Học sinh được dạy nào là cảm thụ, phân tích thơ văn nhưng kỹ năng viết rất yếu, sai lỗi chính tả, ngữ pháp.
Tôi có kinh nghiệm gần 30 năm làm bác sĩ lâm sàng và hơn 20 năm giảng viên lâm sàng, tôi ủng hộ việc đổi mới và sử dụng “môn Văn” trong tổ hợp tuyển sinh viên Y khoa.
Tôi thấy lượng ý kiến phản đối chiếm phần lớn. Các ý kiến này nói môn Văn quá xa rời với những kiến thức, kỹ năng cốt lõi của người thầy thuốc. Tôi cho rằng điều này này hoàn toàn có lý trong bối cảnh học và thi môn Văn hiện nay ở bậc phổ thông.
Việc học và thi môn Văn hiện nay cũng đã có những thay đổi. Tuy nhiên, về cơ bản so với thế hệ 6x, 7x chúng tôi ngày xưa thì cũng không khác quá nhiều. Những kỹ năng về cảm thụ văn học và sáng tác văn học vẫn đang được học và chú trọng quá nhiều.
Đó là những kỹ năng nâng cao của môn Văn và có phần thuộc về năng khiếu. Những kỹ năng này chỉ phù hợp với đối tượng chuyên văn hoặc ở bậc đại học chuyên ngành.
Các kỹ năng trình bày các loại văn bản, kỹ năng chuyển văn nói thành văn viết và ngược lại, kỹ năng sử dụng các dạng từ và câu; kỹ năng đọc hiểu các loại văn bản… chỉ được học một cách khá sơ sài; đây chính là những kỹ năng sử dụng thường xuyên và lâu dài.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy tất cả những điểm yếu đó khi tham khảo đề thi vào lớp 10 hoặc tốt nghiệp THPT. Thực tế có một môn học vô cùng cần thiết nhưng chỉ được học ở bậc tiểu học, môn Tiếng Việt.
Từ trước đến nay, tuyển sinh của các trường y đa số dùng tổ hợp Toán, Hóa, Sinh (khối B) và số rất ít là Toán, Hóa, Lý (khối A). Đây là điều quá quen thuộc, thay đổi không phải dễ. Hơn nữa, các quan điểm không ủng dùng môn Văn cho rằng Hóa học đặc biệt là Hóa hữu cơ với Sinh học là không thể thiếu được nếu học Y. Điều này đúng bởi vì, con người là sự hoàn hảo của cấu trúc sinh học và các phản ứng hóa học.
Nhưng trên thực thế lượng kiến thức về hóa học, sinh học được cung cấp ở bậc phổ thông có thực sự quan trọng tới mức phải dùng nó làm môn thi để tuyển sinh viên Y không?
Tôi cho là không. Bởi vì lượng kiến thức đó chỉ là phần rất nhỏ so với lượng kiến thức hóa học, sinh học (hoặc liên quan đến hóa học và sinh học) mà sinh viên Y được học trong 6 năm và thậm chí phải tìm hiểu trong suốt cả cuộc đời làm nghề của người bác sĩ.
Vậy thì chỉ cần đánh giá sinh viên có khả năng học và sử dụng được các kiến thức của các môn học này là được. Thực tế một sinh viên đã học tốt môn Toán thì chúng ta cũng yên tâm là sinh viên đó hoàn toàn có khả năng học và tìm hiểu tốt các kiến thức Hóa học, Sinh học trong suốt quá trình học tập trong trường Y cũng như sử dụng kiến thức đó cho công việc sau này.
Quay trở lại việc thi tuyển sinh viên y khoa có cần thiết sử dụng môn văn hay không? Trong quá trình giảng dạy sinh viên Y, tôi thấy khá nhiều sinh viên khá khó khăn trong việc giao tiếp với người bệnh để thu thập các thông tin bệnh lý; trình bày rõ ràng mạch lạc các thông tin của người bệnh trong các văn bản như: bệnh án, báo cáo chuyên môn…
Thậm chí nhiều bác sĩ viết luận văn thạc sĩ, thậm chí là luận án tiến sĩ với rất nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp rất cơ bản… Theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng sử dụng môn Văn (với cách dạy như hiện nay) là không cần thiết để tuyển sinh viên Y.
Nhưng lại rất cần thiết nếu đó là môn Tiếng Việt (ở đầu bài viết tôi để môn văn trong ngoặc kép). Có lẽ, sử dụng tổ hợp để tuyển chọn sinh viên Y là các môn: Toán, Tiếng Việt và Ngoại ngữ là hợp lý nhất.
Nguồn: VnExpress