.800 người, tôi cũng không chấp nhận.
Trong cuộc họp cuối cùng, họ muốn biết thế rốt cuộc cần bao nhiêu người. Tôi hỏi: “Anh nói thử xem?” Họ nói thêm 5.000 người, tôi nói không được. Họ thắc mắc: “Thế ông quyết cho bao nhiêu người?” Tôi nói: “200 người! Vượt quá 200 người, tất cả nhân viên, bao gồm cả cấp quản lý, bao gồm cả tôi, đều không có tiền thưởng, đều không có thưởng cuối năm.”
Năm nào tôi cũng nói phải chuẩn bị nhân sự cho sự phát triển trong tương lai, nhưng bây giờ tôi không muốn dự trữ nhân tài, các anh chỉ cần làm được cho tôi sang năm tăng gấp đôi, khống chế trong phạm vi 200 người. Kết quả thế nào? Tất cả các chỉ số đều đã tăng gấp đôi, nhân sự giảm gần 300 người.
Cải cách là do bị thúc ép! Nhân viên nói với anh là việc này nếu làm phải cần từng này người, phải cần từng này tiền, tôi nói nếu làm vậy, không có tiền mà người cũng không thêm, nhưng phải nghĩ ra cách, tôi sẽ cùng mọi người nghĩ cách. Năm thành lập Taobao, tăng 1 nhân viên kéo theo tăng 100 triệu doanh thu, tính cả nhân viên quét dọn và bảo vệ. Tôi khuyến khích thêm người, nhưng thêm 1 người phải tăng 100 triệu.
Do anh bịt chặt cánh cửa này, nên họ sẽ phải vắt óc nghĩ mọi cách để hoàn thiện kỹ thuật, hoàn thiện sản phẩm, buộc phải đổi mới sáng tạo về cơ chế. Còn nếu anh dễ dãi thêm người, thêm nguyên vật liệu, thêm nọ thêm kia, thì sẽ rối tung cả lên. Vì vậy, khi tình hình sáng sủa, mọi người có thể tạo sức ép. Cơ chế “cầu chì” trên thị trường chứng khoán gần đây không tồi, chỉ là bị đưa ra vào sai thời điểm.
Thị trường cổ phiếu Trung Quốc đã rất yếu ớt, lúc này vốn chỉ cần uống một viên thuốc ngủ là xong chuyện, kết quả là uống vào không tỉnh lại được, vì cơ thể đã rất gay go rồi. Thứ tốt đến mấy cũng phải “right time”, chúng tôi nói phải làm việc đúng đắn vào thời điểm đúng đắn, vì thế cơ hội trong tương lai vẫn vô cùng lớn.
SÁCH HAY >>Sách đáng xem: Phố Hàng Bột, chuyện “tầm phào” mà nhớ
Anh Hiếu