Từ sự việc nam sinh lớp 9 đánh bạn không thương tiếc ở TPHCM gây xôn xao vừa qua, câu hỏi được đặt ra: học sinh nên hành xử thế nào khi chứng kiến bạn đánh nhau và rộng hơn nữa là ứng xử ra sao trước các tình huống bạo lực học đường?
Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho rằng 2 nam sinh đánh nhau là đã sai rõ ràng và phải có hình thức xử phạt phù hợp. Nhưng với học sinh quay clip, cần nhận diện các em quay để làm gì hay chỉ để mua vui. Sự thờ ơ của những học sinh trong lớp khi chứng kiến bạo lực học đường cũng rất đáng lên án. Tuy nhiên, thật ra đây cũng là tâm lý chung của nhiều người, không muốn can dự để liên lụy đến bản thân.
Thầy Chính đề xuất việc đầu tiên là phải giáo dục đạo đức cho học sinh ngay trong lớp. Nếu có mâu thuẫn thì học sinh không một mình giải quyết mà nên thông báo cho gia đình và giáo viên. Trường hợp thấy bạn đánh nhau, nếu mình đủ nghị lực thì đứng ra ngăn cản, còn sợ thì tìm cách rời khỏi hiện trường và thông báo cho người lớn.

Thầy Chính cho biết thực tế, việc xử lý kỉ luật về hành vi bạo lực học đường không khó vì có quy định về mức độ hành vi vi phạm. Nhưng mục đích của việc kỷ luật là để răn đe và giáo dục nên việc đầu tiên cần thiết là kết nối giữa giáo viên chủ nhiệm và các học sinh để nắm bắt thông tin trước khi sự việc bạo lực học đường xảy ra.
Thế nhưng, từ đây sẽ có trường hợp nếu học sinh giấu không báo cho giáo viên thì giáo viên cũng không thể can thiệp được. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm cần có những nhắc nhở và trao trách nhiệm đối với ban cán sự lớp. Khi sự việc bạo lực học đường đã xảy ra thì giáo viên chủ nhiệm cần hàn gắn mối quan hệ rạn nứt, cần giám sát chặt chẽ hơn với các trường hợp, dù 2 học sinh này tiếp tục học cùng hay chuyển lớp…
Xem thêm >> Nữ sinh lớp 8 nói không đi học nữa vì nhà trường không công bằng
Theo thầy Chính, dù không thể đổ hết trách nhiệm nhưng vai trò của giáo viên chủ nhiệm là cực kỳ quan trọng. Các thầy cô làm công tác giám thị, công tác quản lý học sinh cũng cần nắm bắt sớm thông tin để phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để cùng xử lý.
“Năm học trước, lớp chủ nhiệm của tôi cũng xảy ra xô xát giữa 2 nhóm nam sinh, cũng quay clip tung lên group chung, sau đó tôi cũng đã giảng hòa với các em này, vừa răn đe, nhắc nhở vừa tạo cơ hội sửa sai, với hình thức kỷ luật “treo”, nếu còn tiếp tục vi phạm bất kỳ một lỗi tương tự thì sẽ xử lý mức đánh giá hạnh kiểm tương ứng. Rất mừng là trong suốt 1 năm học đó, không còn một sự việc bạo lực học đường nào nữa” – thầy Chính nói.

Theo thầy Chính, bên cạnh vai trò giáo viên, vai trò giáo dục của gia đình về vấn đề bạo lực học đường cũng rất quan trọng. “Tôi cho rằng phụ huynh những em liên quan sự việc này đều phải uốn nắn, nhắc nhở và thường xuyên giám sát hành vi các em, ít nhất là trong một thời gian. Hành vi bạo lực học đường của học sinh một phần là ảnh hưởng từ môi trường, từ các phim ảnh bạo lực, từ sự thiếu quan tâm, sự thay đổi tâm lý của các em trong độ tuổi dậy thì.
Chúng ta cũng nên nhìn nhận tích cực một chút là em học sinh này dùng tay không thay vì dùng các vật dụng cứng gây sát thương. học sinh tuổi đang ăn đang lớn nếu chỉ phạt kiểu cứng nhắc thì không lẽ đuổi học hay đẩy các em ra ngoài “- thầy phân tích.
Nguồn: NLĐ