‘Hunger’ – khi món ăn đại diện địa vị xã hội

Aoy (Chutimon Chuengcharoensukying) trải qua những ngày tháng vất vả khi làm việc cho Paul – bếp trưởng giỏi nhất Thái Lan, trong “Hunger”.

Bộ phim Thái Lan do Sitisiri Mongkolsiri đạo diễn, xoay quanh đầu bếp Aoy (Chutimon Chuengcharoensukying) làm việc tại quán ăn mì xào của gia đình. Một ngày nọ, cô nhận được lời mời gia nhập Hunger – nhóm đầu bếp cao cấp hàng đầu Thái Lan của bếp trưởng Paul (Nopachai Chaiyanam).

Lấy đề tài ẩm thực, Hunger phản chiếu thực trạng giàu – nghèo, lột tả mặt tối của hai giai cấp trái ngược. Kịch bản gợi nhớ tới The Menu (2022) và Parasite (2019).

Đầu phim, Aoy xuất hiện cùng ngoại hình lôi thôi, mồ hôi đầm đìa khi đứng bếp. Dù khách đông, cô cảm thấy bí bách và chán nản bởi cuộc sống túng thiếu. Lời nói của bạn Aoy phơi bày hiện thực khắc nghiệt của xã hội: “Ở nước mình, cậu phải giàu từ trong trứng hoặc là con ông cháu cha. Người thường như chúng ta không có quyền được hạnh phúc”.

Chutimon Chuengcharoensukying (trái) và Nopachai Chaiyanam trong “Hunger”. Ảnh: Netflix

Sự chênh lệch địa vị được thể hiện qua những chi tiết đối lập. Trên nền bản nhạc giao hưởng và tòa nhà sang trọng nơi đội Hunger làm việc, Aoy hậu đậu và người bốc mùi. Trong khi đối thủ – người được học ở trường dạy nấu ăn – trang trí đĩa cơm rang tinh tế, Aoy bày biện món đơn giản.

Qua những bữa tiệc xa hoa, đạo diễn phơi bày góc khuất của giới thượng lưu. Tại sinh nhật tướng Premsak, bếp trưởng Paul chọn chủ đề “Thịt và máu”, những thực khách tham dự ăn nhồm nhoàm, rơi vãi. Bếp phó Dang nói: “Bọn nó chẳng biết thức ăn ngon là gì. Chúng chỉ thuê bếp trưởng Paul để khoe khoang”. Với những người giàu trong phim, ăn uống đơn thuần là cách khẳng định địa vị xã hội.

Ngược lại, với người nghèo và tầng lớp lao động, một bữa ăn no cùng niềm vui mới là điều quan trọng. “Tớ ăn để sống, không phải sống để ăn”, bạn thân Aoy nói khi cô chê món lòng hầm của anh.

Nửa đầu tác phẩm thiết lập thành công bầu không khí kịch tính. Mỗi lúc bếp trưởng Paul có mặt, sự nguy hiểm luôn hiện diện trong từng ánh mắt, câu nói của ông. Ông luôn đòi hỏi sự hoàn hảo từ các đầu bếp trong đội Hunger. Tính cách khó lường và tàn nhẫn của Paul khơi gợi sự căng thẳng với khán giả.

Ngày đầu được nhận vào làm, Aoy phải đổ mồ hôi, nước mắt và máu nhằm đáp ứng yêu cầu của Paul. Cô thức cả đêm, hai tay bị bỏng để nấu đúng món bò Wagyu. Hay khi phát hiện một đầu bếp hút thuốc trong lúc nấu súp, Paul bắt anh phải ăn súp trộn với điếu thuốc.

Hình ảnh được đầu tư chỉnh chu, chinh phục khán giả nhờ quá trình chế biến món ăn chi tiết và phần bài trí đẹp mắt. Hành động thái thịt, vẩy nước sốt hay cách các đầu bếp sử dụng ngọn lửa hiện lên sống động. Góc quay cận và đặc tả được sử dụng, làm nổi bật biểu cảm từng nhân vật.

Nửa sau dần đuối vì lối kể dài dòng, không còn tạo dựng được sự hồi hộp. Qua quá trình thay đổi của Aoy, phim truyền tải thông điệp: Hạnh phúc bên những người thân yêu quan trọng hơn tiền bạc, đừng đánh mất bản thân vì chạy theo danh vọng. Aoy không chấp nhận hành vi giết động vật trái phép của Paul nên nghỉ việc, được tài trợ để mở nhà hàng riêng. Từ cô gái nhiệt huyết và tử tế, Aoy thay đổi và dần giống bếp trưởng Paul – một người cục cằn, khó gần. Cô nhận ra cái giá của thành công chính là sự cô đơn.

Thẻ tìm kiếm:
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x