Vật giá leo thang cùng nhiều khoản phí cần phải lo đầu năm học mới khiến nhu cầu làm thêm để trang trải cuộc sống của sinh viên tăng cao. Lợi dụng nhu cầu đó, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều lời quảng cáo hấp dẫn “việc nhẹ, lương cao”, nhưng thực chất đây chỉ là những bẫy lừa đảo cho những bạn trẻ nhẹ dạ cả tin.

Muôn kiểu “việc nhẹ, lương cao”
Vừa bước vào năm học mới, L.T.N (sinh viên Trường Đại học Cần Thơ) đã loay hoay tìm việc làm thêm để có nguồn thu nhập đáp ứng các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống. Trong đó, mạng xã hội là hình thức được bạn ưu tiên lựa chọn để tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, khi tìm việc thông qua mạng xã hội, N đã không khỏi ngán ngẩm vì quá nhiều chiêu trò lừa đảo.
“Tôi thấy nhiều công việc bất thường như việc đánh văn bản tại nhà, chốt đơn hàng, trực tin nhắn, tăng doanh số cho các hệ thống… Bản thân tôi đặt khá nhiều nghi vấn nên đã chủ động tránh xa các công việc này” + N chia sẻ.
Tương tự, khi đăng bài tìm việc trên mạng xã hội, T.L.H.A (sinh viên Trường Đại học Cần Thơ) cũng được nhiều đối tượng liên hệ với những “việc nhẹ lương cao”. Tuy nhiên, do cảnh giác nên A đã may mắn thoát khỏi thủ đoạn lừa đảo của những đối tượng này.

Cũng từng tìm việc qua mạng xã hội và là nạn nhân của hình thức này, P.D.K (sinh viên Trường Đại học Nam Cần Thơ) kể lại: “Để đỡ đần cho cha mẹ, tôi đã tìm một việc làm thêm. Khi lướt Facebook đọc được bài tuyển dụng với mức lương 3,2 triệu mỗi tháng, được phụ cấp và có thưởng doanh số mà không yêu cầu kinh nghiệm, tôi đã hào hứng liên hệ với người đăng bài.
Người đó bảo tôi đăng ký làm thẻ của một ngân hàng do công ty thanh toán lương qua ngân hàng đó. Đăng ký xong sẽ lên lịch nộp hồ sơ cho tôi bắt đầu đi làm. Tôi nghĩ đăng ký cũng không mất tiền nên nhanh chóng làm theo.
Làm xong người đó lại bảo công ty cần nhân viên bán hàng kiêm thu ngân, thanh toán qua ví điện tử cho khách hàng nên cần tôi tải app và đăng ký 2 ứng dụng ví điện tử với 2 đường link được gửi đến. Tôi bắt đầu nghi ngờ và từ chối lời đề nghị đó. Cuối cùng người đó hẹn tôi ngày phỏng vấn và dặn chờ điện thoại. Nhưng sau nhiều ngày không ai liên hệ, tôi biết mình đã bị lừa. May mà chưa làm theo lời đề nghị trải nghiệm ví điện tử, nếu không tôi nghĩ cái mình bị lừa không chỉ có thế.”
Cần tìm địa chỉ đáng tin cậy
Theo PGS.TS Trần Cao Đệ – Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Hỗ trợ và Khởi nghiệp sinh viên – Trường Đại học Cần Thơ, trong quá trình học tập sinh viên có thể làm các công việc bán thời gian khác nhau liên quan hoặc không liên quan đến chuyên ngành học. Trên mạng xã hội cũng có rất nhiều lời rao để môi giới hoặc tuyển dụng để làm các công việc tương tự như vậy.
Tuy nhiên, tìm việc trên mạng thì sinh viên không biết rõ được tính xác thực của thông tin dẫn đến bị lừa mất phí đặt cọc, phí môi giới,… Nghiêm trọng hơn nữa là rơi vào cạm bẫy làm cộng tác viên bán hàng, tiếp thị online rồi bị dẫn dụ tới lừa đảo, bán hàng đa cấp, hàng giả, hàng cấm hoặc là được tuyển dụng làm tư vấn tài chính nhưng thực chất là tiếp tay cho tổ chức cho vay nặng lãi.
Theo PGS.TS Trần Cao Đệ, để tránh các cạm bẫy, đầu tiên và trên hết mỗi sinh viên phải biết tự cảnh giác, tự bảo vệ mình. Không nên tin vào những thông tin, địa chỉ không đáng tin cậy, mang tính chất trôi nổi, những lời rao có cánh việc nhẹ lương cao.
Đồng thời, khi có nhu cầu tìm việc, sinh viên nên tìm đến dịch vụ giới thiệu việc làm của địa phương, tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị, xã hội của địa phương như Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên… Bên cạnh đó, ở mỗi trường đều có trung tâm, phòng ban hỗ trợ cho sinh viên để tìm kiếm việc làm.
Nếu tìm việc không thông qua trung tâm của nhà trường hay các tổ chức chính trị, xã hội thì sinh viên nên liên hệ với những đối tượng tuyển dụng có địa chỉ, pháp nhân rõ ràng, phải biết được nơi tuyển dụng cụ thể. Đặc biệt, không nên tin vào những lời mời gọi hấp dẫn và không chấp nhận đặt cọc, chuyển tiền trước.
CẢNH GIÁC>>Cảnh giác: Ở ghép chung cư, coi chừng bị ”bùng” tiền trọ
Theo Lao Động