139 lượt xem Thứ Năm, 27/07/23 6:53 Chiều Nguyễn Võ Xuân Quyên

Những hệ lụy của hội chứng Erotomania

Những người mắc hội chứng Erotomania thường ngộ nhận rằng tất cả những người xung quanh, đặc biệt là người có địa vị trong xã hội đang si mê mình. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần lẫn đời sống của người bệnh.

Hội chứng Erotomania là gì?

Trên thế giới có rất nhiều bệnh tâm lý kỳ lạ, trong đó hội chứng Erotomania – hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình chính là một trong số đó. Thuật ngữ Erotomania được bác sĩ tâm thần người Pháp Gaëtan Gatian de Clérambault  sử dụng lần đầu vào năm 1921 và được áp dụng cho đến hiện tại.

Hội chứng này đã được ghi nhận từ thời Hy Lạp cổ đại bởi các nhà khoa học là Hippocrates và Galen. Nhưng mãi cho đến khi bác sĩ De Clérambault viết bài báo đầu tiên mô tả về hội chứng này chi tiết thì nó mới được quan tâm rộng rãi hơn, do đó người ta còn gọi đây là hội chứng De Clérambault.

Hiểu một cách đơn giản nhất, hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình là tình trạng mà người bệnh luôn cho rằng tất cả những người xung quanh đều yêu thích, si mê mình. Cho dù đó là một người lạ đi qua chỉ vô tình nhìn họ hay những người thân quen thì người bệnh cũng mặc định điều đó trong đầu. Đặc biệt những người có địa vị cao, có tiền bạc, có nhan sắc thì càng là đối tượng mà người bệnh cho rằng người đó đang theo đuổi mình.

Thế nhưng, sự si mê trong tình yêu lúc này chỉ là ảo giác, suy nghĩ tự huyễn mà người bệnh tự tạo ra. Trong hầu hết các trường hợp, đối tượng mà người bệnh nghĩ có tình cảm với họ thậm chí còn không biết họ là ai. Ngoài ra, một số người mắc hội chứng này còn tin rằng một người lạ mà họ vừa gặp là đã yêu họ từ cái nhìn đầu tiên.

Ngoài ra, bệnh nhân mắc phải hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình còn có một niềm tin mãnh liệt cho rằng người khác đang cố gắng chinh phục và gửi cho họ nhiều tin nhắn yêu thương. Những điều này sẽ xảy ra thông qua các suy nghĩ mà người bệnh cho rằng đó chính là “thần giao cách cảm”.

Những biểu hiện thường gặp của hội chứng Erotomania

Theo Medical News Today, người mắc phải chứng Erotomania thường sẽ sống với niềm tin mãnh liệt cho rằng một người hoàn mỹ nào đó đang yêu thương mình hết mực, mặc dù điều đó hoàn toàn không có thực. Tình yêu đó khiến họ trở nên phấn khích hơn và ngày càng chìm đắm vào nó. Qua thời gian, bệnh nhân càng bị lún sâu và dần có xu hướng cố gắng tạo ra những bằng chứng để chứng minh cụ thể về tình yêu của mình.

Đặc biệt hơn, những người mắc phải hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình thường sẽ có các dấu hiệu cuồng yêu, họ liên tục kể và muốn chia sẻ về “nửa kia”. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ bị ám ảnh nặng nề về việc cố gắng giao tiếp, gặp gỡ hoặc làm cách nào để cả hai được ở cạnh nhau.

Những hệ lụy của hội chứng Erotomania
Những hệ lụy của hội chứng Erotomania

Một số biểu hiện thường gặp như:

  • Làm mọi cách để kết nối, liên lạc với người đó như gửi mail, gửi thư, nhắn tin, tặng quà cho “người yêu” trong tưởng tượng.
  • Cố gắng tìm cách để thông báo với mọi người xung quanh, truyền thông, các trang mạng xã hội về mối quan hệ của cả hai (thực chất là từ một phía).
  • Bịa đặt, ngụy tạo, đưa ra những tình huống, sự kiện phức tạp sai lệch về đối phương, ví dụ nói về việc người đó đang rình rập, theo đuổi hoặc cố gắng trò chuyện, liên lạc với mình.
  • Luôn nghĩ rằng người kia đang cố gắng bí mật giao tiếp qua ánh mắt, cử chỉ hoặc tin nhắn (được mã hóa trong tin tức, chương trình truyền hình, phim và các phương tiện truyền thông)…
  • Ghen tị, tức giận nếu thấy đối phương gần gũi trò chuyện với người khác và cho rằng họ phản bội, không chung thủy với mình
  • Mất hứng thú với những thứ xung quanh và chỉ dành thời gian để nghĩ đến “người yêu”
  • Có các hành vi tấn công, đột nhập hay gây rối để tạo sự chú ý với đối phương. Một số người có thể vi phạm pháp luật và bị bắt giữ

