Hiện nay, có rất nhiều bậc phụ huynh đang phải đau đầu khi con cái có những thay đổi về mặt tâm lý ở tuổi dậy thì nhưng không biết làm sao để giúp con vượt qua, từ đó dần khiến trẻ rơi vào khủng hoảng tuổi dậy thì. Nếu bạn cũng đang có con trong tuổi dậy thì, hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có thêm thông tin để chia sẻ cùng con.
Khủng hoảng tuổi dậy thì là gì?
Khủng hoảng tuổi dậy thì được coi là giai đoạn trẻ có những có biến đổi tâm sinh lý vô cùng khó khăn khi hormone sinh dục nữ/nam tăng mạnh, từ đó gây ra những thay đổi về cơ thể, tinh thần theo từng giới tính cụ thế.
Khi sự phát triển tâm lý không phù hợp, trẻ sẽ dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu kéo dài. Và một khi không được giải tỏa và khắc phục kịp thời, trẻ sẽ rơi vào khủng hoảng tuổi dậy thì.

Dấu hiệu nhận biết khủng hoảng tuổi dậy thì
Cảm xúc thay đổi thất thường
Những trẻ trong khoảng thời gian dậy thì thường có các triệu chứng buồn bã, dễ cáu gắt khi gặp bất kỳ vấn đề nào. Và ở độ tuổi này thì các con thường dễ vui nhưng lại có thể chuyển sang cảm xúc ức chế, buồn bực một cách bất thường. Tâm lý của trẻ đang dậy thì rất nhạy cảm và dễ bị tác động bởi những lời nói hoặc hành động của gia đình, bạn bè, thầy cô,…
Rối loạn tâm lý
Quá trình dậy thì là thời điểm phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ. Những thay đổi về cơ thể như nữ có ngực, nam có râu, chiều cao tăng lên,… khiến trẻ cảm thấy khác biệt so với các bạn hoặc bị các bạn khác trêu chọc. Từ đó xuất hiện cảm giác tự ti, ngại tiếp xúc và dần rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý.
Thay đổi thói quen ăn uống
Vào độ tuổi dậy thì, các em cần được bổ sung nhiều chất dinh dưỡng để đáp ứng quá trình phát triển cơ thể. Tuy nhiên, nhiều trẻ rơi vào tình trạng bị ám ảnh về ngoại hình của mình và lo sợ bạn bè trêu, vì thế chúng thường không muốn ăn hoặc ăn rất ít so với ngày thường. Ngược lại có một số trẻ lại ăn uống một cách mất kiểm soát lại dẫn đến tình trạng béo phì. Những trường hợp này đều ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe của trẻ đang dậy thì và chính vì thế bố mẹ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho con trong thời gian này.

Sử dụng thuốc lá, chất gây nghiện
Trong những năm gần đây, trẻ ở độ tuổi từ 10 – 16 tuổi được tiếp xúc nhiều với mạng xã hội và với tính tò mò, thích khám phá ở lứa tuổi này khiến chúng dễ bị kích thích, lung lay bởi những nội dung tiêu cực. Việc lạm dụng chất kích thích, thuốc lá ở độ tuổi này là vấn đề rất nghiêm trọng mà bố mẹ không thể bỏ qua.
Có những suy nghĩ tiêu cực
Trẻ luôn cảm thấy mình vô dụng, kém cỏi, không hài lòng với bản thân, luôn có cảm giác tuyệt vọng mà không rõ nguyên nhân. Đây là một trong những triệu chứng của khủng hoảng tuổi dậy thì cần cảnh báo ngay. Nếu nhận thấy con có những hành vi, suy nghĩ muốn làm tổn thương bản thân hay, tổn thương người khác; ba mẹ cần đưa trẻ đến chuyên gia tâm lý để kiểm tra và can thiệp kịp thời.
