Trung thu đến gần, thị trường bánh cũng hoạt động mạnh mẽ hơn, với nhiều loại hình mua bán khác nhau. Để an toàn cho người tiêu dùng, cần nghiêm khắc, kiểm soát chặc chẽ hơn, đặc biệt là nguồn gốc, xuất xứ và vệ sinh thực phẩm.

Liên tiếp bắt giữ bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Khi mùa Trung thu đến, thị trường bánh các loại rất phong phú, đa dạng đồng thời kéo theo rất nhiều sản phẩm được làm giả, làm nhái, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc lúc lượng chức năng trên toàn quốc đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và phát hiện hàng chục nghìn sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Theo báo cáo của Tổng cục quản lý thị trường trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều sản phẩm bánh Trung Thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Mới nhất, ngày 14/9, Đội Quản lý Thị trường số 22 (Cục Quản lý Thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 7, phòng PC03, Công an Thành phố đã phát hiện và tạm giữ 122.100 sản phẩm bánh Trung Thu các loại có dấu hiệu nhập lậu tại một cơ sở thuộc phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm.
Trước đó vài ngày, cũng tại quận Bắc Từ Liêm, Đội Quản lý Thị trường số 22 phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện và tạm giữ 4.608 chiếc bánh Trung Thu Bibizan có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu tại đường Thụy Phương, phường Đức Thắng.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, nngày 12/9, Đội Quản lý Thị trường số 4 (Cục Quản lý Thị trưởng Thành phố Hồ Chí Min) kiểm tra tại 2 điểm kinh doanh bánh trứng chảy, bánh Trung Thu trên địa bàn quận Phú Nhuận đã tạm giữ hơn 400 bánh Trung Thu trứng chảy, loại 6 cái/hộp 330g, không ghi xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, trên sản phẩm không có tài liệu liên quan đến chất lượng của hàng hóa kèm theo…
Không chỉ các thành phố lớn, tại nhiều tỉnh thành khác, lực lượng chức năng cũng thu giữ rất nhiều sản phẩm bánh Trung Thu là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Đơn cử, tại Hà Nam, ngày 12/9, lực lượng liên ngành kiểm tra 3 điểm kinh doanh thực phẩm tại phường Lương Khánh Thiện; phường Châu Sơn; xã Liêm Tiết, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý đã phát hiện hơn 1.586 sản phẩm bánh Trung thu không có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa theo quy định. Lo ngại hơn khi các hộ kinh doanh trình bày, toàn bộ số hàng trên được mua trôi nổi trên thị trường về bán lại kiếm lời.

Giám sát chất lượng bánh trung thu
Theo các chuyên gia, việc kiểm soát chất lượng đối với bánh Trung Thu phải tiến hành từ sớm, nhất là nguyên liệu đầu vào, đến các khâu chế biến, bảo quản sản phẩm….đều phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ, đúng quy định, bởi khi đã là thành phẩm, rất khó để kiểm soát chất lượng.
Theo Cục QLTT TP. Hà Nội, nhiều cơ sở kinh doanh tận dụng lợi thế của thương mại điện tử đã rao bán, chạy quảng cáo trên mạng xã hội, các hội nhóm cộng đồng…Vì thế, Cục QLTT TP. Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm sử dụng trong dịp Tết Trung thu, đặc biệt là mặt hàng bánh trung thu, rượu bia, nước giải khát, phụ gia thực phẩm…
Đại diện Cục QLTT Hà Nam cho hay, những chiếc bánh Trung thu, thực phẩm không tem nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tài liệu liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa … sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Do đó, khi lựa chọn và sử dụng, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng như trên sản phẩm có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ các nội dung về thành phần, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất…, tuyệt đối không nên lựa chọn, mua sản phẩm không có thông tin về nguồn gốc sản xuất của hàng hóa.

Về phía các lực lượng chức năng cũng tăng cường các biện pháp kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn với các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm cũng như buôn lậu đối với mặt hàng này.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế đã thành lập 2 Đoàn kiểm tra và tăng cường kiểm tra các cơ sở trong lĩnh vực ngành quản lý. Cụ thể, Sở đã phân công các đơn vị chức năng để tổ chức các đoàn kiểm tra tất cả các cơ sở trên địa bàn.
“Nếu phát hiện tồn tại và vi phạm sẽ kịp thời chấn chỉnh có giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho dịp Tết Trung Thu,” bà nhấn mạnh.
Về phía Cục Quản lý Thị trường Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong dịp Tết Trung thu trên địa bàn thành phố, trong đó lực lượng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng bánh trung thu, nguyên liệu để sản xuất bánh Trung Thu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh Trung Thu thu tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì; khách sạn, nhà hàng có sản xuất, kinh doanh sản phẩm này.
Cùng đó, kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận; Kiểm tra hoá đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, phụ gia thực phẩm, nguyên liệu để sản xuất bánh trung thu (vỏ và nhân bánh), bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm.
Tiếp đến là kiểm tra chất lượng, đo lường, công bố tiêu chuẩn sản phẩm, công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định An toàn thực phẩm; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm bánh trung thu, văn hóa phẩm, đồ chơi trẻ em. Kiểm tra các quy định về giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
Xem thêm >>> Đại học Kinh tế – lộ diện 3 thủ khoa điểm cao chót vót
Theo thông tin mà Áo Trắng cập nhật được, trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thị trường, đặc biệt là các mặt hàng bánh Trung Thu, đồ chơi trẻ em… trong những ngày này.
Mỹ Anh (Tổng hợp)