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng Erotomania

Thực tế hiện nay vẫn chưa tìm ra chính xác đâu là nguyên nhân gây ra chứng hoang tưởng người khác yêu mình. Tuy nhiên, có một vài giả thuyết đặt ra cho rằng ở những người bị thiếu thốn tình cảm khi con nhỏ có thể tự tạo ra cho mình những hoang tưởng này như một cách xoa dịu những cảm xúc thiếu thốn của bản thân.

Tiến sĩ Helen Fisher – một nhà nhân chủng học nổi tiếng cho biết, trong hình ảnh chụp não của tổng cộng 18 người bệnh mắc phải chứng Erotomania đều có biểu hiện của sự hưng phấn bất thường. Chuyên gia cho biết rằng, tình yêu thực sự cũng có thể tạo ra được sự hưng phấn của não bộ. Tuy nhiên, khi tình yêu đó chỉ từ một phía và không được đáp trẻ thì nó cũng có thể biến thành những nỗi ám ảnh rất lớn, nhiều nguy cơ có thể dẫn đến hội chứng bệnh hoang tưởng người khác yêu mình.

Bên cạnh đó một vài nghiên cứu hiện nay cho rằng nguyên nhân hội chứng cho rằng người khác yêu mình có thể liên quan đến một cơn đột quỵ hoặc xuất huyết não hay chính xác hơn là có liên quan đến rối loạn chức năng ở phần trước của não. Một số khác cũng cho rằng Erotomania có liên quan đến “hội chứng tri giác sai thực tại” (misidentification syndromes) chẳng hạn như hội Capgras (người bệnh cho rằng những người xung quanh mình là giả mạo, cho người khác đã mạo danh họ) hoặc hội chứng Fregoli (người bệnh cho rằng có người đang mang ngoại hình và danh tính của người khác).

Dựa theo lý thuyết thì chứng Erotomania là một căn bệnh hiếm nhưng trên thực tế thì tỉ lệ người mắc bệnh cao hơn rất nhiều so với số liệu thống kê. Bởi trên thực tế không ít người mắc căn bệnh này nhưng bản thân họ hay cả những người xung quanh đều không để ý hoặc trốn tránh việc điều trị, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nghiên cứu chính xác hơn về hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình cũng như việc thống kê tỷ lệ mắc bệnh.

Những hệ lụy mà hội chứng Erotomania mang lại

Hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình là một vấn đề tâm lý nghiêm trọng bởi những nhận thức, hoang tưởng không chỉ được diễn ra trong suy nghĩ mà còn nằm hành động của họ. Một số có xu hướng đột nhập, đe dọa “người yêu”, trong khi một số khác lại tấn công những người xung quanh đối phương vì cho rằng họ là nguyên nhân khiến “người yêu” ngày càng trở nên xa cách họ.

Bên cạnh đó, hội chứng này có liên quan đến rối loạn lưỡng cực, nó cũng có thể liên kết với những vấn đề sức khỏe tâm thần, cụ thể như:

  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
  • Rối loạn lo âu
  • Rối loạn ăn uống (chứng chán ăn, chứng cuồng ăn)
  • Nghiện rượu bia, ma túy.

Thông thường hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình sẽ kéo dài trong khoảng vài ngày. Tuy nhiên có một trường hợp người bệnh vẫn sẽ tiếp diễn và chuyển biến trầm trọng hơn trong nhiều năm liền nếu không được phát hiện kịp thời.

Hướng điều trị hội chứng Erotomania

Mục đích chính của việc điều trị hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình đó chính là giải quyết triệt để các vấn đề loạn thần hoặc ảo tưởng. Người bệnh thường sẽ được tiến hành điều trị bằng cách kết hợp đồng thời cả hai phương pháp đó là sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý.

Thông thường, một số loại thuốc chống loạn thần cổ điển, ví dụ như pimozide sẽ được sử dụng nhiều trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó, các loại thuốc chống loạn thần không điển hình như olanzapine, risperidone và clozapine cũng sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng đồng thời với biện pháp tâm lý trị liệu.

Tốt nhất bệnh nhân nên tìm đến các bệnh viện tâm thần hay các trung tâm tâm lý trị liệu để được hỗ trợ thăm khám và điều trị chính xác nhất.

Xuân Quyên (tổng hợp)

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *