Mỗi mùa nước nổi về, An Giang lại có dịp chiêu đãi thực khách những món ăn đặc sản cực kỳ ngon và độc đáo, đảm bảo ăn một lần nhớ mãi.
An Giang là tỉnh được biết đến với nhiều sản vật trù phú về sông nước và cảnh đẹp tự nhiên. Đây cũng là tỉnh có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, trong đó đặc biệt là những món ăn, ẩm thực mang đậm nét văn hóa vùng Nam Bộ, đặc biệt là mùa nước nổi.

An Giang mùa nước nổi là thời điểm mùa mưa của tứ giác Long Xuyên và các tỉnh thuộc khu vực Đồng Tháp Mười, gồm có Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Thời gian kéo dài khoảng 3 đến 4 tháng, từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 12 hàng năm.
Mỗi mùa nước nổi về, An Giang sẽ mang vẻ đẹp thanh bình, tĩnh lặng, khung cảnh mơ màng nhưng cũng không kém phần trù phú. Không chỉ thế, đến An Giang vào mùa nước nổi, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản cực kỳ ngon và độc đáo, đảm bảo du khách ăn một lần nhớ mãi.
Ẩm thực An Giang – Lẩu cá linh bông điên điển

Mùa nước nổi là mùa cá linh sinh sôi phát triển mạnh mẽ nhất trong năm. Cá linh thường khá nhỏ, kích thước khoảng 1 ngón tay, những con cá to khoảng 2 ngón tay. Dù hình dáng nhỏ xíu, nhưng lại mang hương vị rất đặc trưng, đặc biệt cá linh có thể chế biến được rất nhiều món ngon, nhưng món lẩu cá linh bông điên điển là món ăn đặc sản nhất của An Giang.
Món lẩu này có hương vị rất riêng, thịt cá ngọt thanh ăn cùng bông điên điển thơm lừng sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn.
Ẩm thực An Giang: Hoa súng mắm kho
Một trong những món ăn đặc trưng của người An Giang đó là hoa súng mắm kho. Vào mùa nước nổi cũng là mùa nở rộ của các loài bông súng trên khắp vùng sông nước. Cọng bông súng xôm xốp, giòn giòn, chứa nhiều nước được người dân đi hái mang về làm sạch và chế biến món ăn. Đây là món ăn dễ làm, không tốn kém nhiều lại mang đậm hương vị đồng quê nên để lại ấn tượng sâu đậm trong ký ức những ai lần đầu thưởng thức.

Mắm kho phải là mắm kho cá sặc đồng ngâm trong hũ mắm bằng sành, trên gài nhánh cây ổi tươi có lót mo cau ăn mới ngon. Mắm dỡ ra có màu đỏ thẫm thơm lừng, ăn sống với cơm nguội càng ngon. Mắm kho cá sau khi được múc ra sẽ ăn ghém với ngọn hoa súng, khi thưởng thức du khách sẽ cảm nhận vị thơm ngon của cá, có chất cay của ớt, the của sả, ngọt của tép, vị giòn của bông súng tạo thành món ăn tuyệt vời sẽ khiến du khách không thể nào quên.
Ẩm thực An Giang: Cháo cá lóc rau đắng
Chẳng giống như những món đặc sản khác phải chế biến công phu, cầu kỳ, cháo cá lóc rau đắng là món ăn ấm bụng của người dân An Giang, cùng cách chế biến rất đơn giản.
Khác với cách nấu cháo gà, cháo vịt hay cháo thịt bằm, cháo trắng phải mang đi vo trước. Cháo cá lóc rau đắng khi nấu thì gạo sẽ được mang đi rang trên chảo. Lúc này, người đầu bếp sẽ đảo liên tục cho đến khi hạt gạo vàng đều, nở bung và dậy mùi thơm hấp dẫn.

Còn cá lóc vào mùa nước nổi, cá cũng nhiều hơn, béo, ngon hơn. Những chú cá lóc đồng có kích cỡ lớn chứ không dùng con có trọng lượng 500, 600 gram được người dân bắt về làm sạch phần bụng và đầu cá bằng cách lấy mang và phần máu bầm đọng lại bên trong. Tuy nhiên, một điểm đặc biệt là khi chế biến món ăn này, phần ruột cá sẽ được giữ lại toàn bộ thay vì đem bỏ đi như bình thường.
Điều đặc biệt của mỗi tô cháo cá lóc rau đáng nằm ở phần nước dùng để nấu. Phần nước này phải là nước lọc chứ không dùng nước máy lẫn mùi clo thông thường. Sau khi nước sôi, người đầu bếp sẽ cho gạo rang vào nấu, đến khi gạo nở bung thì nêm thêm muối, bột ngọt, xíu đường và nước mắm. Phần thịt cá sẽ được cho vào sau cùng để tăng thêm hương vị.
Và cuối cùng, khi bát cháo cá lóc được múc ra nóng hôi hổi thì rau đắng sẽ được dọn riêng thành một đĩa, khi thực khách ăn thì cứ bỏ vào trộn lên cùng cháo, sau đó từ từ thưởng thức. Chính hương vị ngọt thanh của cháo kết hợp cùng vị đắng đặc trưng của rau sẽ khiến món ăn càng đậm đà và thơm ngon.
Xem thêm bài viết khác của Áo Trắng >> Bún cua thối – món ăn độc lạ ngay từ cái tên giữa lòng núi rừng Pleiku
Ẩm thực An Giang: Cá lóc nướng trui
Món ăn này của người An Giang được chế biến rất đơn giản. Cá dùng để nướng phải là cá lóc đồng, có kích thước vừa vặn tầm 500, 600 gram để khi nướng đảm bảo độ chín vừa phải. Cá sau khi được câu về sẽ xiên bằng một thanh tre vót nhọn, cắm xuống đất và nướng bằng rơm ủ chung quanh. Sau khi cá chín, người ta sẽ bày cá lên lá chuối, gạt bỏ phần da cháy đen bên ngoài và chỉ thưởng thức phần thịt trắng trong mà thôi. Cá nướng sẽ chấm cùng muối ớt hoặc mắm me để tăng thêm hương vị.

Món cá lóc nướng trui ăn ghém với các loại rau sống như chuối chát, thơm, xà lách, rau thơm, hoặc cuốn với bánh tráng, bún và tất nhiên không thể thiếu những chén mắm me với ớt xắt hấp dẫn. Cá lóc nướng trui Tiền Giang với hương vị ngọt thơm, chắc thịt đã khiến bao người thương nhớ và chỉ mong sớm có ngày quay lại để thưởng thức.
Bên cạnh những món ăn đó thì mùa nước nổi còn mang đến rất nhiều món ăn ngon dân dã khác, như các món ăn ngon từ ếch đồng (Ếch chiên bơ, ếch xào lăn nước cốt dừa, ếch nướng sả ớt hay cháo ếch), từ chuột đồng (chuột quay lu, khìa nước dừa, chuột nấu mẻ, xào củ kiệu, chuột chiên, đặc biệt là món chuột ướp chao nướng than hồng)…

Ngoài ra, mùa nước nổi cũng là thời điểm con cua, con ốc sinh sôi nảy nở nhiều trên đồng ruộng. Cua đồng có thể chế biến thành nhiều món ngon, như: Nấu bún riêu, cua luộc chấm muối ớt, cua rang muối… Còn ốc thịt giòn, ngon ngọt, chế biến được nhiều món ăn khoái khẩu, như: Ốc luộc sả, ốc hấp tiêu, rang me, ốc nướng… Ai có dịp dùng một lần sẽ nhớ mãi.
Nguồn: Dân việt