20/11 là ngày để học trò thể hiện sự yêu mến và lòng biết ơn đối với thầy cô giáo của mình thông qua những lời chúc và những món quà ý nghĩa. Thế nhưng, mỗi năm cứ đến ngày này là hàng loạt câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra.
Việc tặng quà tri ân thầy cô 20/11 có thật sự cần thiết?
Mới đây, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) đã ban hành văn bản quán triệt học sinh, phụ huynh và người lao động không tổ chức đến nhà giáo viên, lãnh đạo trường tặng quà ngày nhà giáo 20/11 với các lý do.
Thứ nhất, Ea Huar là xã đặc biệt khó khăn của huyện Buôn Đôn và tỉnh Đắk Lắk, đồng bào dân tộc thiểu số đông và đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên không để phụ huynh và học sinh phải suy nghĩ và lo lắng đến việc tặng quà cho giáo viên và lãnh đạo nhà trường. Thậm chí để có tiền mua quà tặng các thầy, cô giáo, nhiều em học sinh phải đi làm thuê mới có tiền.
Thứ hai, vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm, qua theo dõi báo chí nhiều em học sinh đi tri ân thầy, cô đã xảy ra một số vụ tai nạn thương tâm. Vì vậy, việc không tổ chức tặng quà cho thầy, cô giáo sẽ ngăn chặn được các vụ tai nạn thương tâm này.

Thứ ba, việc không tặng quà cho thầy, cô giáo sẽ tạo ra sự đối xử công bằng với tất cả các em học sinh, vì đôi khi học sinh là con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi thăm giáo viên, giáo viên lại không quan tâm bằng các em đi thăm.
Câu chuyện này nhanh chóng trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn xã hội. Có người ca ngợi, đồng tình với nhà trường, nhưng cũng có người phản đối vì cho rằng thăm thầy cô, tặng quà tri ân nhân ngày 20/11 là quyền của phụ huynh, có làm gì vi phạm pháp luật đâu mà phải ra văn bản cấm.
Câu chuyện tặng quà hay không tặng quà giáo viên vào dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 thật ra là do quan điểm, cách nghĩ của mỗi người. Nhưng với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam, đây là dịp để học trò tri ân người thầy của mình.
Ở thời phụ huynh thế hệ 6X, 7X, 8X, những bó hoa tươi thắm học trò tặng thầy cô giáo thực sự có ý nghĩa đẹp, thay cho lời cảm ơn chân thành, sâu sắc và tình cảm kính mến gửi đến những người đã dạy dỗ mình nên người. Khi cuộc sống đầy đủ hơn, những món quà vật chất cũng dần xuất hiện.
Bản thân món quà có lẽ không có gì đáng trách, có chăng nó thể hiện điều kiện của mỗi gia đình. Nhưng cách tặng và nhận quà mới là điều đáng nói. Làm sao để người tặng không ‘phô’, không để ngày 20/11 trở thành dịp phụ huynh thể hiện đẳng cấp; làm sao để cách nhận cũng tế nhị, vì món quà dù ít, dù nhiều, dù to hay nhỏ cũng chính là sự tri ân của học sinh và gia đình tới giáo viên.

Những đứa trẻ vốn hồn nhiên bỗng một ngày ngỡ ngàng khi giáo viên xướng tên và những món quà mà bố mẹ chúng tặng ngay giữa lớp, hẳn sẽ là một vết hằn khó quên.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng dù thế nào đi chăng nữa, món quà tinh thần lớn lao, có ý nghĩa mà học trò dành tặng tặng giáo viên là kết quả học tập tốt, là ý thức, tinh thần thái độ trong quá trình học tập. Thậm chí giờ đây, khi mạng xã hội thông dụng thì những dòng tin nhắn, những lời chúc qua Zalo, Facebook, Viber… hay điện thoại di động cũng có thể làm ấm lòng thầy cô giáo.
Còn những món quà vật chất – nếu có, chỉ nên là những món quà nhỏ, có ý nghĩa nhiều hơn về mặt tinh thần do chính tay học sinh làm, hoặc do các em tự để dành dụm tiền mua tặng giáo viên bằng sự kính trọng và thương yêu.
Vì thế, nói ‘không’ với việc tổ chức tiếp khách và nhận hoa, quà chúc mừng kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tới đây của ngành giáo dục một số địa phương, âu cũng chỉ là hình thức, đối phó với dư luận. Đành rằng, có những lý giải cho là, việc không tặng quà thầy, cô giáo sẽ tạo ra sự đối xử công bằng với tất cả các em học sinh. Nhưng nếu việc tặng quà xuất phát từ cái tâm của người tặng và sự trân trọng của người nhận, liệu có cần nhắc tới những văn bản cấm?
Xem thêm >> Phụ huynh tố cô giáo “đòi” mua cước điện thoại, thực hư ra sao?
Chuyện tặng quà tri ân ngày 20/11 ngày càng biến tướng
Ngày nay, câu chuyện tặng quà tri ân ngày 20/11 ngày càng biến tướng. Người ta dần quên đi những món quà quê mà thay vào đó là chiếc phong bì, là phiếu mua hàng cho tiện ích. Việc tặng quà giáo viên cũng có nhiều mục đích, không đơn giản là sự tri ân công lao dạy dỗ, chăm sóc.
Có không ít phụ huynh tặng quà như một thứ nghĩa vụ bắt buộc, “a dua” theo phong trào, sợ con bị trù dập rồi gửi đến giáo viên kiểu “ban phát”, đồng thời gửi gắm, mong muốn con cái mình được thầy cô quan tâm, ưu ái nhiều hơn bạn bè khác nên người tặng có mục đích mà người nhận cũng thấy nặng lòng. Vì thế, món quà tặng miễn cưỡng nên cũng không thấy vui và thoải mái.
Khi món quà tặng không xuất phát từ tâm rất dễ sinh ra chuyện bực dọc và có ý nghĩ không tốt về thầy cô. Ngoài ra, một số trường học hiện nay thường lấy số tiền quỹ của lớp để làm quà tặng cho giáo viên. Ban đại diện cha mẹ học sinh còn lên cả danh sách dài những thầy cô giáo sẽ được tặng quà.

Mỗi lớp hàng chục giáo viên, thầy cô giáo trong Ban giám hiệu và cả những cô bảo mẫu của lớp. Số tiền chi cho việc tặng quà không hề nhỏ. Cũng vì điều này, số tiền thu của học sinh vào đầu năm trở nên khá cao đã gây bất bình cho rất nhiều phụ huynh và dư luận.
Trên các diễn đàn, nhóm hội phụ huynh, vào những ngày này, người ta bàn luận rôm rả việc tặng quà giáo viên. Bên cạnh đó, không ít những ý kiến lên án làm hình ảnh thầy cô trở nên thực dụng và xấu dần trong mắt bao người.
Trường học ra văn bản quán triệt học sinh, phụ huynh và người lao động không tổ chức đến nhà giáo viên, lãnh đạo trường tặng quà. Giáo viên cũng cấm phụ huynh chở con đến nhà, đến trường để tặng quà cũng là cách đang bảo vệ hình ảnh người thầy trước những biến tướng của việc tặng quà ngày 20/11.
Xuân Quyên (tổng hợp)