Những người mắc hội chứng Quasimodo thường bị ám ảnh và phóng đại những khuyết điểm trên cơ thể của bản thân và không muốn người khác nhận ra những khiếm khuyết ấy.
Hội chứng Quasimodo là gì?
Trong tác phẩm “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” của Victor Hugo, Quasimodo là một tên gù xấu xí. Chính bởi vẻ ngoài xấu tệ này mà nhiều người gọi anh là quái vật, vì thế chẳng có gì lạ khi Quasimodo luôn mặc cảm và sống thu mình trong gác chuông nhà thờ. Và có lẽ vì lý do này mà các nhà khoa học đã lấy tên Quasimodo để đặt tên cho 1 hội chứng mặc cảm ngoại hình (Body dysmorphic disorder – BDD).
Theo thống kê, trên thế giới có 2,4% dân số đã và đang mắc chứng Quasimodo. Hội chứng này có thể mắc phải ở đối tượng nam và nữ ở mọi đối tượng, tuy nhiên tỷ lệ nữ giới ở độ tuổi thanh thiếu niên thường chiếm phần trăm cao hơn.
Những người mắc chứng này luôn bị ám ảnh quá mức bởi những khiếm khuyết trên cơ thể mình, đôi khi, họ còn cố lần mò tìm ra cho bằng được điểm xấu xí hoặc thậm chí là… tưởng tượng ra chúng. Không những vậy, kể cả những khuyết điểm tạm thời cũng có thể khiến người bệnh căng thẳng thái quá, mặc cảm về bản thân và mất tự tin khi đối thoại, giao tiếp với người xung quanh.
Chính bởi sự lo lắng không thực tế, không tương xứng này đã khiến bệnh nhân gặp phải những rào cản tâm lý nhất định. Sau một thời gian, có thể dẫn đến suy giảm chức năng xã hội và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, công việc, học tập của người bệnh. Trong một số những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân còn cách ly bản thân khỏi xã hội.
Nguyên nhân gây nên hội chứng Quasimodo
Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào có thể chỉ ra nguyên nhân chính xác dẫn đến hội chứng tâm lý đặc biệt này. Theo một số giả thuyết, hội chứng này gây ra bởi sự rối loạn tinh thần dẫn tới mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh của hệ thần kinh trung ương. Từ đó, tế bào não không thể hoạt động và dẫn truyền thông tin hiệu quả, gây nên hội chứng Quasimodo. Bên cạnh đó, một số nhà khoa học lại cho rằng, tâm lý là một yếu tố quan trọng dẫn tới căn bệnh kỳ lạ này.

Mặt khác, một số giả thuyết được đặt ra rằng một số yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng tới quá trình hình thành hội chứng, bao gồm:
- Người bệnh đã từng trải qua một tuổi thơ có nhiều cảm xúc hoặc đã từng phải đối mặt với những sự kiện gây ra những ảnh hưởng lớn về vấn đề tâm lý.
- Người bệnh có kỳ vọng quá lớn vào bản thân, đặt ra những tiêu chuẩn dựa trên sự hoàn hảo.
- Thường xuyên bị cha mẹ hoặc mọi người xung quanh chê cười vì ngoại hình.
- Do gặp phải những áp lực về tiêu chuẩn hình thể được đưa ra từ những ý kiến xã hội và truyền thông.
Những biểu hiện của hội chứng Quasimodo
Hội chứng Quasimodo có thể xảy ra ở mọi đối tượng, ở bất kỳ độ tuổi và vào bất cứ khoảng thời gian nào. Thông thường, thanh thiếu niên trong độ tuổi mới lớn chiếm tỷ lệ mắc cao. Bởi vì đây là nhóm tuổi nhạy cảm với môi trường xung quanh và về đánh giá của mọi người.
Triệu chứng của hội chứng Quasimodo rất đa dạng và khó xác định, tuy nhiên có một số biểu hiện đặc trưng có thể nhận biết:
- Luôn đặt mục tiêu là sự hoàn hảo lên hàng đầu với mong muốn mang một vẻ đẹp không tì vết, từ đó dần sinh ra sự ám ảnh và ghét bỏ đối với khuyết điểm dù là nhỏ nhất của bản thân, đồng thời mang tâm lý tự ti, lo lắng về sự đánh giá của người xung quanh đối với hình thể của mình.
- Thường dành nhiều thời gian trong ngày để tự vấn bản thân về khiếm khuyết trên cơ thể, đồng thời tìm kiếm thêm những khuyết điểm khác.
- Hay so sánh bản thân với người khác, đặc biệt trong thời đại công nghệ và truyền thông phủ sóng khắp nơi như bây giờ. Chính điều này đã gây nên sự căng thẳng tinh thần, stress, bực bội và lo lắng thường xuyên.
- Điệu đà và thường chăm chút quá mức cho vẻ bề ngoài.
- Có thể nghiện phẫu thuật thẩm mỹ khi đó là giải pháp nhanh chóng để “giải quyết” khiếm khuyết của bản thân.
- Luôn muốn được mọi người đánh giá về ngoại hình, khuyết điểm của mình để có thể lấy lại niềm tin, loại bỏ mặc cảm nhưng lại không muốn tin những đánh giá ấy. Bất kỳ lời đánh giá về ngoại hình nào của người khác cũng khiến họ rất buồn phiền và suy nghĩ quá mức.
Hậu quả của hội chứng Quasimodo
Hội chứng Quasimodo có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Nỗi lo sợ và sự mặc cảm thường trực trong tâm trí sẽ dễ khiến người bệnh bị khủng hoảng tinh thần, dễ cáu gắt. Theo thời gian, họ sẽ không còn tự tin khi giao tiếp, cách li mình khỏi xã hội, dẫn đến trầm cảm. Thậm chí người bệnh còn có ý nghĩ tự sát.
Quasimodo là một hội chứng nguy hiểm, nhưng nếu không hiểu về nó, ta sẽ không biết nạn nhân đang đối mặt với những gì, mà chỉ đơn giản cho rằng họ quá “điệu”.
Vì vậy, hãy chú ý nếu bạn hoặc người thân có những dấu hiệu trên để kịp thời phát hiện và nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lí. Và quan trọng hơn, hãy hiểu rằng không có ai hoàn hảo, nên hãy tự tin và hài lòng về những gì mình đang có.
Xuân Quyên (tổng hợp)