Nguyên nhân dẫn đến trẻ rơi vào khủng hoảng tuổi dậy thì
Tuổi dậy thì là lứa tuổi chịu nhiều biến đổi về hình thể, tâm lý, sinh lý rất phức tạp nhất, do đó khủng hoảng tuổi dậy thường gặp hơn hẳn so với các lứa tuổi khác của đời người.
Khi bước vào giai đoạn dậy thì, hình thể bên ngoài của trẻ có sự thay đổi rất lớn: cơ thể phát triển rất khác biệt so với trước kia, xuất hiện ham muốn tình dục. Con gái sẽ phát triển kích thước ngực, xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt… Con trai vỡ tiếng, bắt đầu mọc ria mép…
Nguyên nhân chính được cho là gây ra tình trạng khủng hoảng tuổi dậy là do sự phát triển nhanh của các hormone sinh dục, sự phân biệt giới tính bắt đầu hình thành khiến các trạng thái cảm xúc nhạy cảm xuất hiện. Nếu những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ, thầy cô không hiểu rõ những cảm xúc của trẻ mà còn tác động mạnh vào các vấn đề đó sẽ dễ khiến trẻ cảm thấy không được tôn trọng, dễ nảy sinh xung đột, dẫn đến các rối loạn cảm xúc.

Đối với bạn bè cùng trang lứa, em nào có những biểu hiện dậy thì trước sẽ dễ bị bạn bè hiểu lầm, trêu chọc và bị phân biệt đối xử. Những trẻ dậy thì nổi rất nhiều mụn bọc, mụn cám thường gặp phải những lời nói xấu hoặc chê bai về hình thức của mình. Sự thay đổi về chiều cao trong giai đoạn dậy thì cũng có thể khiến các em bối rối.
Ở lứa tuổi chuyển giao từ một đứa trẻ thành một người lớn, các em trở nên rất nhạy cảm, rất dễ bị sốc trước những lời chọc ghẹo của bạn bè, nếu không được người lớn giải tỏa và định hướng, các em sẽ càng dễ bị sốc và hoang mang hơn, về lâu dài sẽ ngày càng đè nặng lên tâm lý, khiến các trẻ có thể mắc các hội chứng tâm lý tuổi dậy thì như rối loạn về hành vi, rối loạn cảm xúc và rối loạn tâm thần.
Ba mẹ cần làm gì để giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì?
Để giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì cha mẹ đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con
Khi bố mẹ thường dành nhiều thời gian cho công việc và có ít thời gian gặp mặt con cái là điều khiến cho trẻ dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý vì không được chia sẻ, thấu hiểu từ gia đình. Chính vì thế, các phụ huynh cần phải thường xuyên quan tâm, hỏi han về những hoạt động hàng ngày của con trên trường. Khi bạn theo dõi biểu hiện, cảm xúc hàng ngày của con sẽ dễ dàng nhận ra sự bất thường nếu con có dấu hiệu của sự khủng hoảng và từ đó có những phương pháp can thiệp kịp lúc.
Trang bị kiến thức về tuổi dậy thì cho con
Để tránh trẻ bất ngờ với những thay đổi trong quá trình dậy thì, bố mẹ nên trang bị kiến thức cho con như bé gái sẽ có kinh nguyệt, ngực lớn hơn, nam thì sẽ vỡ giọng, mọc ria mép,… Điều này sẽ giúp trẻ có đủ kiến thức và yên tâm về những thay đổi có thể xảy ra trong giai đoạn tiếp theo. Khi bố mẹ chủ động hướng dẫn sớm sẽ giúp con có thêm sự tin tưởng và dễ chia sẻ khi gặp bất kỳ vấn đề nào trong thời gian dậy thì.
Lắng nghe và khuyến khích con chia sẻ
Trong độ tuổi dậy thì, trẻ thường khép mình và ít chia sẻ với bố mẹ một phần có thể do các bạn sợ bố mẹ sẽ không lắng nghe hoặc không tin những điều mình đang trải qua. Chính vì thế, bố mẹ nên khuyến khích con chia sẻ những vấn đề đang gặp phải và hãy lắng nghe, thấu hiểu cùng con. Tùy thuộc vào tình huống, bố mẹ có thể hỏi ý kiến xem bé muốn chia sẻ với bố hoặc mẹ, vì một số trường hợp như các bé gái thường có xu hướng chia sẻ với riêng với mẹ hơn là khi có cả bố mẹ và ngược lại.

Giúp con tìm ra giải pháp phù hợp
Sự chỉ trích hoặc la mắng khi con chia sẻ các vấn đề của mình là điều mà bố mẹ hoàn toàn không nên làm. Vì khi con chia sẻ nghĩa là chúng đang cần tìm giải pháp cho mình nhưng lại không được ủng hộ từ bố mẹ. Điều này rất dễ dẫn đến các suy nghĩ lệch lạc cho trẻ. Khi trẻ chủ động chia sẻ thì phụ huynh nên đứng ở vai trò như người bạn, người có kinh nghiệm để giải thích, phân tích sự việc cũng như gợi ý cho con giải pháp. Khi đó, các bé sẽ tin tưởng và thoải mái chia sẻ với bố mẹ.
Cho con tham gia nhiều hoạt động tích cực
Trẻ bị khủng hoảng tuổi dậy thì thường rất nhút nhát, không muốn giao tiếp với người khác, thu mình hoặc nổi loạn, mất kiểm soát. Khi cần thiết, ba mẹ có thể cho con tham gia các lớp học kỹ năng theo sở thích như lớp huấn luyện quân sự, lớp võ thuật, lớp kỹ năng mềm,… để trẻ dần thay đổi bản thân, định hướng cho cuộc đời mình.
Hiện nay, có rất nhiều chương trình dạy kỹ năng cho trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Những lớp học này sẽ có rất nhiều bạn đồng trang lứa, giúp trẻ thoải mái hơn và tăng kỹ năng giao tiếp với những người xung quanh.
Xem thêm >> Hội chứng ‘sợ nghe điện thoại’
Không áp đặt con cái
Ở tuổi dậy thì, hầu hết trẻ muốn có sự tự do nhất định và không muốn ba mẹ quá nghiêm khắc và kỷ luật. Vì vậy, ba mẹ cũng cần dành cho con những khoảng không gian riêng tư nhất định để con có thể thoải mái làm điều mình thích. Đừng xâm phạm quá nhiều vào quyền riêng tư hay áp đặt con trẻ theo ý muốn của mình.
Tuy nhiên, ba mẹ cũng nên quan tâm đến con cái và kiểm soát chúng một cách tinh tế. Ba mẹ nên tạo cho con một tư thế phù hợp và giúp con phân biệt thói quen tốt và thói quen xấu. Nếu trẻ có những hành vi, suy nghĩ không đúng mực, ba mẹ nên bình tĩnh phân tích để trẻ hiểu, đừng ép buộc trẻ sẽ dễ khiến trẻ phản kháng.
Gặp chuyên gia nếu khủng hoảng tuổi dậy thì kéo dài
Trên thực tế, không phải ba mẹ nào cũng có khả năng giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì. Vì vậy, nếu các triệu chứng của trẻ quá nghiêm trọng và không thể tự giải quyết, ba mẹ nên đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý.
Bằng cách nói chuyện với một chuyên gia, trẻ dần dần cảm thấy thoải mái hơn, ít lo lắng và căng thẳng hơn. Ngoài ra, trẻ sẽ được học thêm những kiến thức cần thiết và học cách tự giải quyết vấn đề của mình. Các chuyên gia tâm lý sẽ giúp trẻ biết cách kiềm chế cảm xúc, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn, từ đó vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì, trở lại nhịp sống bình thường.
Xuân Quyên (tổng hợp)